Đổi thay từ mô hình “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”

19/02/2021 06:04

Kể từ khi “làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” đầu tiên được thành lập tại thôn Kon Lung (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy) vào tháng 10/2018, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có thêm 23 “làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” ở các huyện, thành phố. Qua đó, thu hút sự tham gia sôi nổi và phát huy năng lực, vai trò cùng trách nhiệm của các hội viên, phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Theo Hội LHPN tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án “làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới”, các cấp Hội Phụ nữ đã linh hoạt, sáng tạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương, gắn kết và thực hiện hiệu quả 11 tiêu chí của “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy các hội viên phụ nữ phát huy nội lực trong việc phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự. Đến nay, đã xây dựng được 24 “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” ở 10/10 huyện, thành phố.

Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung. Ảnh: ĐT

 

Đối với mô hình điểm “làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” tại thôn Kon Lung, cùng sự hỗ trợ của các cấp hội, chính quyền địa phương, các đơn vị, sở, ngành và sự nỗ lực của các hội viên, phụ nữ trong thôn, đến nay làng đã đạt 11/11 tiêu chí “Làng phụ nữ DTTS  nông thôn mới”, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí về đích nông thôn mới của xã Đăk Tơ Lung như: Đường bê tông liên thôn dài 5km, đường hoa dài 500m; có 1 mô hình “Vườn, nhà tôi xanh-sạch-đẹp” với 38 hộ gia đình tham gia, 1 mô hình sản xuất rượu ghè nếp cẩm lên men tự nhiên từ lá cây rừng với 10 thành viên tham gia; duy trì việc tổ chức dọn dẹp vệ sinh các tuyến đường và khu vực xung quanh nhà rông vào thứ 6 hàng tuần; thôn không còn nhà tạm, nhà dột nát; 15/34 hộ nghèo trong thôn thoát nghèo…

Các “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” còn lại đều phát huy hiệu quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các nguồn, các làng đã triển khai thực hiện có hiệu quả một số tiêu chí như: Tiêu chí về giao thông đường làng, ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, điển hình là làng Kon Hơ Ngo Kơ Tu (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) đã nâng cấp 3 tuyến đường với chiều dài hơn 1km với kinh phí do Nhà nước hỗ trợ và các hộ dân đóng góp gần 1 tỷ đồng. Tiêu chí phụ nữ DTTS  tự tạo việc làm tại gia đình hoặc tại địa phương với “Tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản” ở thôn 5 (xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) gồm 24 thành viên/78 con bò; hay tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều dưới 7% ở huyện Sa Thầy, thông qua các hoạt động đã hỗ trợ 35 con bò giống, 15 giếng nước sinh hoạt, tổ chức lớp học nghề chăn nuôi bò, giúp 45 hộ thoát nghèo.

Phụ nữ ở làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản. Ảnh: ĐT

 

Với các tiêu chí như: Không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp, an toàn, hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; các hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy định; không có chi hội trưởng/tổ trưởng phụ nữ hoạt động trung bình; phụ nữ DTTS tại địa phương phát huy nội lực, phát huy vai trò của bản thân trong tham gia xây dựng nông thôn mới; thôn đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên, không có khiếu kiện đông người kéo dài, không để xảy ra trọng án…, 24/24 làng đều đã đạt chuẩn.

Thực tế qua 3 năm triển khai Đề án cho thấy, các “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án này, trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hội viên, phụ nữ, tăng cường kết nối và huy động các nguồn lực để hỗ trợ cho các làng, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu mà Đề án đề ra trong giai đoạn 2020-2025.

Đức Thành

Chuyên mục khác