“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

12/09/2019 13:01

Bắt đầu triển khai từ năm 2018, đến nay, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp tổ chức đã được gần 2 năm. Chặng đường tuy chưa dài, nhưng chương trình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần đáng kể trong việc làm thay đổi đời sống của nhiều hội viên phụ nữ tại vùng biên giới.

“Cuộc sống của gia đình tôi quanh năm chỉ dựa vào 4 sào ruộng và 3 sào mì, nên chúng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện xây nhà mới để ở. Nay được BĐBP và các cấp Hội Phụ nữ trao tặng mái ấm tình thương, gia đình tôi mừng lắm, vì từ nay, vào những ngày mưa gió, cả nhà không phải đi trú nhờ nhà hàng xóm nữa” - đây là những lời tâm sự của bà Y Dũ (làng Pin Lang, xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) khi được trao tặng mái ấm tình thương trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Bà Y Dũ chỉ là một trong nhiều trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ trong gần 2 năm qua. Riêng về hỗ trợ mái ấm tình thương, tính đến nay, tổng cộng đã có 5 căn nhà được Hội LHPN và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao tặng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 được Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh triển khai tại 5 xã biên giới gồm: Rờ Kơi và Mô Rai (huyện Sa Thầy), Đăk Blô và Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei), Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi).

Không chỉ trao tặng mái ấm tình thương, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” còn xây dựng những mô hình về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự khu vực. Thông qua các hoạt động hỗ trợ về vật chất, hướng dẫn cách thức làm ăn, tìm nguồn giống chất lượng, khảo sát thị trường tiêu thụ… đã giúp nhiều gia đình chị em phụ nữ vượt qua được những khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Thăm và trao tặng mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TT

 

Thượng tá Trần Quốc Tuấn - Trưởng Ban Vận động quần chúng Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ: Từ những ngày đầu triển khai Chương trình mục tiêu của chúng tôi là phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động các nguồn lực xã hội nhằm chăm lo các gia đình chính sách, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại các xã biên giới.

Chỉ riêng trong năm 2018, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã thành lập 4 mô hình phát triển kinh tế: “Tổ liên kết nuôi heo lai” tại xã Đăk Nhoong với 18 thành viên, “Tổ liên kết trồng mì cao sản” tại xã Rờ Kơi với 15 thành viên, "Tổ liên kết nuôi heo sọc dưa" với 15 thành viên và mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu "Trồng cây chùm ngây" với 18 thành viên tham gia tại xã Đăk Dục.

Trong năm 2019, chương trình đã triển khai thêm một số mô hình khác, cũng đạt được nhiều kết quả khả quan như: Mô hình chăn nuôi bò giống sinh sản tại một số xã; Tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng hồng đảng sâm tại xã Đăk Blô.

Chị Trần Thị Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, xác định rõ những cách thức và mô hình phù hợp với từng xã biên giới để hỗ trợ cho các hội viên được tốt hơn. Ở trước mỗi thời điểm triển khai một mô hình phát triển kinh tế, chúng tôi đều tiến hành tập huấn cho chị em hội viên để nắm vững kiến thức, những biện pháp, cách thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình để đem lại hiệu quả cao nhất; cắt cử cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ xã phối hợp với các chiến sĩ Đồn Biên phòng đứng chân trên từng địa bàn thường xuyên thăm nom, giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền kỹ năng truyền thông, nắm bắt tình tình tư tưởng và dư luận xã hội cho bà con và các hội viên phụ nữ. Các mô hình “Phụ nữ chung tay cùng BĐBP bảo vệ an ninh biên giới Quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường”, “Phụ nữ chung tay cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc, gắn với bảo vệ tài nguyên khoáng sản”… đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của tất cả mọi người.

Theo chia sẻ của chị Lan, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” triển khai trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị kết nghĩa là Hội LHPN tỉnh Đồng Nai, Hội LHPN thành phố Hà Nội và Ban gia đình xã hội Trung ương Hội. Nhờ có sự hỗ trợ và giúp đỡ của 3 đơn vị kết nghĩa này, chương trình được triển khai sâu rộng và hiệu quả, mang lại những giá trị thiết thực cho người dân. Định kỳ hàng năm, đoàn công tác của cả 3 đơn vị đều đến thăm, trao quà và động viên chị em phụ nữ vùng biên trong việc xây dựng cuộc sống.

Thượng tá Trần Quốc Tuấn cho biết: Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hơn, trong đó chú trọng đến việc giúp các hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, chúng tôi dự định sẽ triển khai mô hình nhận con nuôi tại 16/16 đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, mỗi đồn Biên phòng sẽ tiến hành khảo sát và nhận nuôi 1 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Các em sẽ được các đồn Biên phòng hỗ trợ tất cả các chi phí về học tập, sinh hoạt trong suốt khoảng thời gian từ lớp 4 đến hết lớp 9. Mô hình này sẽ giúp cho các em có động lực, điều kiện để cố gắng học tập, vươn lên trở thành người có ích sau này. 

Với những hiệu quả đã đạt được, có thể nói, qua gần 2 năm triển khai, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” của Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã góp phần tích cực trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ nói riêng cũng như người dân các xã vùng biên nói chung, tạo nhiều chuyển biến trong việc giảm nghèo, nâng cao đời sống, chung tay xây dựng vùng biên ngày một phát triển.                  

Tất Thành

Chuyên mục khác