16/03/2018 12:54
Một thời gian khó
Là một người con của núi rừng Đăk Glei, ông Sô Lây Tăng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh) đã có nhiều công lao đóng góp và chứng kiến quá trình 43 năm xây dựng và phát triển của địa phương.
Bồi hồi nhớ lại, ông nói rằng sau giải phóng 1975, cơ sở hạ tầng và thiết chế kinh tế - xã hội của huyện Đăk Glei rất thấp kém, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 90%. Bên cạnh đó, văn hóa – xã hội chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ người mù chữ cao, tỷ lệ học sinh đi học chưa tới 50%; hệ thống y tế, thông tin còn thiếu thốn trăm bề…
|
Ông A Lát, một người dân sống lâu năm ở vùng căn cứ cách mạng Mường Hoong, năm nay gần 80 tuổi – cũng không bao giờ quên những gian khó đã trải qua những năm đầu sau giải phóng.
“Tôi là cán bộ xã, mỗi lần ra huyện họp đi bộ mất 3 ngày mới tới nơi. Còn lâu lâu xuống tỉnh họp (thị xã Pleiku, thủ phủ tỉnh Gia Lai - Kon Tum khi ấy - PV) phải đi mất gần một tuần. Đi ra huyện mất 3 ngày, từ huyện đi ô tô xuống tỉnh mất thêm 2 ngày nữa. Hồi đó đường sá đi lại rất khó khăn chứ không phải như bây giờ” – ông hồi tưởng.
Là người có thời gian công tác lâu năm ở địa phương, bà Y Một (nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh) chia sẻ: Lúc chưa về công tác ở tỉnh, tôi từng làm Chủ tịch Hội LHPN rồi Phó Chủ tịch UBND huyện nên rất hiểu những gian khó mà cán bộ và người dân Đăk Glei đã trải qua. Mỗi lần xuống các xã làm việc, mình thấy đời sống của người dân quá khổ sở nên cũng thấy chạnh lòng. Nhưng biết làm sao được, nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, trong khi đó người dân mới thoát khỏi chiến tranh nên cuộc sống khó khăn là điều không thể tránh khỏi.
Những bước tiến dài
Sau 43 năm hòa bình lập lại, Đăk Glei đã có một bước tiến dài trên con đường phát triển. Mọi thứ giờ đây đã đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao hơn trước.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Y Lan (xã Xốp) vui mừng cho hay: Mấy năm nay, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững nên đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng phát triển, không còn nghèo đói như trước đây nữa.
Thỉnh thoảng có dịp về thăm nơi chôn nhau cắt rốn (làng Nú Vai, xã Đăk Kroong), ông Sô Lây Tăng không khỏi xúc động trước sự thay đổi của quê hương mình.
Từ ngã ba đường Hồ Chí Minh đi vào làng của ông giờ đây đã được nhựa hóa, bê tông hóa, xe ô tô chạy hơn 10 phút là tới, không như trước đây phải đi hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Bà con trong làng bây giờ chăm lo làm ăn để có một cuộc sống tốt hơn, ông vui mừng vì điều đó.
Là người sinh ra sau khi đất nước được thống nhất, nhưng bà Y Ngọc - Bí thư Huyện ủy Đăk Glei vẫn không quên những gian khó từng trải qua những năm tuổi ấu thơ của mình.
“Những năm thập niên 80-90, gia đình rất nghèo khổ, đi học trên lớp nhưng bụng đói cồn cào. Về nhà toàn ăn cơm độn với bắp và củ mì; thức ăn chủ yếu là vài con cá khô, bí, đậu với rau rừng, muối ớt…” – bà nhớ lại.
Còn bây giờ, mọi thứ đều đã đổi thay. Bà Y Ngọc cho biết: Hiện nay, đường giao thông từ huyện đi các xã đã được thông suốt cả 2 mùa và đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Không những thế, trên 60% tuyến đường từ trung tâm xã đi các thôn, làng đều được bê tông hóa. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu khác như trụ sở làm việc, điện, thủy lợi, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, nhà rông, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân địa phương.
|
Cũng theo bà Y Ngọc, hiện nay, bình quân lương thực đầu người ở huyện đạt 284kg/năm; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2017 đạt gần 21 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 34,35%. Hệ thống trường lớp được mở rộng tới thôn làng, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp học tập đạt trên 98%. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, có 9/12 xã – thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đến nay, 100% số thôn, làng trên địa bàn huyện có điện lưới quốc gia; trên 70% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 90% số hộ có các phương tiện nghe, nhìn và đi lại. Tình hình an ninh – quốc phòng được giữ vững ổn định. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được duy trì và phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Huyện vùng biên Đăk Glei đang trên đà khởi sắc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện chung sức đồng lòng, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển về mọi mặt, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Quang Định