Đồng bào Rơ Măm ơn Đảng

22/10/2023 13:08

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của Đảng, đầu tư của Nhà nước, đồng bào dân tộc Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) định canh, định cư ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.

Đồng bào dân tộc Rơ Măm là một trong hai dân tộc rất ít người của tỉnh, hiện có 178 hộ, với 536 nhân khẩu, sinh sống tại làng Le, xã Mô Rai. Trong nhiều năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn quan tâm triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào Rơ Măm. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Đề án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (trong đó có dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 có tổng mức vốn đầu tư hơn 19 tỷ đồng, chủ yếu để đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo.

Lớp học mẫu giáo làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Ảnh: HN

 

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách, nên đến nay, đời sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm đổi thay rõ nét. Anh A Khải, trú tại làng Le tâm sự: Trong nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư về giao thông nông thôn, nên việc đi lại của bà con trên địa bàn xã rất thuận tiện. Bản thân được cán bộ cho đi tham quan các mô hình trồng cao su trên địa bàn, tôi nhận thấy môi trường, khí hậu ở đây hợp với việc trồng cây cao su và cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, tôi đã trồng được trên 1ha cao su. Ngoài ra, tôi còn làm ruộng lúa và trồng mì để thêm thu nhập cho gia đình.

Trong căn nhà mới xây trị giá hơn 200 triệu đồng, chị Y Doan trú ở làng Le chia sẻ: Nhờ chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, đồng bào Rơ Măm nói chung và gia đình tôi nói riêng mới có được cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được hơn 2ha cao su và trồng mì, lúa nước, chăn nuôi bò để tăng thêm thu nhập, nên gia đình đã thoát nghèo.

Đứng bên ngôi nhà cấp 4 khang trang, sạch sẽ và thoáng mát của mình, chị Y Doan kể: Trước đây, do nhận thức còn hạn chế, cuộc sống của bà con dân làng còn nhiều khó khăn lắm. Như gia đình tôi đây, phải đến năm 2020 mới làm được căn nhà cấp 4. Nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và chính sách Nhà nước ưu đãi, nên đến nay, gia đình mới có được cơ ngơi như thế này. Không chỉ có gia đình tôi, mà cuộc sống của bà con trong làng cũng phát triển và thay đổi rất nhiều.

Khi cuộc sống ổn định, đồng bào Rơ Măm ở làng Le quan tâm chăm lo đến việc học tập của con em và dần xóa bỏ các hủ tục, tập tục không còn phù hợp, chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Anh A Thái - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le cho biết: Trước đây, đối với người Rơ Măm, nếu ai mà chết xấu, chết tai nạn, ốm đau tại bệnh viện thì không được đưa về làng, nhưng đến nay thì đã bỏ hoàn toàn. Các nghi lễ trước đây như ma chay, bà con dân làng tổ chức dài ngày (từ 2-3 ngày), nhưng nay thì còn 1 ngày 1 đêm thôi, vì nếu kéo dài thời gian, lãng phí nhiều.

Bà Y Điết bảo tồn nghề dệt thổ cẩm dân tộc Rơ Măm. Ảnh: HN

 

“Đặc biệt, từ chỗ chỉ biết canh tác mì, lúa rẫy, đến nay, đồng bào Rơ Măm ở làng Le trồng được hơn 260ha cây công nghiệp (cao su, điều, cà phê); chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, làng Le giảm còn 46 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo. Làng đã đạt 4/10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”- A Thái kể.

Già làng A Blong chia sẻ: Khi cuộc sống của bà con ngày càng no đủ, ai ai cũng quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật của dân tộc Rơ Măm như: Cồng chiêng, múa xoang, diễn xướng sử thi, hát giao duyên, hát ru. Đồng thời, phục hồi các nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đan lát các vật dụng sinh hoạt gia đình.

Chủ tịch UBND xã Mô Rai Phạm Quang Thắng cho biết: Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đến nay, người dân làng Le cơ bản biết sản xuất lúa vụ mùa, lúa vụ đông xuân, biết trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê và chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế hơn. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng vào đầu năm 2023.

Cuộc sống đồng bào dân tộc Rơ Măm ở làng Le đã bước sang trang mới, với sự đầy đủ và sung túc hơn. Ơn Đảng, đồng bào Rơ Măm quyết tâm phấn đấu vươn lên, đồng sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng xã biên giới Mô Rai ngày càng đổi mới và phát triển.                     

Hồng Nhung

Chuyên mục khác