Đừng để lãng phí sách giáo khoa cũ

08/07/2023 06:37

Biết nhà có con năm tới học lớp 8, là khóa đầu tiên bậc THCS theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô bạn nhà ở huyện gọi điện hỏi thăm xin lại bộ sách giáo khoa cũ lớp 6, lớp 7 cho con học. Nhưng, hỏi qua hỏi lại mới biết các cháu khác trường của nhau nên học bộ sách giáo khoa cũng khác nhau.

Con tôi năm học lớp 6 thì tất cả các môn đều học bộ sách Cánh diều, môn Tiếng Anh học sách Right On; lên lớp 7 và hiện nay chuẩn bị lên lớp 8 (đã được nhà trường thông báo để mua sách) học bộ sách Cánh diều ở các môn học, môn Tiếng Anh học sách Right On và riêng môn Ngữ văn học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong khi đó, trường của con nhà cô bạn lại chọn học bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Vậy là sách giáo khoa cũ cu con để trong ngăn tủ đó, nhưng vì không cùng bộ sách nên chẳng thể tặng cho người thân, người quen học lớp sau.

Nào đâu mỗi chuyện của cu con và con nhà cô bạn. Thời điểm này dẫu đang là mùa hè nhưng nhà nghèo luôn biết lo toan chuyện xa, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn như cô bạn đã gọi điện người này, hỏi thăm người kia để xin sách giáo khoa cũ cho con sử dụng vào đầu năm học mới.

Có những bộ sách giáo khoa chỉ sử dụng trong một năm học. Ảnh: N.P

 

Từ chuyện này lại nhớ chuyện của nhiều năm về trước, chỉ cần một bộ sách giáo khoa, hết anh, chị lại đến các em, rồi cho cả anh em họ hàng, xóm giềng cùng sử dụng. Những gia đình khó khăn chỉ cần biết nhà nọ, nhà kia có con năm trước học lớp đó, đầu hè đã tới xin, tới mượn rồi năm sau sắp xếp gọn gàng trả lại hoặc chuyển giao cho các em lớp sau. Xoay vòng một bộ sách giáo khoa hết năm học nọ sang năm học kia, hầu như ai cũng có ý thức gìn giữ sách để còn chia sẻ cho các em.

Còn ngày nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau và mỗi trường chọn mỗi bộ sách khác nhau (có trường kết hợp nhiều bộ sách khác nhau) nên chuyện xin sách, mượn sách giáo khoa cũ để sử dụng lại trở nên khó hơn. Cứ tính trung bình một bộ sách giáo khoa (chưa kể sách bài tập) vào khoảng 300 nghìn đồng (tăng, giảm tùy vào lớp, tùy vào mỗi năm) thì mỗi gia đình có 2 con đến trường, riêng tiền sách giáo khoa cũng vào tầm 600 nghìn đồng. Rồi, áo quần đồng phục, vở, bút mực, giày dép, các loại quỹ đóng nộp đầu năm, mỗi thứ một tí cộng dồn lại một chút thành khoản tiền không nhỏ. Những gia đình có điều kiện thì chẳng phải bàn, nhưng với những gia đình như cô bạn có tổng thu nhập của cả hai vợ chồng mỗi tháng chỉ tầm 8-9 triệu đồng thì số tiền chi phí cho các con đầu năm học không phải là nhỏ.

Trong khi có những gia đình cần bộ sách giáo khoa cũ để bớt đi khoản chi phí học tập cho các con vào đầu năm học mới thì lại có những gia đình xếp gọn bộ sách giáo khoa cũ cất vào một góc tủ. Rõ ràng đây là một sự lãng phí lớn. Sự lãng phí này không dừng lại ở nguồn kinh phí của mỗi gia đình mà xét rộng ra còn là sự lãng phí của toàn xã hội, lãng phí nguồn tài nguyên: bột giấy sản xuất từ gỗ, nguồn nước, điện, máy móc, chi phí nhân công, vận chuyển. Không chỉ vậy, việc cho, mượn sách giáo khoa cũ để học còn là một cách giáo dục cho các em ý thức gìn giữ, bảo quản sách (không viết, vẽ bậy vào sách, luôn bao bọc giữ cho sách luôn mới) và tinh thần sẻ chia cho các em mình, cho các em khó khăn năm sau dùng lại.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những thay đổi trong dạy và học, trong việc chọn lựa, sử dụng sách giáo khoa. Tùy vào mỗi trường mà học sinh được học những bộ sách giáo khoa khác nhau, hoặc có trường tùy vào môn học mà sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau. Tất nhiên việc đổi mới sách giáo khoa, biên soạn nhiều bộ sách trên nền tảng kiến thức chung cùng đưa vào giảng dạy, học tập là hết sức cần thiết, phù hợp với xu hướng của sự phát triển. Tuy nhiên, vì “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, rồi có những cuốn sách chừa hẳn phần trả lời cho học sinh viết vào nên giá trị tái sử dụng thấp. Điều này dẫn đến vòng đời sử dụng của một bộ sách giáo khoa ngắn, thậm chí có những bộ sách của một số học sinh chỉ sử dụng trong một năm học mà không hề được quay vòng (thậm chí ngay cả anh em ruột trong một gia đình). 

Là một tỉnh miền núi, với hơn 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao thì việc tránh lãng phí trong sử dụng sách giáo khoa cũ là hết sức cần thiết. Trong khi có những bộ sách giáo khoa sau một năm học vẫn để yên trong tủ mà không hề được quay vòng sử dụng tiếp thì vẫn còn bao nhiêu phụ huynh, bao nhiêu học sinh khó khăn hết hỏi nhà này, xin nhà kia để có sách học vào năm học mới. Nhưng như đã nói, tùy vào mỗi trường mà việc sử dụng những bộ sách khác nhau nên việc chuyển giao (cho, mượn) sách giáo khoa cũ khó khăn hơn trước.

Không để lãng phí sách giáo khoa cũ và cũng là một cách giáo dục cho học sinh đức tính cẩn thận, biết quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh, khi kết thúc năm học và đầu mỗi năm học, thầy cô giáo, nhà trường trở thành đầu mối kêu gọi tinh thần tự nguyện cho, tặng sách giáo khoa cũ cho học sinh các khóa sau ngay trong chính trường của mình và cho học sinh khó khăn các trường khác cùng học chung bộ sách giáo khoa là hết sức cần thiết.         

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác