Đồng bào Rơ Măm ơn Đảng

17/02/2018 12:51

​Làng Le nằm ở trung tâm xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) là nơi cư trú của 148 hộ gia đình đồng bào Rơ Măm - 1 trong 3 dân tộc có số người ít nhất nước (cùng với dân tộc Brâu và dân tộc Ơ Đu) với 488 khẩu. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cuộc sống đồng bào Rơ Măm đến nay cơ bản đã ổn định, cái đói không còn, cái nghèo từng bước được đẩy lùi.

Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt được gần 60km đường đồi dốc, bụi mù mịt do đang được sửa chữa để từ thị trấn Sa Thầy rẽ qua Tỉnh lộ 674 rồi rẽ tiếp Quốc lộ 14C để về làng Le thuộc xã biên giới Mô Rai - nơi sinh sống đồng bào Rơ Măm.

Nhắc đến Mô Rai, người ta nghĩ ngay đến mảnh đất vùng biên giới, tiếp giáp với nước bạn Campuchia mang đặc thù khí hậu gần như nắng nóng quanh năm.

Mùa xuân về mùa mang đến khí hậu đẹp nhất trong năm cho mảnh đất vùng biên này. Cái nắng dịu nhẹ và khí trời se se lạnh, cây lá đâm chồi xanh tươi, hoa rừng bừng nở lung linh sắc màu…, làm cho cảnh sắc Mô Rai đẹp hơn bao giờ hết.

Vượt qua những con dốc thoai thoải của Tỉnh lộ 674, chúng tôi thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp của những loài hoa dại nở trắng muốt hay hoa lau phơn phớt tím trải khắp các triền đồi.

Đến làng Le đâu đâu cũng thấy những cánh rừng cao su bạt ngàn giúp người dân nơi đây giảm được nghèo

 

Đứng giữa bạt ngàn đồi núi với ngổn ngang công trình đang được thi công xây dựng, anh bạn đồng nghiệp đi cùng chúng tôi dự báo: Rồi đây, khi Tỉnh lộ 674 hoàn thành sẽ mở ra nhiều triển vọng phát triển cho vùng đất Mô Rai này.

Vượt hết đoạn đường khúc khuỷu đồi dốc và bụi mù của Tỉnh lộ 674, chúng tôi rẽ vào Quốc lộ 14C để tiếp tục hành trình về làng Le.

Làng Le nằm ở trung tâm xã Mô Rai, lọt thỏm giữa những “cánh rừng” cao su bạt ngàn. Mùa này, cây cao su ở đây đang dần thay lá mới. “Những mầm non xanh mơn mởn của từng tầng lá cao su vươn mình trong nắng ấm của mùa Xuân như khát vọng vươn lên của đồng bào Rơ Măm vậy” - ông A Ngốc - Bí thư chi bộ kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mô Rai và cũng là người con của làng Le đi cùng chúng tôi ví von.

Đi giữa bạt ngàn cao su, ông A Ngốc trải lòng với chúng tôi: Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, bà con đồng bào dân tộc Rơ Măm nơi đây luôn biết ơn Đảng, Bác Hồ. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào Rơ Măm mới có cơm ăn, áo mặc, mọi người được học hành và bình đẳng như bao dân tộc khác. Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, người Rơ Măm đã thay đổi nhận thức, thói quen, nếp nghĩ, cách làm.

Nếu như trước đây người Rơ Măm chỉ quen trồng trọt lúa nếp, lúa tẻ, mì, bắp theo lối phát - đốt - chọc - trỉa, thì bây giờ họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và biết trồng những loại cây công nghiệp khác và mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm để vươn lên làm giàu.

Ngoài việc duy trì 28ha lúa ruộng và 123ha lúa rẫy, người Rơ Măm đã chuyển đổi trồng gần 35ha cao su, 38ha điều. Cùng với trồng trọt, bà con cũng đã phát triển được đàn gia súc, gia cầm gần 600 con để tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Trong 2 năm qua (2016-2017), nhờ diện tích cao su được Nhà nước hỗ trợ trồng trọt đã đi vào khai thác đồng loạt nên đời sống bà con có nhiều đổi thay, tiến bộ hơn. Nhà cửa của người Rơ Măm được xây dựng kiên cố hơn (cả thôn còn 7 nhà tạm mới tách hộ). Nhà nhà đều sắm sửa được ti vi, xe máy. Nhiều hộ gia đình có điều kiện còn đầu tư mua sắm máy cày, xe công nông… phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông A Ren (62 tuổi) kể, cách đây 7 năm, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ trồng 1ha cao su. Năm nay, vườn cây của gia đình ông bắt đầu “mở miệng”. Vợ chồng ông cũng đã tích góp mua được chiếc xe công nông mấy chục triệu đồng để chở hàng nông sản. Ngoài được hỗ trợ trồng cao su, năm 2016, gia đình A Ren còn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản để chăn nuôi nhằm giảm nghèo bền vững.

Căn nhà của ông A Dốc và bà Y Điết nằm ở lưng chừng con dốc vào làng Le. Ngôi nhà 3 gian được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Bà Y Điết cho biết, cách đây 7 năm, gia đình bà thuộc diện nghèo. Nhà nước quan tâm giúp đỡ, gia đình bà được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón để trồng 1ha cao su. Bên cạnh đó, gia đình bà cũng đã mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển đổi thêm 1ha đất trồng mì sang trồng cao su để nâng cao thu nhập. Đến nay, gia đình ông A Dốc và bà Y Điết không những đã thoát được nghèo mà còn có chút của ăn của để…

Cán bộ xã Mô Rai hướng dẫn ông A Ren (thứ 2, từ trái sang) chăm sóc bò sinh sản

 

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cao su của các hộ dân, thôn trưởng A Huốt  vui mừng nói: Năm nay, bà con dân làng Le chắc chắn đón tết vui tươi, phấn khởi hơn mọi năm. Vui vì đây là năm trong thôn có tới 35 hộ gia đình cùng lúc có vườn cao su đi vào khai thác và đã thoát được nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 37% (55 hộ).

Nói về phong tục đón Tết Nguyên đán của người Rơ Măm, chị Y Díp - Phó Chủ tịch xã Mô Rai cho biết: Người Rơ Măm trước đây ở trên núi cao. Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đồng bào Rơ Măm đi theo Đảng, theo Bác Hồ để đánh giặc. Sau giải phóng, bà con di dời xuống nơi ở mới là làng Le bây giờ. Trước đây, mỗi năm, bà con chỉ có lễ hội ăn lúa mới vào dịp cuối năm, sau khi thu hoạch lúa trên nương rẫy về. Từ ngày di dời xuống làng mới sống chung với đồng bào Kinh và các đơn vị bộ đội vào trồng cao su trên vùng đất này, bà con bắt đầu ăn Tết Nguyên đán.

Bây giờ, mỗi khi tết đến, các gia đình người Rơ Măm cũng không thể thiếu cành mai vàng (mai rừng) để trưng trong nhà. Bắt đầu từ ngày 26 đến ngày 30 tháng Chạp, đàn ông trong làng lại tranh thủ đi rừng để chặt cành mai; còn phụ nữ thì lo mua sắm ít bánh kẹo, làm bánh chưng, rượu cần.

Ngày tết, gia đình nào có điều kiện thì thịt con heo, không có điều kiện thì thịt con gà để ăn tết. Tối ba mươi tết, nhà nhà đều thức để chờ đón thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

Thôn trưởng A Huốt cho biết, vào ngày mùng Một tết, bà con tổ chức ăn tết tập trung tại nhà rông. Năm nào cả làng cũng làm con heo chừng 60-70kg để cùng chung vui. Từ tờ mờ sáng mùng Một, bà con đã tập trung lại nhà rông giết thịt heo để chế biến các món ăn. 11h trưa, bà con cùng ngồi vào nhà rông ăn uống, chúc mừng năm mới.

Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi xong, thanh niên, phụ nữ trong làng chia thành các tổ giao lưu các trò chơi đẩy gậy, kéo co hoặc thi đấu bóng chuyền, bóng đá, không khí rất vui tươi, đầm ấm.

Trong 2 ngày mùng Hai, mùng Ba, các hộ gia đình ăn tết tại nhà; đi thăm hỏi, chúc tết nhau. Hết 3 ngày tết, cũng là lúc bà con ngừng lại mọi hoạt động vui chơi để lên nương rẫy trở lại.

Nói về việc đón tết của gia đình mình, A Huốt “khoe”: Năm nào, gia đình tôi cũng làm 1 con heo vài chục kilôgam để ăn tết. Năm nay, gia đình chuẩn bị con heo lớn hơn, chừng nửa tạ, để vừa đón tết vừa mời bà con dân làng đến chung vui mừng cho đứa con trai thứ hai - tên Rơ Mah Quyền - qua tết sẽ lên đường làm nghĩa vụ quân sự…

Xã Mô Rai 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ công sức của đồng bào Rơ Măm. Tự hào về làng quê cách mạng, biết ơn Đảng và Nhà nước đã cho bà con có cuộc sống sung túc, ổn định và phát triển như ngày hôm nay, đồng bào Rơ Măm nguyện một lòng đi theo Đảng, theo con đường Bác Hồ đã chọn, góp sức xây dựng vùng biên ngày một phát triển - Thôn trưởng A Huốt tự hào nói.

Quá trưa, chúng tôi vẫn tản bộ giữa những “cánh rừng” cao su trải dài và được nghe biết bao câu chuyện về những đổi thay ở làng Le, qua lời kể của Bí thư chi bộ A Ngốc, thôn trưởng A Huốt. Đón những cơn gió xuân dịu nhẹ, bước đi dưới những tầng lá cao su xào xạc, lòng tôi bỗng thấy ngập tràn niềm vui vì sự phát triển ở mảnh đất vùng biên này…

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác