Đổi thay thị trấn Đăk Tô

04/06/2018 06:59

​Sau 30 năm thành lập (1988-2018), thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đang từng ngày đổi thay. Đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt đô thị nhiều khởi sắc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn đang tiếp tục chung sức xây dựng thị trấn đạt đô thị loại IV trong thời gian sớm nhất.

Sinh sống và lập nghiệp ở thị trấn Đăk Tô mấy chục năm nay, ông Dương Minh (tổ dân phố 2) không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại những ngày đầu gian khó ở nơi đây. Khi ấy, diện tích cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su chưa có; thương mại, dịch vụ chậm phát triển, chỉ có một số hộ dân sống dọc 2 bên trục Quốc lộ 14 kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu là kinh doanh dịch vụ ăn uống; đời sống của cán bộ, nhân dân còn rất khó khăn. Hệ thống giao thông còn nhiều khó khăn, đường dân sinh chủ yếu là đường đất nhỏ, hẹp; chưa có hệ thống điện sinh hoạt…

Theo ông Bùi Tiến Lý – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô: Khi ấy, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thị trấn lúc bấy giờ ước đạt khoảng 25 triệu đồng/năm; tổng số diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 230 ha, bao gồm diện tích lúa nước, lúa rẫy, bắp, mì. Tổng sản lượng lương thực đạt khoảng 1.556 tấn; đàn trâu, bò có khoảng 1.539 con, đàn heo 1.357 con, đàn gia cầm nhỏ lẻ với số lượng ít chủ yếu nuôi để cải thiện cuộc sống…

Cơ sở hạ tầng thị trấn Đăk Tô ngày càng khang trang. Ảnh: V.P

 

Nhưng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện và sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, thị trấn Đăk Tô đã vươn mình trỗi dậy. Từ chỗ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thì đến nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và có chiều sâu, nâng cao tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thị trấn năm 2017 đạt 35,4 tỉ đồng. Trong sản xuất nông nghiệp chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật, phát triển mạnh cây công nghiệp dài ngày gắn với phát triển vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm duy trì 917 ha, diện tích cây lâu năm hơn 1.887 ha, trong đó cây cà phê có 282 ha, cây cao su 1.321 ha, cây bời lời 384 ha. Thị trấn khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng bán công nghiệp; duy trì, ổn định đàn gia súc, gia cầm với số lượng hơn 23.000 con.

         Điều đáng mừng nữa là khi mới thành lập, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn chậm phát triển hoặc có rất ít, thì đến nay, thị trấn có hơn 1.100 cở sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn, nhỏ. Cụm công nghiệp và dịch vụ 24/4 với diện tích gần 25ha được quy hoạch, xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả từ năm 2013, đã sắp xếp, bố trí ổn định cho 12 doanh nghiệp chế biến gỗ, gia công đồ sắt, cán tôn, sản xuất nước khoáng đóng chai; 1 Trung tâm nghiên cứu sâm Ngọc linh và 65 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc 4 nhóm ngành nghề: mộc dân dụng; đồ gỗ mỹ nghệ; sửa chữa ô tô; gia công đồ sắt, cơ khí gò hàn. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp phía tây thị trấn với diện tích 50 ha cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt…

Song song với phát triển kinh tế, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, thị trấn đã huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường. Đến nay, 95% đường trục chính, đường nhánh, đường hẻm, ngõ phố được nhựa hóa, bê tông hóa và có hệ thống điện chiếu sáng công lộ. Nhân dân đã tự hiến hàng ngàn mét vuông  đất, nhiều cây cối, hoa màu, vật kiến trúc trị giá hàng chục tỉ đồng để mở rộng đường giao thông. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhân dân thị trấn cùng tham gia bê tông hóa 39 tuyến đường nhánh, đường hẻm, ngõ phố có tổng chiều dài gần 7.000 mét với kinh phí thực hiện là 8.5 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 2,2 tỉ đồng; xây dựng được 46 tuyến điện chiếu sáng dân sinh có chiều dài gần 20.000 mét với kinh phí xây dựng hơn 450 triệu đồng…

Lĩnh vực văn hóa-xã hội của thị trấn hiện có nhiều khởi sắc. Sự nghiệp giáo dục của thị trấn phát triển toàn diện cả về quy mô, chất lượng và luôn là lá cờ đầu của ngành Giáo dục huyện. Thị trấn Đăk Tô là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh về đích sớm nhất trong chương trình phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục cho học sinh tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Thị trấn có 8/8 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia cấp độ I. Lĩnh vực y tế, văn hóa cũng có nhiều nét khởi sắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao…

Ông Bùi Tiến Lý- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Tô cho biết: Lúc mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn Đăk Tô chiếm trên 35%, nhưng đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,94%, số hộ cận nghèo còn 2,05%. Quy mô dân số toàn thị trấn tăng hơn 3 lần so với thời kỳ đầu thành lập, đến nay toàn thị trấn có 3.367 hộ với gần 15.000 nhân khẩu, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm…

Trải qua 30 năm, thị trấn Đăk Tô đã chuyển mình và phát triển từng ngày. Các doanh nghiệp và nhân dân ở các vùng miền khác nhau đã tin tưởng, chọn mảnh đất thị trấn Đăk Tô làm nơi lập nghiệp, làm quê hương thứ hai của mình để sinh sống và đầu tư kinh doanh, ổn định sản xuất. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị trấn quyết tâm nỗ lực xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh, sớm đưa thị trấn đạt đô thị loại IV.

Văn Phương

Chuyên mục khác