Đổi thay Plei Trum Đăk Choah

23/12/2022 06:05

Tôi đến thôn Plei Trum Đăk Choah (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) vào giữa tháng 12. Trong tiết trời se lạnh, dân làng tất bật trang trí chuẩn bị đón Giáng sinh. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự sâu sát của chính quyền địa phương, bà con nơi đây đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng đời sống ngày càng phát triển.

Tìm hỏi “thổ địa”, cán bộ địa phương cũng như bà con đều giới thiệu ông A Mai (57 tuổi) – Trưởng thôn Plei Trum Đăk Choah. Gặp chúng tôi, ông A Mai niềm nở bắt tay rồi ngồi trò chuyện, kể lại hành trình thôn Plei Trum Đăk Choah được như ngày hôm nay.

Năm 1983, khi đó ông A Mai là cậu thanh niên 16 tuổi, cùng ba mẹ đến thôn Plei Trum Đăk Choah lập nghiệp. Thời điểm ấy, cũng có nhiều hộ từ các làng khác đến đây khai hoang, mong muốn có một cuộc sống đủ ăn. Kể từ đó, thôn Plei Trum Đăk Choah được ra đời.

Đường làng, ngõ xóm ở thôn Plei Trum Đăk Choah luôn được giữ gìn sạch sẽ. Ảnh: VT

 

Trong ký ức của ông A Mai, Plei Trum Đăk Choah ngày đó chỉ là rừng rậm hoang vu, chỉ có hơn 20 hộ rải rác sinh sống, nỗ lực khai hoang để có khoảnh đất mưu sinh. Từng vườn lúa, vườn bắp xanh mướt mọc lên trong niềm hy vọng của dân làng. Đêm đến, cả nhà quây quần bên bếp lửa. Lửa ngày trước không chỉ đỏ mỗi khi khát nước, bụng sôi mà còn để sưởi ấm, thay ánh đèn thắp sáng về đêm. Plei Trum Đăk Choah lúc bấy giờ chưa có điện, đường đi, người dân phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề.

Trường học ngày trước cũng mượn tạm nhà dân, nhiều đứa trẻ có độ tuổi khác nhau học chung một lớp để xóa mù chữ. Ma chay, đám cưới vẫn tổ chức dài ngày, ăn uống tốn kém, nên cái nghèo bám riết nhiều gia đình.

Điểm trường học được quan tâm đầu tư. Ảnh: V.T

 

Cuộc sống khó khăn, lễ Giáng sinh ngày trước cũng được người dân tổ chức đơn giản. Những gia đình có điều kiện sẽ lặn lội đường xa đến nhà thờ ở thị xã Kon Tum (nay là thành phố Kon Tum) để dự lễ, còn những gia đình nghèo thì ngày lễ chỉ gói gọn trong mâm cơm cùng ít đồ rừng để dành trước đó.

Và rồi, khi được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống điện, đường, trường, đời sống dân làng Plei Trum Đăk Choah bắt đầu bước sang trang mới. Đường sá thuận thiện, giao thương phát triển. Cây công nghiệp lâu năm phủ xanh các đồi trọc, thay thế các diện tích cây bạc màu. Một số gia đình đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập. Những ngôi nhà 3 cứng được xây dựng 2 bên đường, thay thế những ngôi nhà ván, nhà tranh vách nứa.

Đời sống bắt đầu ổn định, người dân Plei Trum Đăk Choah không ngừng nỗ lực vươn lên. Để giúp bà con vươn lên, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đồng hành, triển khai các mô hình kinh tế mới, những cách làm hay nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nơi đây.

Trưởng thôn A Mai chia sẻ: Từ khi triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), bà con nơi đây càng có những thay đổi rõ nét hơn trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Ông A Mai kể, trước đây, bà con nơi đây có thói quen vứt rác bừa bãi, không giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm, nếu có cũng chỉ một vài hộ thực hiện. Từ khi thực hiện Cuộc vận động, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đổ rác tại các thùng chứa được bố trí trong thôn; thứ 7 hàng tuần sẽ tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; làm hàng rào, trồng cây xanh xung quanh khuôn viên nhà.

Cùng với đó, để chăn nuôi đạt hiệu quả, chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền bà con thay đổi thói quen chăn nuôi gia súc thả rông sang nuôi nhốt, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, tích trữ rơm, trồng cỏ voi cho trâu bò vào ăn mùa Đông hay những ngày bận rộn.

Anh A Sam Nhuệ (40 tuổi) cho biết: Nhà tôi có 5ha cao su, 2 sào cà phê nên rất bận rộn. Trước đây chúng tôi thường nuôi bò theo hình thức thả rông, bây giờ được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, tôi cũng như nhiều hộ gia đình đã làm chuông nhốt trâu, bò, lấy phân bón cho cây trồng; trồng cỏ, trữ rơm cho gia súc ăn.

Anh A Sam Nhuệ làm chuồng trại nuôi nhốt, tích trữ rơm và trồng cỏ cho bò. Ảnh: VT

 

Một trong những nội dung quan trọng của Cuộc vận động là giúp người dân thực hiện các mô hình kinh tế mới để tăng thu nhập. Hiện tại, thôn Plei Trum Đăk Choah đang triển khai một số mô hình như nuôi trùn quế, nuôi thỏ, trồng cây ăn quả đang được bà con thực hiện rất tốt.

Điển hình, anh A Linh (43 tuổi) là một nông dân trẻ, đi đầu trong việc chuyển đổi 1ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như sầu riêng, bưởi, mít Thái. Cùng với đó, anh còn thử sức với mô hình nuôi dê, nuôi thỏ và bước đầu mang lại kết quả như mong đợi.

Trưởng thôn A Mai tâm sự: Không chỉ A Linh mà trong thôn còn nhiều nông dân trẻ tích cực tham gia các mô hình, cách làm mới do chính quyền địa phương vận động. Ma chay, lễ cưới chỉ còn gói gọn trong một ngày; nhà cửa, đường làng, ngõ xóm luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Ông Phạm Ngọc Quang – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Ngô Mây cho biết: Thời gian qua, với những nỗ lực của người dân cùng sự quan tâm, đầu tư của Đảng với Nhà nước đời sống bà con thôn Plei Trum Đăk Choah ngày càng khởi sắc. Hiện tại, toàn thôn còn 10/149 hộ nghèo, cuộc sống đầy đủ, ấm no, bà con trong thôn chuẩn bị đón một mùa Giáng Sinh ấm áp, an lành. Trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục thực hiện sâu sát Cuộc vận động, phấn đấu xoá không còn hộ nghèo, xây dựng thôn đạt nông thôn mới.

Văn Tùng

Chuyên mục khác