Đóng góp thầm lặng

21/06/2023 13:15

Mỗi tác phẩm báo chí, khi đến với độc giả, ngoài nỗ lực và dấu ấn của người viết, còn phải kể đến đóng góp quan trọng của những người làm công tác biên tập. Bởi vậy mới nói, tác phẩm báo chí là sản phẩm của tập thể, và dù chỉ đứng sau, nhưng trách nhiệm của biên tập viên là không nhỏ.

Thỉnh thoảng chúng tôi nói với nhau rằng, biên tập là công việc thầm lặng, và biên tập viên là những người thầm lặng nhất.

Vì sao ư?

Vì họ luôn ẩn mình phía sau những bài báo, hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Họ luôn thầm lặng làm một công việc mà nếu không phải là người trong nghề thì có thể cũng chẳng bao giờ người ta nhắc đến.

Vì thông thường, khi một tác phẩm đăng tải trên mặt báo, phát trên sóng phát thanh, truyền hình, những điều mà độc giả, khán thính giả quan tâm nhất là nội dung và tác giả của bài báo ấy mà thôi, rất hiếm người biết đến biên tập viên- những người thầm lặng góp phần làm nên bài báo ấy.

Nói đến đây, chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Vậy biên tập viên làm những việc gì?

Để có một tác phẩm báo chí phải trải qua nhiều khâu, theo một quy trình được cơ quan báo chí quy định. Có thể các cơ quan báo chí sẽ có những quy định chi tiết khác nhau đôi chút, nhưng tựu trung là người viết (phóng viên hoặc cộng tác viên) đi cơ sở thu thập thông tin để chụp ảnh, viết tin, bài. Tin, bài viết xong sẽ được chuyển qua bộ phận biên tập, rồi thiết kế dàn trang, mo rát, lãnh đạo duyệt và xuất bản.

Các biên tập viên, kỹ thuật viên trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: X.B

 

Đối với công tác biên tập, tùy theo đặc thù mỗi cơ quan báo chí, bộ phận biên tập cũng chia ra các tầng nấc khác nhau. Biên tập ở đây là phải rà soát, chỉnh sửa cả về nội dung và hình ảnh. Cụ thể là nội dung tin, bài có đảm bảo tôn chỉ, mục đích tuyên truyền của tờ báo hay không; hình ảnh minh họa có phù hợp với bài viết hay không. Tiếp đến là cách xử lý thông tin của phóng viên có hợp lý, logic hay chưa. Cách dùng từ, đặt câu, đặt tít có chuẩn xác hay không. Rồi các lỗi câu, chính tả; tên nhân vật, địa danh có đúng hay không.

Nói chung, công tác biên tập gắn liền với chữ nghĩa. Một bài viết thể hiện tốt, công tác biên tập sẽ nhẹ nhàng; còn nếu một bài viết mà cách lập luận thiếu logic, tư duy rối rắm thì công tác biên tập sẽ rất vất vả, tốn nhiều thời gian để sắp xếp lại ý tứ, sử dụng câu từ sao cho người đọc, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.

Chính vì đặc thù công việc như vậy nên đòi hỏi người làm công tác biên tập phải không ngừng học hỏi, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tỉ mỉ, chịu khó đọc kỹ từng từ, từng câu và biên tập đi biên tập lại nếu thấy câu, từ chưa được rõ ý, rõ nghĩa.

Chúng ta cũng biết, tiếng Việt rất đa dạng và phong phú, cả về từ ngữ và ngữ pháp. Vì vậy, nếu dùng chưa chuẩn xác trong ngữ cảnh này hay ngữ cảnh kia rất dễ gây hiểu nhầm, thậm chí lệch đi ý nghĩa mà bài viết hay nhân vật được phỏng vấn cần nói.

Thực tế, cũng đã có không ít “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra đối với những người làm công tác biên tập. Những lỗi nhỏ thì có thể nhắc nhở, rút kinh nghiệm; còn lỗi lớn thì chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hình thức xử lý nặng nề, thậm chí là mất cả việc làm.

Vậy nên, nếu ai đó nghĩ làm công tác biên tập sướng, chỉ cần ngồi ở nhà, không phải lặn lội đi cơ sở thì chỉ là phiến diện, chưa hiểu hết về công tác biên tập.

Thực ra, công việc nào cũng có sướng, khổ riêng. Ví dụ, phóng viên được đi thực tế, được trải nghiệm; nhưng đổi lại phải dãi nắng dầm mưa, đối đầu với những hiểm nguy, cạm bẫy. Còn với biên tập viên, dù không giãi nắng dầm mưa, nhưng đổi lại luôn phải có trách nhiệm cao với công việc, vì chịu trách nhiệm với câu, từ mình chỉnh sửa. Hơn nữa, người làm công tác biên tập phải có hiểu biết nhất định, hoặc chí ít phải chịu khó tìm hiểu về lĩnh vực, về vấn đề mà bài viết mình biên tập nêu ra thì mới có thể nâng cao được chất lượng bài viết.

Trong khi mỗi phóng viên phụ trách một mảng đề tài khác nhau, nhưng biên tập thì không thể lựa chọn mảng đề tài để thực hiện, đối với những tòa soạn thiếu nhân lực. Vì vậy, mỗi ngày, họ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, khi thì biên tập những bài chính luận, khi thì những bài phản ánh thực tế cuộc sống, khi thì những bài điều tra theo đơn thư bạn đọc, khi thì bài về lĩnh vực văn hóa-văn nghệ. Với mỗi dạng bài có cách viết khác nhau, nên công tác biên tập cũng cần kỹ năng xử lý tinh tế và khéo léo, để vừa đảm bảo thể loại, vừa nâng cao được chất lượng bài viết.

Nhiều khi biên tập viên cũng phải chịu “ấm ức” kiểu một bài báo hay, độc giả sẽ khen tác giả. Nhưng lỡ như bài báo có sai sót gì thì lại hỏi ngay: Tại sao biên tập lại không phát hiện ra lỗi? 

Đó là chưa kể đến trường hợp biên tập viên còn bị người viết “phản ứng” gây khó dễ vì cắt xén tin, bài của họ, mà chẳng cần tìm hiểu lý do.

Biên tập viên là những người luôn ẩn mình phía sau những bài báo, hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ảnh: XB

 

Mới đây, tôi tình cờ đọc được bài viết rất hay của Tiến sĩ Bùi Chí Trung với tựa đề: “Còn sách báo là còn cách mạng” trong cuốn “Văn hóa quân sự Việt Nam - Giá trị lý luận và thực tiễn” của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Điều làm tôi thích nhất đối với bài viết đó chính là câu chuyện kể về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bài viết gửi cho một tờ báo của mình.

Chuyện kể rằng, trong một lần trên đường đi công tác, trong vai trò là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, tranh thủ thời gian nghỉ chân, Đại tướng đã kê tập giấy lên đùi để viết vội một bài báo rồi giao cho một phóng viên Báo Quân giải phóng cùng đi với mình. Khi phóng viên mang bài báo của Đại tướng về tòa soạn, thấy một biên tập viên dùng bút đỏ sửa chi chít thì phóng viên này rất hoảng. Anh phóng viên rất sợ khi hình dung đến cái cảnh Đại tướng sẽ đọc lại bài báo và thấy “bị can thiệp khá thô bạo” vào tác phẩm của mình.

Thế nhưng, mọi chuyện lại không như suy nghĩ của anh phóng viên kia. Khi đối diện với tác phẩm đã được biên tập lại, Đại tướng không những không giận mà còn nói: “Phải làm như vậy mới đúng là người biên tập chớ. Người ta “sắm” ra các vị biên tập là để sửa chữa, nâng cao chất lượng bài vở, làm cho nó đúng, hay hơn. Nếu ai viết sao, cứ để vậy thì đâu phải là người biên tập, mà chỉ là người… “biên vô tập”. Có những người biên tập sợ mếch lòng tác giả, nhất là cấp trên nên rất ngại sửa. Có tác giả rất khó tính, không muốn ai sửa chữa bài vở của mình, dù có chỗ thiếu sót. Như vậy là không tốt”.

Đọc đến đây, tôi cảm thấy thật khâm phục một con người, một nhân cách cao quý của Đại tướng, không chỉ có tài năng mà còn rất đức độ. Ở vị trí của Đại tướng, ông có thừa quyền để chỉ đạo tòa báo nhắc biên tập viên không được sửa bài viết của mình. Nhưng ông đã không làm việc đó. Bởi ông luôn tôn trọng nghề nghiệp của người làm công tác biên tập.

Đức tính vốn quý ấy chỉ có ở một tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ của Đại tướng. Như cách nhìn nhận của Tiến sĩ Bùi Chí Trung về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đó là: “Đại tướng biết nén cái tôi cá nhân của mình xuống, nén cả cái vị thế chính trị của mình xuống để sòng phẳng, thẳng thắn và không ngừng học hỏi các kiến thức chuyên môn”.

Đó cũng chính là bài học đáng quý mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã để lại cho những người làm báo. Nhất là với công việc biên tập báo chí, câu chuyện này sẽ luôn nhắc nhở bản thân mỗi người nâng cao hơn tinh thần, ý thức và trách nhiệm của mình trong công việc.

Tú Quyên

Chuyên mục khác