Đồn Biên phòng Mô Rai làm tốt công tác quản lý vũ khí trong cộng đồng

07/05/2020 13:03

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, Đồn Biên phòng Mô Rai đã tiếp nhận 28 khẩu súng tự chế và 116 viên đạn súng quân dụng do người dân tự giác giao nộp. Đa phần đều là các loại súng kíp, súng cồn… do người dân tự chế để săn bắn.

Thiếu tá Bùi Hữu Hoàn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Mô Rai cho biết: Bởi đặc thù là xã vùng sâu vùng xa, nhận thức của người dân về pháp luật còn những hạn chế nhất định, nên vẫn còn tình trạng người dân cất giữ, sử dụng một số vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế… Trước tình hình đó, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác quản lý vũ khí trên địa bàn. Qua triển khai công tác dân vận, chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đa số bà con đã hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, giao nộp vũ khí cho cơ quan chức năng.

Theo thiếu úy Blong Buông - Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Mô Rai) thực hiện kế hoạch của Ban chỉ huy Đồn, Đội vận động quần chúng đã tham mưu, xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhân dân tự giác giao nộp vũ khí tự chế. Theo đó, phân công cán bộ, chiến sĩ là người DTTS phụ trách những hộ gia đình đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai đã tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương; giữ mối liên hệ chặt chẽ với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín,… để khuyên bảo bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, không tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép.

Vận động người dân giao nộp vũ khí. Ảnh: TT

 

“Hiểu được chủ trương của xã, cũng như của Đồn Biên phòng Mô Rai, chúng tôi đã họp dân làng định kỳ hàng tháng để nhắc nhở, vận động, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu mà Đồn Biên phòng Mô Rai cung cấp. Tại nơi sinh hoạt chung của thôn, chúng tôi chiếu các thước phim tuyên truyền trực quan cho dân làng xem để họ hiểu rõ những nguy cơ, hiểm họa khôn lường mà các loại vũ khí, vật liệu nổ có thể gây ra. Nhờ thế mà mỗi người dân đều có ý thức và khuyên nhủ nhau chấp hành đúng theo chủ trương đã được đề ra.” – Anh A Thái, thôn trưởng làng Le, xã Mô Rai cho biết.

Còn anh A Giỗi (làng Le, xã Mô Rai) kể: “Vừa qua, mình đã giao nộp Đồn Biên phòng Mô Rai khẩu súng kíp do mình chế tạo năm ngoái để đi săn bắn. Ban đầu, mình chỉ nghĩ khẩu súng này sẽ giúp mình kiếm thêm thức ăn cải thiện bữa cơm gia đình. Mình không có ý đồ xấu hoặc ý định tấn công ai cả. Tuy nhiên, sau khi nghe các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng đến tận nhà tuyên truyền, khuyên mình giao nộp vũ khí, mình đã hiểu việc tàng trữ và sử dụng vũ khí như vậy là sai. Từ nay mình sẽ không bao giờ chế tạo súng nữa”.

Tiếp lời anh A Giỗi, anh A Tâm cũng chia sẻ: “Trước đây mình đã từng mua các vật liệu ống nhựa, cồn, bộ kích điện, với chi phí khoảng 150 nghìn đồng về làm một khẩu súng cồn với mục đích để săn bắn. Nhưng qua các cuộc họp tại thôn làng vào mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mô Rai dặn dò, cũng như chính quyền địa phương đã nhắc nhở hành vi chế tạo và sử dụng súng là vi phạm pháp luật. Mình đã hiểu ra và không còn tự chế súng nữa. Những khẩu súng trước đây mình chế tạo cũng đã giao nộp lại cho Đồn Biên Phòng”.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, Đồn Biên phòng Mô Rai đã tiếp nhận 28 khẩu súng tự chế và 116 viên đạn súng quân dụng do người dân tự giác giao nộp. Đa phần đều là các loại súng kíp, súng cồn… do người dân tự chế để săn bắn.

Để phát huy hiệu quả đạt được trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn, trong thời gian tới, Đồn Biên phòng Mô Rai tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật trong việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ…, xem đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong hoạt động của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhằm góp phần ổn định trật tự an ninh xã hội vùng biên.                    

Tất Thành

Chuyên mục khác