Đón tết ở “cổng trời”

14/02/2018 13:37

Tết đến xuân về, dù có chút chạnh lòng nhớ nhà, nhưng những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) vẫn ấm lòng từ những lời động viên của đồng đội, của gia đình nơi quê nhà. Họ luôn vững tay súng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc…

Tết biên cương ấm tình đồng đội

Bên kia “cổng trời” không có mưa xuân, nắng xuân và càng không có cánh én chao liệng, chỉ có mưa dầm, vắt núi và nỗi nhớ nhà ngày tết. Vậy mà từ anh lính trẻ đến cán bộ sĩ quan, ai cũng ấm lòng đón tết ở miền biên viễn này với niềm tự hào và trách nhiệm.

Cuối năm, khi tết đã cận kề, chúng tôi quyết tâm đến thăm và tìm hiểu cuộc sống, để được nghe tâm tình của các chiến sĩ nơi xa xôi hẻo lánh, khó khăn bậc nhất vùng cực bắc Tây Nguyên – Đồn Biên phòng Sông Thanh.

Thượng tá Võ Thanh Sơn – Chính trị viên của đồn, kể: Tết với chiến sĩ  Đồn Biên phòng Sông Thanh thường đến sớm hơn khoảng 10 ngày, khi tổ chức tất niên và khi các đoàn công tác của tỉnh, huyện, hay người nhà đến thăm. Còn sau đó, họ trở về với công việc hằng ngày cầm chắc tay súng giữ vững biên cương của Tổ quốc.

Chiến sĩ Biên phòng Sông Thanh luôn chắc tay súng bảo vệ biên cương

 

Thượng tá Sơn kể: Cũng như ở nhà, tết ở đồn cũng bánh chưng, bánh tét, mâm cỗ đầy đủ. Đêm 30 tết, chúng tôi tập trung tổ chức đón giao thừa tại hội trường. Sau thời khắc giao thừa, lãnh đạo đồn đọc thư, chúc tết và phá cỗ. Sau đó, các đội về tại đội tổ chức đón giao thừa, lãnh đạo đồn đi một vòng tất cả các đội để chúc tết, động viên anh em vui xuân không quên nhiệm vụ…

Món ăn tinh thần của chiến sĩ Biên phòng Sông Thanh

 

Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Đồn trưởng nhớ lại: Tôi nhớ tết năm trước, đêm 30 tết có 2 chiến sĩ lần đầu tiên đón tết xa nhà ra sau lô cốt gọi điện thoại về gia đình rồi khóc vì nhớ nhà, nhớ gia đình. Thấy vậy, chúng tôi ra động viên, an ủi nên các chiến sĩ trở lại vui vẻ, tươi cười đón xuân cùng đồng đội.

“Không giống những đồn gần dân, được các mẹ, các chị đến tận đồn giúp gói bánh tét, bánh chưng, đồn này có truyền thống là… tự làm. Người kiếm dây buộc, người đi tìm lá rừng. Ngày 30 tết xúm xít gói bánh rồi lên nồi. Đến gần giao thừa vớt bánh ra là vừa" - trung úy Hà Văn Lừng kể.

Chúc tết người thân bằng điện thoại

Đến giao thừa, chỉ huy đồn mời cán bộ, chiến sĩ tập trung về hội trường nghe chúc tết. Sau đó dành cho cán bộ chiến sĩ 30 phút "khung trời riêng" để gọi về gia đình, người yêu. Ai không có điện thoại được đồng đội cho mượn. Cách đây vài năm, không có sóng, bộ đội phải leo lên núi bước từng bước thật chậm để dò sóng. Thấy sóng là dừng lại gọi điện thoại, chỉ bước thêm vài bước thì sóng mất ngay.

Tết 2016, mới cưới vợ chưa đầy 2 tháng, nhà thì ở ngay Bờ Y (Ngọc Hồi), nhưng tết đầu tiên, vì nhiệm vụ, trung úy Hà Văn Lừng để người vợ trẻ vừa cưới vò võ một mình với xuân. “Em công tác tại Đồn Biên phòng Sông Thanh được 2 năm nay rồi. Năm ngoái em lập gia đình, nhưng cưới xong thì phải tranh thủ lên đơn vị luôn. Tết vừa rồi em không được về ăn tết cùng vợ nên chỉ biết điện thoại động viên cho vợ đỡ tủi thân” - trung úy Lừng kể.

Khác với trung úy Lừng, với Thượng tá Sơn – Chính trị viên Đồn, việc đón tết xa vợ con đã quá quen rồi. Vợ và 2 con của anh ở tỉnh Quảng Bình, anh vào công tác ở Kon Tum đã hơn 20 năm (từ năm 1996). 20 năm ấy, những năm được đón tết cùng vợ con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tết năm nào anh và Đồn trưởng cũng thay phiên nhau trực tết.

"Chúc tết anh em xong, mình về đối diện với mình trong đêm trừ tịch, với cõi riêng. Nhớ vợ con vô cùng. Dẫu biết xác định tư tưởng lính biên cương là đón tết xa nhà, nhưng có phải sỏi đá đâu mà không buồn. Những lúc ấy chỉ biết điện thoại về động viên vợ con yên tâm, ở trong này dù không có vợ con nhưng có anh em đồng đội sát cánh kề vai”- thượng tá Sơn tâm sự.

Thượng tá Dũng - Đồn trưởng là người tình nguyện lên vùng biên ải để được cống hiến cho Tổ quốc. Anh vốn là giảng viên ở một trung tâm huấn luyện biên phòng ở Vũng Tàu, sau khi đi thực tế ở Kon Tum, anh đã tình nguyện lên công tác từ năm 2013. Một chốn ba quê, quê anh ở Vĩnh Phúc, vợ con gia đình ở thành phố Vũng Tàu, còn anh công tác tại đồn xa nhất ở Kon Tum. Với thượng tá Dũng, tết này là năm thứ 4 anh lên Kon Tum và cũng là tết đầu tiên anh đón ở nơi biên cương xa xôi này.

“Những năm trước mình công tác một đồn Biên phòng tại Mô Rai, đón tết xa nhà, xa vợ cũng nhớ lắm, nhưng vì nhiệm vụ mình phải kìm nén tình cảm, chỉ biết điện thoại về động viên vợ con” - thượng tá Dũng tâm sự.

Với những người cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh nói riêng, các chiến sĩ Biên phòng nói chung, ngày tết họ gác lại niềm riêng để bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Với các anh, mỗi khi tết đến xuân về, khoảnh khắc buồn chỉ cho riêng mình. Ngoài kia dù có mưa phùn, có gió lạnh căm căm nơi “cổng trời” Đăk Blô, nhưng nghĩa tình đồng đội và sự động viên kịp thời của hậu phương đã làm các anh ấm lòng, như nắng xuân...

Bài, ảnh: Văn Phương

Chuyên mục khác