Đừng để lãng phí đất đai ở các khu, cụm công nghiệp

12/06/2020 13:08

Nhiều cử tri phản ảnh có sự lãng phí về đất đai trong nhiều năm nay, hàng trăm héc ta đất sản xuất đã bị thu hồi để triển khai xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Thời gian qua, sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Tuy nhiên, đóng góp của các khu, cụm công nghiệp trong thời gian qua cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Nhiều cử tri phản ảnh có sự lãng phí về đất đai trong nhiều năm nay, hàng trăm héc ta đất sản xuất đã bị thu hồi để triển khai xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo văn bản trả lời của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Khu công nghiệp Hòa Bình tại phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum có diện tích 60ha. Đến nay, khu công nghiệp này đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đã lấp đầy diện tích đất công nghiệp và đầu tư hoàn thiện khu xử lý nước thải tập trung. Hiện có 35 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 649,46 tỷ đồng; vốn thực hiện khoảng 425 tỷ đồng. Trong đó, có 24 dự án đang hoạt động; 6 dự án tạm dừng hoạt động, 5 dự án đang triển khai. Diện tích đăng ký thuê đất với 100% quỹ đất công nghiệp đã được cho thuê; tỷ suất đăng ký đầu tư khoảng 9,9 tỷ/ha. Giải quyết việc làm khoảng 2.000 lao động, nộp ngân sách khoảng 17,86 tỷ đồng (từ năm 2008 đến nay).

Khu công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Ảnh: XB

 

Khu công nghiệp Hòa Bình giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất điều chỉnh vị trí đầu tư xây dựng tại thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum có quy mô 70 ha. Quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt và điều chỉnh tại các Quyết định số 1042/QĐ-UBND ngày 09/9/2016 và số 1474/QĐ-UBND ngày 28/12/2018. Toàn bộ diện tích đất khu công nghiệp này đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Tỉnh đã triển khai công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại đây.

Với Khu công nghiệp Sao Mai có quy mô 150 ha, hiện tại đã có khoảng 88,88 ha diện tích được bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện, đơn vị chức năng đang tiếp tục triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư. Khu công nghiệp Sao Mai được quy hoạch gắn với Khu đô thị-dịch vụ Sao Mai theo tinh thần Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu công nghiệp này đang được khẩn trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống giao thông nội bộ để hình thành Dự án Cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu công nghệ cao Nam Kon Tum.

Tại Khu công nghiệp Đăk Tô ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) có quy mô 146,76 ha, toàn bộ diện tích đất theo quy hoạch được giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai để đầu tư xây dựng nhà máy bột giấy. Hiện nay, có 46,76 ha Công ty đang triển khai đầu tư dự án Nhà máy bột giấy và giấy; 100 ha diện tích đất còn lại Công ty đang lập thủ tục xin chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Riêng Khu công nghiệp Hòa Bình (giai đoạn 2), tỉnh đã có văn bản trình Chính phủ xin đưa ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp; thông qua đó, tỉnh có thể tận dụng tối đa quỹ đất của khu công nghiệp này để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến. Các sản phẩm từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện của địa phương, khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất.

Nhiều cử tri cho rằng, khi giảm bớt số lượng khu công nghiệp thì tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư cho khu công nghiệp khác như Khu công nghiệp Sao Mai, Cụm công nghiệp Đăk La, Cụm công nghiệp Thanh Trung…để các khu, cụm công nghiệp này sớm đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, và không để lãng phí nguồn lực đất đai.

Dương Lê

Chuyên mục khác