Đồng bào DTTS trong tỉnh thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước

08/10/2019 13:10

Tỉnh Kon Tum hiện có 543.694 người, với 28 dân tộc sinh sống. Trong đó, 289.151 người đồng bào DTTS, chiếm 53,18% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo sâu sát của các cấp và chính quyền địa phương, sự năng động và sáng tạo của toàn thể nhân dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên.

Ông Ka Ba Thành - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong 5 năm qua (2014-2019), cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác dân tộc và vùng dân tộc, miền núi. MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội. Từ đó, đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững, bản sắc văn hóa luôn được duy trì và phát huy, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và phát triển, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc luôn được tăng cường, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng và ý thức của cán bộ đảng viên về công tác dân tộc. Đặc biệt, phần lớn đồng bào các dân tộc đã có chuyển biến về nhận thức, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nổi bật nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” đã được nhiều người dân hưởng ứng, tạo ra nhiều mô hình kinh tế trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây dược liệu... có hiệu quả cao. Điển hình như hộ gia đình ông A Thi dân tộc Ba Na, trú tại thôn Kon Tu Dốp 2 (xã Pô Kô, huyện Đăk Tô) với mô hình sản xuất nông nghiệp 14 ha để trồng cà phê, cao su, nuôi cá nước ngọt... và cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Thao Nguyên dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn Tà Ka (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) với mô hình thâm canh cà phê, cao su cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm. Hộ gia đình ông Lò Văn Xuyến dân tộc Thái, trú tại thôn 4 (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) với mô hình VAC cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm...

Thăm vườn cà phê của anh A Ninh ở làng Đăk Dring, xã Đăk Trăm. Ảnh: XB

 

Đặc biệt, hộ ông A Hiếu dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn Kon Gung (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) với mô hình sản xuất nông nghiệp thâm canh cây cà phê vối cho thu nhập trên 1,6 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ông A Hiếu còn giúp các hộ nghèo trong thôn về cây giống, nông cụ trên 200 triệu đồng và trong nhiều năm liền hộ ông đã đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế gia đình.

Phong trào “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực và đã có những gương điển hình tốt xuất hiện. Điển hình như hộ gia đình ông A Đông dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn Đăk Nu (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô), bản thân đã hiến 1.621 m2 đất, tài sản trên đất gồm 100 cây cao su 11 năm với giá trị khoảng 200 triệu đồng. Hộ gia đình ông A Nhoi dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn Đăk Manh II (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) đã hiến 400m2 đất trồng cây lâu năm, tham gia ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn. Gia đình ông Kring Dơi dân tộc Giẻ - Triêng, trú tại thôn Chả Nội 2 (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) đã cùng với nhân dân trong thôn tham gia hiến 500m2 đất, góp tiền, góp công làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà rông văn hóa, công trình kênh mương...      

Trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc” và bảo tồn phát triển văn hóa các DTTS, toàn tỉnh có nhiều điển hình người DTTS được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Điển hình như bà Y Blưn dân tộc Ba Na, trú tại làng Kon Tum Kơ Pơng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum); ông A Thu dân tộc Xơ Đăng, trú tại thôn Đăk Rô Gia (xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô); ông A Thui dân tộc Ba Na, trú tại làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà); ông A Vẻ dân tộc Giẻ - Triêng, trú tại làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi); ông A Huynh dân tộc Gia Rai, trú tại làng Chốt (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy)...

Nữ nghệ nhân Y Ga, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy truyền dạy các làn điệu dân ca cho các cháu học sinh trong làng. Ảnh: TVP

 

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, điển hình có ông Đinh Su Giang dân tộc Xơ Đăng, Phó hiệu Trưởng Trường PTDTNT huyện Kon Plông; bà KSor Xuân dân tộc Gia Rai, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Kon Tum; bà Nguyễn Văn Hồng Thảo dân tộc Thổ, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sa Thầy; bà Hồ Thị Mai Lý dân tộc Xơ Đăng, Phó hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Kon Tum; bà Y Xuân dân tộc Xơ Đăng, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng; em A Thơm dân tộc Xơ Đăng, học sinh lớp 11A, Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Ngọc Hồi; em Y Lan dân tộc Xơ Đăng, học sinh Trường PTDTNT huyện Sa Thầy ...

Về lĩnh vực y tế, điển hình có bác sỹ Sa Cường dân tộc Xơ Đăng, bác sỹ Y Đứk dân tộc Ba Na cùng công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh có ông Xiêng Văn Thang dân tộc Giẻ-Triêng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Dục Nông (huyện Ngọc Hồi); ông Rơ Chăm Khôi nhân viên Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Lân (huyện Sa Thầy); ông A Tĩnh - cán bộ tăng cường xã của Đồn Biên phòng Đăk Long (huyện Đăk Glei)...

Trong các phong trào thi đua yêu nước còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trưởng thôn, già làng, người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Có nhiều già làng, trưởng thôn, người có uy tín đã tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Tiêu biểu nhất có ông A Đưng, dân tộc Ba Na, Thôn phó thôn Kon Hra Chót (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum); ông A Gôm, dân tộc Ba Na, trú tại làng Kon Klơng (thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy); ông A Lưih, dân tộc Ba Na, trú tại thôn Plei Sar (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum)...

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ka Ba Thành cho biết thêm: Để ghi nhận và biểu dương, tôn vinh công lao và thành tích của tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong việc thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện lần thứ II (nhiệm kỳ 2014-2019), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 10 cá nhân, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố đã tặng Giấy khen cho 110 tập thể và 303 cá nhân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã tặng Giấy khen cho 30 tập thể và 49 cá nhân vì đã có thành xuất sắc trong công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc trong nhiệm kỳ qua.    

Nguyên Hà

Chuyên mục khác