Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: ​Nền tảng của quản lý hành chính theo hướng hiện đại

09/05/2018 13:01

Ở nước ta hiện nay, mỗi công dân “sở hữu” rất nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, hộ khẩu, bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại chứng chỉ… Điều đáng nói, thông tin có trong các loại giấy tờ này có nội dung trùng lặp về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch…, nhưng khi tham gia giao dịch, công dân lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ đó để chứng minh tình trạng nhân thân của mình. Chính vì vậy, mỗi khi ra khỏi nhà thì người dân cùng lúc phải mang theo cùng lúc rất nhiều giấy tờ tùy thân, rất bất tiện.

Một trong những nguyên nhân tạo ra thực trạng trên là do, lâu nay việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ tập trung vào quản lý từng ngành, từng lĩnh vực mà chưa có sự kết nối, chia sẻ về các cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau nên chưa thống nhất về thông tin cơ bản của công dân. Vấn đề này gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và bất tiện đối với công dân…

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư, ngày 18/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 896 về phê duyệt đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư giai đoạn 2013-2020.

Ngày 20/11/2014, kỳ họp thứ 8- Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016; trong đó quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, do Bộ Công an quản lý thống nhất…

Thực hiện Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch năm 2014 và Quyết định 896 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đáp ứng yêu cầu chính đáng của công dân.

Ngày 26/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2083, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện.

Sau một thời gian thí điểm, hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã được kết nối với Trung tâm Căn cước công dân quốc gia và Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, thông qua công tác cấp căn cước công dân đã cấp gần 8 triệu số định danh cá nhân cho công dân tại 16 địa phương. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp cấp trên 700.000 số định danh cho trẻ em mới sinh tại 17 địa phương trong cả nước…

Thực tế chứng minh rằng, dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án trọng tâm, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc là để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư, phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những địa phương thuộc vùng núi, biên giới, hải đảo, trong đó có tỉnh Kon Tum.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiến hành thu thập thông tin từng cá nhân, nhất là thông tin của công dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Ở những nơi này, nhiều người không nhớ rõ năm sinh của mình, hay thông tin trên các loại giấy tờ tùy thân có sự khác nhau…

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý để phục vụ việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiến hành rà soát việc thống kê đơn vị hành chính, tổng số hộ, nhân khẩu; củng cố hồ sơ tài liệu về quản lý dân cư và kiện toàn đội ngũ cán bộ phục vụ triển khai dự án. Đồng thời, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, ban hành các văn bản liên quan để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng tham gia để dự án sớm đưa vào sử dụng vào năm 2020 như dự kiến.

Hiện nay, Công an tỉnh đã tiếp nhận tài liệu đào tạo triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm nâng cao nhận thức và bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt của các đơn vị trực thuộc về những nội dung cơ bản của Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, kiến thức nghiệp vụ về công tác xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho UBND các huyện, thành phố tổ chức phổ biến Luật Căn cước công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, cập nhật và khai thác các thông tin về dân cư, nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân…

Có thể khẳng định, việc triển khai dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ góp phần thống nhất dữ liệu trên toàn quốc, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu giữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân; qua đó, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến dân cư. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân để dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác một cách hiệu quả.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác