Đưa nhà vườn thông minh vào trường học

05/10/2017 06:01

​Sau vài tháng trồng khảo nghiệm, các loại rau trồng thủy canh, cà chua, bí, xà lách… đã xanh mơn mởn trong 5 nhà vườn thông minh rộng 1.000 m2 tại Trại thực hành (Trường Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật Kon Tum). Nhà vườn thông minh giá rẻ vừa là cơ sở cho học sinh, sinh viên, giảng viên thực hành đồng thời là bước đệm để khởi nghiệp theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ý tưởng “Sản xuất nhà vườn thông minh giá rẻ” của ông Đặng Xuân Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật Kon Tum, kiêm Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Kon Tum là 1 trong 14 dự án, ý tưởng khởi nghiệp được Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh xét duyệt đợt 1 năm 2017.

Ngay khi được xét duyệt, Hiệu trưởng Đặng Xuân Thọ đã cùng với các giảng viên trong 2 trường triển khai thực hiện và cho được những kết quả bước đầu.

Cà chua phát triển tốt trong nhà vườn thông minh. Ảnh: H.T

 

Mục sở thị khu vườn thông minh, chúng tôi mê mẩn trước những luống cà chua, cải, xà lách xanh mơn mởn, đua nhau phát triển trong 5 nhà lồng được lắp đặt công phu.

Hiệu trưởng Đặng Xuân Thọ - người nghĩ ra ý tưởng khởi nghiệp giới thiệu: Xây dựng các khu nhà vườn theo “module” nhỏ là tất yếu để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhà vườn như thế này sẽ giúp kiểm soát đầy đủ và chặt chẽ các thông số trong quá trình sản xuất: nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, khí oxy…; sử dụng tối ưu đất canh tác để đáp ứng cho sự sinh trưởng, phát triển tốt nhất của cây trồng, đồng thời kiểm soát được sâu bệnh hại để đạt sản lượng cao nhất.

Ngôi vườn với 5 nhà lồng trong diện tích 1 sào này được làm với giá thành khoảng 600 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với giá trên thị trường. “Thực tế chúng tôi chỉ mất tiền mua khung sườn, lưới, màng ni lông… còn các thiết kế, xây lắp đều do các thầy cô tại Trường Trung cấp Nghề thực hiện. Hơn thế, chúng tôi cũng tự nghiên cứu, làm hệ thống phun sương, bón phân, làm mát, sưởi, tưới nhỏ giọt tự động… nên giảm được rất nhiều chi phí” - ông Thọ cho hay.

200m2 rau thủy canh sạch sâu bệnh, độc tố. Ảnh: H.T

 

Xây dựng được nhà vườn thông minh phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, ông Thọ tiếp tục lồng ghép, xây dựng kỹ thuật trồng các loại cây: cà chua bi, dưa leo, xà lách… Sau đó khảo nghiệm xuống giống trong nhà vườn thông minh giá rẻ.

Tháng 4/2017, Hiệu trưởng Đặng Xuân Thọ cùng các thầy cô đã xuống giống trồng cây cà chua bi trong diện tích 200m2. Qua quá trình chăm sóc, cây cà chua sinh trưởng tốt và cho thu hoạch đợt đầu khoảng 1 tạ.

Sau thu đợt đầu, thầy cô tiếp tục sử dụng 800m2 (4 nhà vườn) trồng cà chua socola, dưa lưới, bí… “Tất cả các quy trình trồng, chăm sóc đều được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng thời gian, chỉ dẫn và đa số đều sử dụng hệ thống máy móc tự động nên hạn chế được nhân công cũng như sâu bệnh lây lan. Hiện tại, các loại cây trồng đều phát triển rất tốt, và chỉ một thời gian nữa sẽ cho thu hoạch” - Giảng viên Trương Thanh Thương - Khoa Nông lâm, Trường Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật (phụ trách kĩ thuật trồng cây trong nhà vườn) cho biết.

Trong tháng 8 vừa qua, Hiệu trưởng Đặng Xuân Thọ cùng với các thầy cô cũng tiến hành xuống giống trồng 200m2  rau thủy canh: xà lách, cải ngọt, cải bó xôi… Và cũng như các loại cây trồng khác, được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất nên rau thủy canh cũng phát triển tốt.

Ông Thọ nhận định, mô hình nhà vườn thông minh giá rẻ và việc khảo nghiệm trồng rau trong nhà vườn là điều kiện thuận lợi để các giáo viên, giảng viên Trường Trung cấp Nghề cũng như Trường Cao đẳng Kinh tế Kĩ thuật thử nghiệm, tiếp cận với việc ứng dụng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, giúp các em học sinh, sinh viên có nhu cầu học nghề trồng rau tiếp cận với công nghệ cao theo định hướng phát triển trong tương lai.

Các loại rau phát triển tốt trong nhà vườn thông minh. Ảnh: H.T

 

Bước khảo nghiệm và cho những kết quả đáng khích lệ là động lực để Hiệu trưởng Đặng Xuân Thọ và các giảng viên tiếp tục hướng đến xây dựng, mở rộng nhà vườn thông minh lên 3ha.

Không chỉ ngừng lại ở việc xây dựng nhà vườn thông minh và trồng trọt, theo ông Thọ, khi việc thiết kế, trồng trọt đi vào hệ thống, trường sẽ có hướng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu.

“Thực tế tại Trường Trung cấp Nghề có lớp dạy nghề nấu ăn nên tôi hướng trồng rau, củ sạch, lấy sản phẩm cung cấp trực tiếp, đưa quá trình chế biến, giảng dạy theo hướng khép kín. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ nghiên cứu, thành lập doanh nghiệp khoa học trong trường, tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu” - Hiệu trưởng Đặng Xuân Thọ chia sẻ.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác