Đột phá trong cải cách hành chính

29/09/2020 06:01

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn của kế hoạch 5 năm, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, qua đó góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Chương trình cải cách hành chính nhà nước (CCHCNN) hiện nay được triển khai với 6 nội dung quan trọng, đó là: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Các nội dung này quan hệ mật thiết với nhau. Việc thực hiện tốt các nội dung sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp mỗi khi đến cơ quan hành chính nhà nước liên hệ làm các TTHC về tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội.

Thực hiện công tác CCHCNN, giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý bằng nhiều hình thức khác nhau và hướng dẫn thi hành pháp luật đầy đủ, đúng quy định. Theo đó, Sở Tư pháp đã tham gia thẩm định 1.071 dự thảo văn bản của HĐND tỉnh và UBND tỉnh; tham gia ý kiến đối với 28 dự thảo luật, nghị định, thông tư, quyết định; tham gia ý kiến đối với 174 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thẩm định đối với 18 đề nghị xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh.

UBND tỉnh ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh. Theo đó, tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, hạ tầng CNTT cơ bản đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT; hệ thống phần mềm quản lý, dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, sử dụng có hiệu quả; nguồn nhân lực CNTT từng bước được cải thiện. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và đã kết nối liên thông 4 cấp, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia nên tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi nội bộ đạt 100% (trừ văn bản mật).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh triển khai hệ thống thư điện tử công vụ nhằm bảo đảm cơ chế xác thực một lần truy cập các ứng dụng CNTT dùng chung nên các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện việc xử lý hồ sơ công việc qua môi trường mạng đạt từ 80% trở lên. Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị cung cấp đầy đủ, thường xuyên thông tin phục vụ nhu cầu tìm hiểu của cá nhân, tổ chức. Cổng dịch vụ công của tỉnh được xây dựng và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, ISO 9001:2015 vào hoạt động quản lý nhà nước đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 20/20 sở, ban, ngành; 13/15 đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành; 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện và 77/102 đơn vị hành chính cấp xã công bố áp dụng Hệ thống này.  

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giao dịch với công dân. Ảnh: TVP

 

Mặt khác, UBND tỉnh đã phê duyệt theo thẩm quyền bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm đối với cơ quan hành chính và danh mục vị trí việc làm của tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng CCVC, công tác thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức bảo đảm cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng. 

Ngoài ra, UBND tỉnh thực hiện chính sách thu hút 21 trường hợp có trình độ thạc sĩ, 9 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi và 2 sinh viên người DTTS tốt nghiệp đại học loại khá với tổng số tiền 640 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, chức danh CBCC cấp xã nên đội ngũ CBCCVC không ngừng được chuẩn hóa và tính kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ luôn được tăng cường. Tính đến ngày 30/3/2020, toàn tỉnh tinh giản biên chế 623 trường hợp; trong đó 596 trường hợp thuộc khối hành chính nhà nước, 26 trường hợp thuộc khối Đảng, đoàn thể và 1 trường hợp thuộc khối doanh nghiệp nhà nước.   

Trong quá trình thực hiện công tác cải cách, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai cải cách TTHC bằng việc cắt giảm thời gian giải quyết một số TTHC ở các lĩnh vực như: đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, tư pháp, công thương. Qua đó, các sở, ban, ngành hoàn thành việc rà soát, chuẩn hóa 2.004 TTHC, đồng thời công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đến nay, 19/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 1 cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102/102 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. UBND tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh làm đầu mối và đã tiếp nhận 1.357/1.430 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh đạt nhiều kết quả. Trong đó, đối với cơ quan hành chính, toàn tỉnh có 6 sở, ban, ngành thực hiện việc sắp xếp tổ chức bên trong theo hướng tinh gọn, qua đó giảm được 14 phòng chuyên môn trực thuộc và huyện Ia H’Drai đã thực hiện thí điểm sáp nhập một số cơ quan. Đối với đơn vị trực thuộc xã, phường, thị trấn, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại, toàn tỉnh giảm 118 thôn, tổ dân phố (từ 874 thôn, tổ dân phố xuống 756 thôn, tổ dân phố).

UBND tỉnh tích cực chỉ đạo thực hiện cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Tính đến nay, toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, giải thể 1 doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại 1 doanh nghiệp.

Việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện theo cơ chế đặt hàng của UBND tỉnh nên từ khâu đăng ký hồ sơ đến công tác tổ chức tuyển chọn, phê duyệt dự toán kinh phí và ký kết hợp đồng thực hiện công khai, minh bạch, chặt chẽ theo quy định. Cơ chế phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục được đổi mới, được tính theo định mức biên chế do cấp có thẩm quyền giao.

UBND tỉnh đã ban hành danh mục 10 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn khoảng 5.063 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, một số dự án chuyển đổi sang hình thức đầu tư công. Đến nay, toàn tỉnh có 1 dự án công trình cơ sở hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP.

Về cơ chế tự chủ tại cơ quan hành chính nhà nước, UBND tỉnh tiếp tục giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với 50/50 đơn vị cấp tỉnh, đạt 100% và 243/272 đơn vị cấp huyện, xã, đạt 89,3%. Còn tại các đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với 475/488 đơn vị, đạt 97,34%.

Qua nỗ lực thực hiện CCHCNN, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh ta năm 2015 xếp thứ 61/63 tỉnh/thành, đến năm 2019 xếp thứ 59/63 tỉnh/thành; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2016 xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố, đến năm 2019 xếp thứ 17/63 tỉnh/thành...

Có thể nói, với sự chỉ đạo quyết liệt và sự nỗ lực của hệ thống chính trị, giai đoạn 2015-2020, công tác CCHCNN trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được dấu ấn quan trọng theo phương châm lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh  tế - xã hội địa phương.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác