Đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân

29/03/2024 06:18

Xác định công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về chính sách BHXH, BHYT, thời gian qua, ngành BHXH tỉnh triển khai đa dạng các hình thức truyền thông, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 19,79%, tỷ lệ bao phủ BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 11,87 %, tỷ lệ bao phủ BHYT so với dân số là 93,46%.

Năm 2024, tỉnh ta đặt mục tiêu, nâng tỷ lệ tham gia BHXH đạt 20,15% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện đạt 5,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ tham gia BHTN đạt 12,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt từ  94,15%  dân số trở lên.

Tuyên truyền, đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân. Ảnh: T.H

 

Theo đó, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch truyền thông, trong đó, tập trung vào những đợt cao điểm, tháng vận động triển khai BHXH, BHYT toàn dân. Công tác tuyên truyền được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng như truyền thông nhóm nhỏ, tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật BHXH, BHYT, phát tờ rời, tờ gấp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình và từng người dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Từ đó, để người dân hiểu, nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa và lợi ích thiết thực cũng như những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của các cấp, ngành khi tham gia BHXH, BHYT.

Trong tháng 3, BHXH tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh triển khai đợt cao điểm tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT lần thứ 1 năm 2024 với chủ đề “Tham gia BHXH, BHYT để cuộc sống chất lượng hơn”. Qua đó, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, người sử dụng lao động, người lao động, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các ngành, các cấp trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Cùng với ngành BHXH, các địa phương cũng rất quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT cho người dân

Cán bộ phường Lê Lợi tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho người dân. Ảnh: TH

 

Chẳng hạn như tại phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum), địa phương hiện có 7.749 hộ gia đình, trong đó, có 2.082 hộ đồng bào DTTS, nhiều gia đình điều kiện kinh tế khó khăn nên việc vận động người dân tham gia BHYT là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, chính quyền, hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên của phường vẫn luôn kiên trì tuyên truyền, động viên, hướng dẫn người dân tham gia BHYT hộ gia đình để tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm bớt gánh nặng về kinh tế nếu không may đau ốm. Từ đó, nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc tham gia BHYT của người dân từng bước được nâng lên.

Bà Y Byưm (phường Lê Lợi) cho biết: Trước đây, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nên được nhà nước cấp miễn phí thẻ BHYT, sau đó, thoát nghèo không còn hỗ trợ nữa, nhưng cán bộ phường, thôn giải thích nên tôi hiểu với những người lớn tuổi, sức khỏe đã suy giảm như tôi nên tham gia BHYT. Cầm thẻ BHYT trong tay tôi cảm thấy an tâm hơn, nếu không may ốm đau phải nằm viện cũng không phải lo lắng nhiều về tiền viện phí.

Gia đình chị Y Ban (phường Lê Lợi) có 7 thành viên, hiện tại đã có 4 người có BHYT, chị cố gắng dồn tiền để mua cho các thành viên con lại. Chị Y Ren chia sẻ: Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đôi lúc mình đắn đo về việc tham gia BHYT, nhưng nghĩ lại, nếu không may tai nạn hay đau ốm nặng, không có thẻ BHYT thì biết xoay sở làm sao, còn nếu đau nhẹ lên trạm y tế phường khám cũng được cấp thuốc, đỡ tốn kém. Vậy nên, vợ chồng tôi bàn nhau cố gắng gom góp để mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình. Cũng may, nhờ chính sách hỗ trợ 40% chi phí mua thẻ BHYT đối với hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình nên gia đình tôi giảm được một khoản kha khá.

BHYT mang tính dự phòng những rủi ro về chi phí khi không may ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân vì chưa thấy được ý nghĩa, lợi ích thiết thực của tấm thẻ BHYT, đôi khi vì “cái khó bó cái khôn” nên vẫn còn đắn đo, chưa chủ động tham gia.

Việc nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc của chính sách và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT là giải pháp quan trọng để mở rộng, phát triển đối tượng tham gia. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương trên toàn tỉnh.     

Thùy Hương

Chuyên mục khác