Đồn Biên phòng Đăk Long: Về với dân bằng tấm lòng

05/05/2024 06:39

Đồn Biên phòng Đăk Long, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đóng quân trên địa bàn xã Đăk Long (huyện Đăk Glei), có 1.672 hộ, với 6.787 nhân khẩu, trong đó trên 95% đồng bào DTTS. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn về với dân xã Đăk Long bằng tấm lòng, góp phần giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đăk Long đưa tôi đến thăm vườn cà phê của ông A Biên ở thôn Đăk Ông. Đứng bên vườn cà phê 1.500 cây xanh tốt của gia đình, ông A Biên xúc động nói: “Trước đây, gia đình mình không biết làm ăn nên nghèo. Nhưng kể từ khi lãnh đạo Đồn cử cán bộ, chiến sĩ vận động quần chúng là người DTTS về kết nghĩa với gia đình, thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ chăm sóc vườn cây nên vườn cà phê của gia đình năm nào cũng đạt năng suất, đem lại lợi nhuận cao, góp phần vào việc giảm nghèo bền vững cho gia đình”.

Già làng A Blăng ở thôn Dục Lang vui mừng kể: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi mưa bão lớn xảy ra, bộ đội Biên phòng về giúp dân khắc phục sạt lở đất đá; khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân. Bà con rất yêu mến bộ đội”. 

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Long giúp gia đình anh A Biên ở thôn Đăk Ôn, xã Đăk Long thu hoạch cà phê. Ảnh: T.V.P

 

Làm việc với tôi, Thượng tá Đặng Nguyên Hương- Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Long cho biết: Thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), trong 3 năm qua, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS xã Đăk Long thực hiện tốt Cuộc vận động gắn với xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đăk Long thường xuyên chỉ đạo cán bộ tăng cường, đội công tác địa bàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội xã lựa chọn các mô hình thiết thực để triển khai thực hiện. Trong đó, tổ chức hội nghị làm điểm để tuyên truyền và ký kết giao ước thi đua triển khai thực hiện Cuộc vận động. Qua đó, phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung được 5 đợt, có 1.210 lượt người tham gia; tuyên truyền qua loa phát thanh được 572 buổi, có 6.489 lượt người nghe.

Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Đăk Long còn tham mưu Đảng uỷ, UBND xã tổ chức lễ phát động thực hiện Cuộc vận động để tuyên truyền xóa bỏ các tập quán lạc hậu, vận động nhân dân hạn chế số lượng cõng củi cưới bằng gỗ dẻ, thay bằng củi bời lời, tiến tới sử dụng bếp ga, bếp điện; tiết kiệm trong việc tang, việc cưới và chi tiêu hàng ngày. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như: vườn-ao-chuồng ở thôn Đăk Xây; nuôi heo đen ở thôn Măng Tách, thôn Dục Lang; trồng rừng, trồng cây mắc ca, cây cà phê ở các thôn của xã. Ngoài ra, vận động nhân dân tham gia vào Tổ hợp tác xã chế biến, tiêu thụ cà phê ở thôn Long Yên và có 1 sản phẩm bánh Coát (gọi là bánh sừng trâu) đạt tiêu chuẩn OCOP.

Giúp nhân dân xã Đăk Long, huyện Đăk Glei khắc phục sạt lở đất sau mưa, bão. Ảnh: TVP

 

Quá trình thực hiện Cuộc vận động, Đồn thực hiện tốt mô hình giúp dân phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Cụ thể, ở mô hình nuôi bò giống sinh sản, Đồn hỗ trợ 12 con bò cho 12 hộ dân, đến nay, phát triển lên 31 con bò, các hộ dân bán 8 con được 69 triệu đồng. Ở mô hình nuôi heo đen được triển khai tại 6 hộ dân, đến nay, phát triển lên 35 con heo, các hộ dân bán 22 con được 65 triệu đồng. Ở mô hình nuôi ngan tại 3 hộ dân, nay phát triển lên 35 con, các hộ dân bán 28 con được 5,6 triệu đồng.

Đồn còn hỗ trợ gia đình ông A Hai ở thôn Măng Tách 300 cây cà phê giống, sau nhiều năm chăm sóc, đến nay, gia đình ông thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm từ cà phê; giúp gia đình ông A Bình ở thôn Dục Lang 2.000 cây bời lời và gia đình ông A Sươi ở thôn Đăk Ak 3.000 cây bời lời, hiện nay, cây bời lời của cả 2 gia đình phát triển tốt.

Theo đánh giá của UBND xã Đăk Long, đến nay, toàn xã có 97,5% số hộ bỏ dần phong tục tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu; trên 75% số hộ có sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong lao động sản xuất; trên 75% số hộ có nhà cửa kiên cố; mức thu nhập trung bình 32 triệu đồng/người/năm; xã còn 250 hộ nghèo, chiếm 14,95% và 128 hộ cận nghèo, chiếm 7,66% trong tổng số hộ dân toàn xã.

Thượng tá Đặng Nguyên Hương nhấn mạnh, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với Đảng uỷ, UBND và các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội xã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện hoạt động từng khu dân cư và sâu rộng tới từng hộ gia đình. Phấn đấu đến cuối năm 2025, xã có 100% số hộ đồng bào DTTS nắm, hiểu được mục đích, ý nghĩa và tích cực tham gia Cuộc vận động để giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo và thoát nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục khảo sát để giúp đỡ, lựa chọn xây dựng điểm hộ gia đình người DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm hiệu quả để nhân rộng, giúp người dân học hỏi, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh được tốt hơn.   

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác