Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh: Góp phần bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở

10/12/2018 13:08

​Năm 2018, Dự án “Phát triển trẻ thơ toàn diện”(DA PTTTTD) tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2021 tiếp tục được triển khai thực hiện ở 9 xã của 3 huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Rẫy. Từ dự án này, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt ở cấp cơ sở được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn cho công tác chăm sóc giáo dục, vì sự sống còn và phát triển toàn diện của trẻ thơ.

Tháng 11 vừa qua, Ban quản lý DA PTTTTD tỉnh giai đoạn 2017-2021, đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai dự án PTTTTD trong 2018. Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, Phó Giám đốc Thường trực Ban quản lý dự án thông tin, quý II năm nay dự án chính thức triển khai ở 9 xã của 3 huyện: xã Đăk Na, Măng Ri, Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông); Đăk Pét, Đăk Choong, thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei); Tân Lập, Đăk Tờ Re, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy). Các đơn vị thành viên tham gia chủ yếu của dự án là Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH và Sở NN&PTNT.

Theo Ban quản lý dự án, công tác được triển khai trong năm nay phần lớn tập trung tổ chức 36 hoạt động truyền thông, trong đó có khoảng 100 đợt tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho 2.000 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc các sở ngành, chính quyền huyện, xã và các tổ chức đoàn thể địa phương thuộc vùng dự án. Đồng thời, phổ biến, truyền kỹ năng, kinh nghiệm 56 đợt cho 600 cặp cha mẹ có con độ tuổi 0-8 (vùng dự án) có kiến thức cơ bản, quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con em.

Học sinh Trường Mầm non Đăk Pne với các dụng cụ học âm nhạc được đầu tư năm 2018. Ảnh: M.T

 

Ông Bắc khẳng định công tác trên là cấp thiết, cần thực hiện ngay từ đầu để đội ngũ cán bộ được bổ sung kiến thức mới, tích cực về chăm sóc trẻ của các nước tiên tiến, được nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt nhất cho công tác triển khai một số mục tiêu, chỉ tiêu chăm sóc, phát triển toàn diện và vì sự sống còn của trẻ em tại gia đình, cộng đồng, gắn với 16 chỉ tiêu phát triển toàn diện trẻ em tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2021.

Cụ thể như ở Trường Mầm non Đăk Pne (xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy) đơn vị được dự án PTTTTD tỉnh đầu tư giai đoạn 2017-2021. Tại đây, chúng tôi đã gặp cô Nông Thị Hương - Hiệu trưởng nhà trường.

Cô Hương cho biết, bản thân và 5 giáo viên chăm sóc trẻ đã thu hoạch nhiều kiến thức bổ ích về khuyến khích cho học sinh làm quen môi trường sinh hoạt, hòa nhập tập thể; khả năng nhận biết về thế giới xung quanh (âm thanh, màu sắc...) qua tranh ảnh, âm nhạc. Nhà trường còn được Đoàn công tác của Ban quản lý DA PTTTD tỉnh đến thăm, hỗ trợ các trang thiết bị giáo dục âm nhạc cho học sinh với tổng trị 60 triệu đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất giáo dục ban đầu cho 154 cháu đang theo học ở trường.  

Bà Đinh Thị Lan - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ, đơn vị là thành viên của Ban quản lý dự án cấp tỉnh, năm 2018, ngành phối hợp khá thường xuyên với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nghiệp vụ cho một số tập thể, cá nhân nằm trong dự án. Đối với ngành GD&ĐT tỉnh có 246 lượt cán bộ giáo viên mầm non, tiểu học được tham gia truyền kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn về công tác quản lý, cách thức tiếp cận những kiến thức mới về phương pháp giáo dục tiên tiến cho học sinh ở các lứa tuổi khác nhau; lập kế hoạch tổ chức các hoạt động cho học sinh tại địa phương; nắm bắt được những khó khăn từ học sinh, phụ huynh. Từ đó, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, góp phần phát triển trẻ thơ toàn diện.

Đồng thuận với lợi ích ban đầu dự án mang lại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên vùng dự án, ông Nguyễn Văn Quyền – Trưởng phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, từ dự án này, anh chị em làm công tác lao động, thương binh xã hội cấp huyện đến xã đã tham gia 128 đợt tập huấn; 600 cặp cha mẹ cùng được truyền thông về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt 100% theo kế hoạch đề ra năm 2018. Ngoài ra, đơn vị còn nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí từ dự án để tổ chức vận hành và duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng nhằm tăng cường dịch vụ bảo vệ trẻ. Các tháng cuối năm nay, thông qua hệ thống này có 360 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở 9 xã được tham vấn vãng gia và theo dõi để trợ giúp chủ động tại cộng đồng. Cùng đó, 30 trẻ khuyết tật tại các Trung tâm Bảo trợ công tác xã hội trong tỉnh được nhận hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc hàng ngày và có kết quả tiến bộ trong các kỹ năng cơ bản phục vụ bản thân.

Ở lĩnh vực y tế, với hợp phần vì sự sống còn và phát triển trẻ em, Sở Y tế đã có báo cáo năm 2018, đơn vị thực hiện thành lập 9 câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện cấp xã; tổ chức đào tạo và tập huấn cho 103 cán bộ hồi sức sơ sinh ở các bệnh viện tuyến tỉnh đến huyện và đội ngũ cộng tác viên và y tế thôn ở các xã; tổ chức tập huấn về chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu đời - sức khỏe, dinh dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên và y tế thôn ở các xã; tổ chức kích hoạt 10 buổi về chương trình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ…

Đến nay, Ban quản lý dự án đánh giá, công tác triển khai bước đầu về truyền thông, tập huấn đồng bộ cho các đối tượng tham gia dự án ở 9 xã đã đạt gần 100% nội dung hoạt động đặt ra. Đây là bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai các hợp phần, hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và thực hiện chính sách xã hội liên quan của dự án đạt mục tiêu đề ra.

Mai Trâm

Chuyên mục khác