Đóng góp của lực lượng vũ trang thị xã Kon Tum trong kháng chiến

22/12/2023 06:37

Quá trình đấu tranh cách mạng của quân và dân tỉnh ta trong kháng chiến không tách rời chặng đường xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang thị xã (nay là thành phố) Kon Tum.

Năm 1960 diễn ra nhiều sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, quân và dân Kon Tum. Đó là, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần đầu tiên được tiến hành tại làng Mô Rai (H67), Hội nghị Quân chính đầu tiên được tổ chức tại Mường Hoong (H30), Đại đội Bộ binh đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Mô Bành (H80), ... Nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) đứng trước yêu cầu phát triển mới.

Ngày 15/6/1962, Đội Vũ trang tuyên truyền được Ban Thường vụ Ban cán sự H5 thành lập, tiền thân của LLVT thị xã Kon Tum sau này. Biên chế ban đầu của đội là một tiểu đội thuộc Đại đội 132 của tỉnh, gồm 9 đồng chí, do đồng chí  A Viu làm Tiểu đội trưởng. Đội có nhiệm vụ mở đường đến các ấp chiến lược, khu trù mật và dinh điền trong vùng địch kiểm soát để tiếp cận quần chúng, gây dựng cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi tiến sâu vào các vùng phụ cận và nội thị; đồng thời, phát động quần chúng phá ác diệt kìm và hỗ trợ các đội công tác của H5 hoàn thành nhiệm vụ.

Thị xã Kon Tum sau Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

 

Theo ông Thái Phước Hiệp - Nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, sinh năm 1934, quê ở xã Điện Phước, huyện Điện bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháng 5/1955, ông tập kết ra Bắc, học Trường sĩ quan lục quân. Tháng 8/1962, ông trở lại miền Nam, được điều lên chiến trường Kon Tum. Theo nguyện vọng được trực tiếp cầm súng, sau đó, ông được phân công về H5, làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền. “Bốn biết” được cán bộ, chiến sĩ của đội thấm nhuần, gồm: Biết giáo dục, phát động quần chúng nhân dân; biết xây dựng cơ sở cốt cán, xây dựng tự vệ mật; biết hướng dẫn quần chúng đấu tranh với địch bằng phương pháp “hai chân ba mũi giáp công”; biết chọn mục tiêu, đối tượng, có phương thức đánh địch, diệt ác ở từng nơi, từng lúc. Ngày ấy, chính Đội trưởng Thái Phước Hiệp đã đề xuất chủ trương đào hầm chiến lược ở khu trù mật Trung Tín và kết nạp quần chúng là cơ sở ưu tú vào Đảng tại căn hầm bí mật đầu tiên. Từ đó đến năm 1967, Đội Vũ trang tuyên truyền chủ yếu bám trụ và hoạt động ở địa bàn này.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đánh dấu sự tham gia của LLVT thị xã với nhiệm vụ phối hợp dẫn đường cho các đơn vị chủ lực (Tiểu đoàn Đặc công 406, Đại đội công binh, Tiểu đoàn 304 của Tỉnh đội) chiếm đánh các mục tiêu quan trọng như sân bay Kon Tum, Tòa Hành chính, Tòa Tỉnh trưởng, Tiểu khu Kon Tum ...

Sau Tết Mậu Thân, lực lượng vũ trang H5 được củng cố, tăng cường tổ chức, bổ sung quân số vào 4 đội vũ trang công tác, mỗi đội từ 3 - 4 đồng chí và 1 đội biệt động 15 đồng chí. Các đội công tác từng bước lớn mạnh, tăng cường móc nối với nhiều cơ sở cách mạng, vận động, hướng dẫn quần chúng hành động. Trong đó, Đội công tác A41 đảm nhận xây dựng cơ sở khu vực lò gạch gần cầu Rò Rẽ, Đội công tác A28 xây dựng vùng Trung Tín, Kon Stiu, Kon Bành, Plei Trăm phía Bắc thị xã. Đội công tác A29 hoạt động ở hướng Đông (nay thuộc xã Đăk Blà). Đội công tác A35 xây dựng cơ sở ở Tân Điền, Phương Hòa, Đăk Tía (nay thuộc các xã Đoàn Kết, Ia Chim).

Ông Thân Trọng Lũy - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Kon Tum từng nhớ lại, tháng 8/1968, khi đang là Tham mưu phó Tỉnh đội, ông được bổ nhiệm làm Thị đội trưởng Kon Tum. Nỗ lực phát triển LLVT địa phương đã góp phần đánh bại kế hoạch bình định nông thôn của Mỹ Ngụy và tạo tiềm lực phá tan âm mưu lấn chiếm sau hiệp định Paris.

Mít tinh kỷ niệm giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu


Rạp chiếu bóng 16/3 (hiện là khu vực buôn bán tại ngã tư đường Hoàng Văn Thụ - Ngô Quyền) trước giải phóng là rạp Bình Minh, nơi ghi dấu chiến công của Đội công tác A41, tiêu biểu là chiến sĩ mang biệt danh T68. Thời gian đó, sau khi tấn công Câu lạc bộ sĩ quan Kon Tum, T68 đã cải trang thành lính ngụy, đưa 1kg hợp chất C4 và kíp hẹn giờ loại 60 phút vào cài đặt bên trong rạp, sau đó, rút lui an toàn. Trận nổ vào đêm 10/12/1968 làm thiệt mạng 26 tên địch, 17 tên bị thương, trong đó có 11 sĩ quan ngụy.

Tham gia chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972 với gần 50% quân số dẫn đường, LLVT thị xã Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị chủ lực tiến đánh, làm tiêu hao lực lượng địch ở một số cứ điểm quan trọng.

Cũng sau chiến dịch này, LLVT thị xã thành lập 2 đại đội, gồm Đại đội 14 (chuyển từ Tiểu đoàn Đặc công 406 sang) và Đại đội bộ binh 21. Tháng 8/1972, Đại đội 21 và đội công tác cơ sở phối hợp với Tiểu đoàn 304 (Tỉnh đội) giải phóng Trung Nghĩa (nay thuộc xã Kroong). Ngày 22/6/1973, Đại đội phó Nguyễn Phô chỉ huy đánh vào trận địa pháo dã chiến của địch tại ấp Tân Điền, giành thắng lợi vang dội: Diệt 45 tên địch, phá hủy 2 pháo 155 ly, 2 pháo 105 ly, thu nhiều súng, đạn của địch. Năm 2013, ông Nguyễn Phô vinh dự được phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân.

Tham gia chiến dịch mùa Xuân 1975, bộ đội thị xã kết thúc thắng lợi hai mũi tiến công trọng yếu vào trận địa pháo Tân Phú và khu biệt kích “Lôi Hổ”, đồng thời phối hợp với Tiểu đoàn 304 chặn đánh tàn quân địch, giải phóng hoàn toàn thị xã vào ngày 16/3/1975.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, LLVT thị xã tập trung bảo vệ trật tự an toàn xã hội, củng cố, phát triển lực lượng sẵn sàng chiến đấu chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả xây dựng xã hội chủ nghĩa.

30 năm sau ngày hy sinh, chiến sĩ biệt động trẻ tuổi Trần Văn Hai của LLVT thị xã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. LLVT và nhân dân thị xã Kon Tum vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý này vào đúng dịp kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thanh Như

Chuyên mục khác