Đồng hành cùng học sinh nghèo vùng biên

29/10/2018 13:11

​“Mấy ngày qua, do thời tiết mưa dầm nên đường từ Đồn Biên phòng đến thôn lầy lội lắm. Với cán bộ, chiến sĩ của Đồn thì quen rồi, nhưng với ai lần đầu đến đây sẽ hơi vất vả” - Đại úy A Linh - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) thông tin với chúng tôi trước giờ xuất phát đến thôn Đăk Ba, Cụm bản Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào).

Mục đích của chúng tôi khi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên Phòng Sông Thanh đến thôn Đăk Ba lần này là để thăm hỏi và tặng quà của đơn vị cho gia đình em A Xi (14 tuổi) trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. 

Đại úy A Linh giải thích: Chương trình “Nâng bước em đến trường” đã được Bộ Tư lệnh Biên phòng phát động từ năm 2014 và sớm được Bộ đội Biên phòng các tỉnh tích cực tham gia, hưởng ứng bằng nhiều việc làm thiết thực giúp các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới được cắp sách đến trường, tạo điều kiện để các em phấn đấu tốt trong học tập trở thành người có ích cho quê hương, xã hội.

Đối với Đồn Biên phòng Sông Thanh, ngay từ khi chương trình được phát động, cán bộ, chiến sĩ đã tích cực tham gia đóng góp tiền để giúp đỡ, nâng bước 4 em học sinh nghèo vùng biên giới có điều kiện được đến trường.

Trao học bổng cho em A Xi trong chương trình “Nâng bước em đến trường”

 

Ngoài đối tượng là con em thuộc diện gia đình khó khăn ở địa bàn xã Đăk Blô, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Sông Thanh còn dành nhiều sự quan tâm, giúp đỡ con em đồng bào vùng giáp biên của nước bạn Lào. Em A Xi ở thôn Đăk Ba, cụm bản Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào) là một trường hợp như thế.

Đoạn đường từ Đồn Biên Phòng Sông Thanh đến thôn Đăk Ba dù chỉ vài ki lô mét, nhưng phải tốn khá nhiều thời gian mới đến được tới nơi. Vừa cuốc bộ trên cung đường ngoằn ngoèo và lầy lội, Đại tá A Linh vừa trò chuyện với chúng tôi về trường hợp của cậu học trò nghèo A Xi.

Gia đình A Xi rất khó khăn. Bố A Xi mất khi em còn nhỏ. Mẹ em - bà Y Buôt, một mình vất vả nuôi 5 đứa con ăn học. Để giúp A Xi tiếp tục đến trường, hàng tháng, Đồn Biên Phòng Sông Thanh thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp sang thăm hỏi, động viên và trao học bổng trị giá  500.000 đồng/tháng. Đây là hoạt động thường xuyên được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh thực hiện, bắt đầu từ khi A Xi vào học lớp 1 và sẽ kéo dài đến khi em học hết lớp 12…

Tôi đang mải nghe chuyện về A Xi thì anh bạn đồng nghiệp đi phía trước hô to: Tháo dép ra đi chân trần thôi. Đường lầy lội thế này, mang dép sẽ trơn trượt đấy...

Đường khó đã đành nhưng không biết có phải vì “lạ hơi” hay do không có kinh nghiệm đi đường rừng hay không mà phóng viên chúng tôi ai cũng đều bị vắt “tấn công”. Riêng tôi, mới cuốc bộ một đoạn đã phát hiện có đến 3 con vắt bám vào chân, lặng lẽ cắn “êm ru”, cho đến khi máu ra thấm ướt quần áo mới biết.

Một chiến sĩ cùng đi trong đoàn cho biết: Ngày mưa nhiều, nếu đi chậm, vắt còn bu không kịp gỡ. Bên cạnh bị vắt “tấn công”, có nhiều hôm còn bị sự “tra tấn” khó chịu của ruồi vàng...

Sau khi lội qua con suối có dòng chảy khá xiết, chúng tôi cũng đã đến được thôn Đăk Ba. Căn nhà của gia đình A Xi nằm ở giữa thôn.

Thấy Bộ đội Biên phòng Đồn Sông Thanh đến thăm, em A Xi và gia đình vui mừng như gặp lại chính người thân của mình. Bà Y Buôt - mẹ A Xi vừa rót nước mời khách vừa khoe với chúng tôi: Dạo này, A Xi chăm ngoan và học tập khá lắm.

Nghe mẹ kể với khách về mình, A Xi bẽn lẽn. Khi được hỏi đến cảm nghĩ của bản thân, cậu bé giọng rụt rè: Nhờ có chương trình học bổng hàng tháng, em mới có điều kiện được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ công của gia đình và các chú Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã giúp đỡ em...

Nhìn cách cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh hỏi han, trò chuyện với A Xi và niềm vui hiện lên gương mặt của mẹ con chị Y Buôt khi gặp lại các chú Bộ đội Biên phòng Việt Nam càng thấy được việc làm đầy ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh dành cho bà con nghèo ở vùng biên.  

Nói về việc làm ý nghĩa và đầy nhân văn này, Đại úy A Linh cho biết: Phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt, chúng tôi luôn sẵn sàng, giúp đỡ bà con ở khu vực hai bên biên giới vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ luôn đồng hành trong chương trình “Nâng bước em đến trường” để phần nào giúp các em học sinh vùng biên chắp cánh ước mơ, có được cơ hội được đến trường. Và cho dù đường sá đi lại có phần khó khăn nhưng hàng tháng, chúng tôi đều cử cán bộ, chiến sĩ sang tận nơi để thăm hỏi, động viên gia đình và các em học sinh cố gắng vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập.

Bài, ảnh: Tất Thành

Chuyên mục khác