Động lực phát triển từ những mô hình

08/09/2016 07:16

​Triển khai thực hiện NQ 04 của Tỉnh ủy, từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã đã huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gần 22 tỷ đồng giúp xã đặc biệt khó khăn.

Với những cách làm khác nhau và tùy đặc điểm tình hình từng địa phương, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã đã lựa chọn xây dựng những mô hình hiệu quả, tạo động lực giúp người nghèo vươn lên.

Đưa Ba Đgốc thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn

Ông Nguyễn Tấn Sang - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Tổ phó Tổ 04 Bảo hiểm xã hội tỉnh nhớ lại, ngay sau khi được phân công kết nghĩa với xã Sa Sơn, để tránh đầu tư dàn trải, không mang lại hiệu quả, đơn vị đã bàn bạc với địa phương bắt tay vào giúp đỡ thôn Ba Đgốc – thôn đặc biệt khó khăn của xã Sa Sơn sớm ổn định và phát triển về mọi mặt. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với địa phương khảo sát thực địa, nắm bắt tình hình đời sống của hộ dân để có sự lựa chọn mô hình phù hợp để triển khai kế hoạch giúp đỡ người dân nơi đây. Căn cứ vào tình hình thực tế của thôn và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương, năm 2008, đơn vị đã lựa chọn 3 hộ gia đình để hỗ trợ kinh phí đầu tư trồng cao su (mỗi hộ 1ha).

Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho hộ dân mua cây giống, phân bón để chăm sóc vườn cây đến khi trưởng thành (10 triệu đồng/mô hình). Xã Sa Sơn, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình trong trồng trọt, chăm sóc vườn cây; hộ gia đình thực hiện mô hình nỗ lực chăm sóc vườn cây…

Năm 2014, vườn cao su của 3 hộ gia đình được hỗ trợ bắt đầu đi vào khai thác. Mặc dù đang trong thời điểm giá mủ cao su “hạ nhiệt”, song với quyết tâm lấy công làm lời, các hộ gia đình đã có thu nhập ổn định, thoát được nghèo. Từ thành công của mô hình, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã bàn bạc, thống nhất với xã kết nghĩa nhân rộng mô hình đối với 3 hộ nghèo mới.

Tất bật cạo mủ cao su, ông A Byit (thôn Ba Đgốc) phấn khởi: Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, nhờ vườn cao su này, năm 2015 gia đình tôi đã thoát nghèo. Tuy giá mủ cao su có giảm nhưng cũng đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình.

Từ hiệu quả của mô hình, người dân thôn Ba Đgốc đã học hỏi, phát triển được hơn 70ha cao su. Năm 2013, Ba Đgốc thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 27%.

Ông Ngô Công Phương – Bí thư Đảng ủy Sa Sơn cho biết: Xác định cao su là cây trồng chủ lực của địa phương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì vậy, Sa Sơn cũng đã đề xuất với đơn vị kết nghĩa tiếp tục giúp đỡ nhân rộng mô hình này; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con một số nơi có quỹ đất thuận lợi trong tưới tiêu phát triển diện tích cà phê; tận dụng lợi thế dưới tán cao su phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò…

 

Hỗ trợ hộ nghèo luân phiên vốn phát triển kinh tế

Năm 2008, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết (XSKT) Kon Tum kết nghĩa với xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy). Qua khảo sát tình hình tại đơn vị kết nghĩa, Công ty nhận thấy nhiều hộ gia đình nơi đây chưa biết cách làm ăn, một bộ phận bà con chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhiều hộ gia đình mong muốn được phát triển kinh tế thì lại thiếu vốn sản xuất.

Công ty Xổ số kiến thiết Kon Tum hỗ trợ bò và nhà ở cho người dân xã Kết Nghĩa. Ảnh: T.Q

 

“Xác định giúp người dân giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kết nghĩa, Công ty đã đề xuất địa phương triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ hộ nghèo được luân phiên vay vốn (không tính lãi) để phát triển kinh tế” - ông Hồ Văn Trung – Phó Giám đốc, Tổ trưởng Tổ 04 Công ty XSKT Kon Tum cho biết.

Qua khảo sát, Công ty đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao, giảm diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả, đầu tư nuôi bò sinh sản.

Với phương châm trang bị cho người nghèo “cần câu” để họ năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, sớm thoát nghèo bền vững, doanh nghiệp đã trích quỹ phúc lợi để hỗ trợ hộ nghèo vay vốn (không tính lãi) từng đợt; mỗi đợt 4 hộ nghèo được vay với số tiền 10 triệu đồng/hộ, thời gian vay 2 năm rồi luân chuyển cho hộ nghèo khác vay. Năm 2015, Công ty tiếp tục bổ sung thêm 20 triệu đồng vào nguồn vốn vay.

Qua 6 năm triển khai thực hiện mô hình, với 3 đợt luân chuyển hỗ trợ vốn, đến nay đã có 18 hộ gia đình được vay vốn để phát triển chăn nuôi bò, trồng bời lời, cao su kết hợp với trồng xen các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, chuối, đậu… Từ nguồn vốn ưu đãi của Công ty và nghị lực vươn lên của chính bản thân, đến nay, 18 hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng mô hình đã thoát nghèo.

A Thoát (SN 1980) ở làng Lút (xã Ya Tăng) vui mừng: Năm 2009 được Công ty XSKT Kon Tum hỗ trợ vay không tính lãi 10 triệu đồng, tôi đã mua con bò sinh sản trị giá 8 triệu đồng, 2 triệu đồng còn lại đầu tư làm chuồng trại; đến nay, gia đình tôi đã phát triển đàn bò 4 con. Năm 2015, gia đình tôi chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

A Le ở làng Điệp Lốc (xã Ya Tăng) kể, trước đây, gia đình anh có 1,5ha đất sản xuất chỉ biết trồng mì, mỗi năm thu được 10 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn. Năm 2011, được Công ty XSKT Kon Tum cho vay không tính lãi 10 triệu đồng, anh đã đầu tư mua một con bò trị giá 5 triệu đồng, số tiền còn lại chuyển đổi sang trồng cao su, bời lời kết hợp trồng xen mì trong giai đoạn vườn cây kiến thiết để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ đó, cuộc sống gia đình A Le dần ổn định. Năm 2015, bò giống tiếp tục sinh sản thêm được 1 con nữa, gia đình anh chính thức thoát nghèo.

Ông Rơ Chăm Klát – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ya Tăng cho biết, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế của đơn vị kết nghĩa giúp địa phương rất nhiều trong tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn học hỏi và làm theo. Trong thời gian tới, địa phương cố gắng làm tốt công tác phân loại hộ nghèo, trên cơ sở đó định hướng cho bà con lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp đồng thời đề xuất với đơn vị kết nghĩa tiếp tục xem xét hỗ trợ.

 

Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ “3 trong 1”

Ông Hoàng Trọng Đạt – Phó Bí thư chi bộ, Tổ trưởng 04 của Báo Kon Tum cho biết: Để giúp đỡ xã kết nghĩa Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy), liên tiếp từ năm 2008-2012, Báo Kon Tum đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng được 28 căn nhà tình thương. Có được nhà ở là niềm vui với người nghèo nhưng vẫn chưa thực sự giúp các hộ nghèo thoát nghèo bởi lâu nay bà con sống phụ thuộc vào nương rẫy; chưa dám nghĩ, dám làm… Để giúp xã kết nghĩa xóa đói giảm nghèo, đơn vị tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Tờ Re tiếp tục triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ bà con chăn nuôi bò và trồng bời lời. Không giúp đỡ dàn trải, đơn vị lựa chọn những hộ gia đình đã được hỗ trợ nhà nhưng chưa có điều kiện phát triển sản xuất một con bò sinh sản để nuôi lấy con giống (bò sinh sản xong chuyển giao cho hộ nghèo khác). Thời gian đầu, Báo Kon Tum đã chọn 3 hộ gia đình thực hiện mô hình.

Cán bộ 04 Báo Kon Tum thăm hỏi, động viên vợ chồng A Truyền - Y Ruih. Ảnh: T.Q

 

Qua 4 vòng luân chuyển bò giống sinh sản đã giúp 12 hộ gia đình trên địa bàn xã Đăk Tờ Re thoát nghèo. Ngoài ra, Báo Kon Tum còn rà soát, giúp đỡ hàng chục hộ gia đình trồng bời lời. Từ 2007 đến nay, Báo Kon Tum đã giúp xã Đăk Tờ Re xóa được 22 hộ nghèo.

Trước đây, vợ chồng A Truyền - Y Ruih ở thôn 7 (xã Đăk Tờ Re) thuộc diện hộ nghèo. A Truyền bị khuyết tật ở chân từ nhỏ nhưng rất chăm chỉ làm ăn. Để tạo động lực cho hộ gia đình này vươn lên thoát nghèo, năm 2011, Báo Kon Tum đã giúp đỡ A Truyền xây được căn nhà trị giá 30 triệu đồng. Năm 2012, Báo Kon Tum tiếp tục chọn hộ gia đình A Truyền để bắt đầu triển khai mô hình nuôi bò lấy con giống rồi chuyển giao cho hộ nghèo khác; kết hợp hỗ trợ thêm 500 cây lời lời để trồng quanh vườn nhà…

A Truyền dẫn chúng tôi ra thăm vườn - nơi có 2 con bò đang nhẩn nha nhai mớ chuối chát xắt nhỏ khoe: Từ 1 con bò hỗ trợ, bây giờ gia đình mình đã có 2 con bò và sắp tới sẽ có thêm 1 con nữa. Bây giờ gia đình mình ai cũng có động lực phát triển kinh tế. Ngoài việc chăm chút cho mấy con bò, hai vợ chồng còn trồng thêm 2ha mì và 1 sào ruộng.

Ông A Đi – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đăk Tờ Re cho biết: Từ thành công các mô hình, thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tiếp tục đề xuất với đơn vị kết nghĩa nhân rộng mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò, đồng thời giúp địa phương xây dựng và nhân rộng một số mô hình mới như trồng nghệ đỏ, chuối hồng…

Tú Quyên

Chuyên mục khác