Đổi thay ở xã Măng Cành

11/12/2022 06:05

Thời gian qua, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) đã tận dụng lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo ra sự đổi thay tích cực về bộ mặt kinh tế- xã hội của địa phương.

Xác định giao thông là một trong những khâu đột phá, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, xã Măng Cành vận động nhân dân tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, hệ thống giao thông trên địa bàn ngày càng được nâng cấp, mở rộng. Hàng loạt tuyến đường bê tông vào các làng, khu sản xuất được làm mới với sự hỗ trợ của Nhà nước và người dân góp công, hiến đất.

Ông A Nghị - Trưởng thôn Đăk Ne phấn khởi cho biết: Nhà nước hỗ trợ vật liệu, dân góp công tham gia làm đường giao thông. Nhờ vậy, thôn Đăk Ne có 3 con đường bê tông mới vào 2 khu sản xuất và khu dân cư. Có đường bê tông, người dân đi lại thuận lợi, sản xuất, lưu thông và bán nông sản được giá hơn.

Ông A Bring ở thôn Tu Ma có cuộc sống ổn định nhờ biết cách làm ăn. Ảnh: Q.Đ

 

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy, chính quyền xã Măng Cành đã lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực, khơi dậy nội lực trong nhân dân để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh trên địa bàn. Trong việc triển khai các mô hình sản xuất mới, địa phương chọn, tổ chức làm thí điểm trước để người dân thấy được hiệu quả kinh tế, học hỏi cách làm; từ đó tích cực tuyên truyền vận động người dân làm theo, tạo sự lan tỏa của các mô hình sản xuất hiệu quả.

Đơn cử như việc xã Măng Cành triển khai mô hình trồng bí Nhật (giống Kurimaru) cho 2 hộ dân ở thôn Kon Chênh và thôn Kon Tu Rằng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên qua 3 mùa vụ sản xuất, cây bí Nhật cho sản lượng cao và mang lại lợi nhuận kinh tế cho người dân. Mô hình trồng bí Nhật đã thu hút được 12 hộ dân ở các thôn khác tham gia. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã còn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Mặt khác, UBND xã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam bộ triển khai mô hình trồng cây lan kim tuyến dưới tán rừng trên diện tích 1 ha với sự tham gia của 20 hộ dân; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây giống cho 16 hộ dân trồng cây sâm dây và cây đương quy trên 10 ha.

UBND xã Măng Cành vận động hộ nghèo mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế; nhờ vậy nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Đơn cử như trường hợp ông A Bring (thôn Tu Ma) vay 40 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện (năm 2019) đầu tư trồng 1 ha cây cà phê, 2 sào cây bời lời, 2 sào lúa nước, nuôi 1 con trâu và 4 con heo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, mỗi năm ông A Bring có thu nhập gần 100 triệu đồng, có cuộc sống ổn định, thoát nghèo năm 2021.

Anh Nguyễn Bá Tiến thu hoạch rau rừng. Ảnh: QĐ 

 

Khác với ông A Bring là người địa phương, anh Nguyễn Bá Tiến từ Nghệ An vào thôn Kon Tu Rằng lập nghiệp năm 2020, lúc bấy giờ vốn liếng của anh chỉ có vài chục triệu đồng. Nhận thấy sản phẩm rau sạch có đầu ra tốt, anh Tiến vay vốn ngân hàng đầu tư hệ thống nước tưới tự động, triển khai trồng 3 ha rau rừng xen với các loại cây ăn quả. Với thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống của gia đình anh Tiến hiện đã ổn định, thoát nghèo cuối năm 2021.

Ông Mai Xuân Mậu- Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: Thời gian qua, toàn hệ thống chính trị của địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không bán đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng đầu cơ thu gom đất của dân. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất có hiệu quả trên diện tích đất canh tác nên trong năm 2022 không xảy ra thực trạng mua bán, sang nhượng đất như mấy năm trước.

Đặc biệt, thực hiện Cuộc vận động “Làm thay dổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhiều hộ gia đình biết sử dụng vốn có hiệu quả, chi tiêu hợp lý. Một số hộ sử dụng vốn vay từ ngân hàng chính sách xây dựng mô hình kinh tế, mở quán nhỏ bán các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu hàng ngày phục vụ bà con tại chỗ, có thêm thu nhập, sửa chữa nhà ở khang trang.

Một số hộ như A Lấu, A Óc, A Ben (thôn Kon Du) nuôi trâu bán cho thương lái để mua máy cày, máy cắt lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hay như trường hợp ông A Diêu (thôn Kon Tu Rằng) chuyển đổi từ đất trồng mì sang trồng dứa; hộ ông Đỗ Văn Cường (thôn Đăk Ne) chuyển sang trồng cây ăn quả, cây gỗ lấy thân. Có 25 hộ dân ở 3 thôn Măng Pành, Đăk Ne, Kon Du chuyển đổi 16 ha đất rẫy bạc màu sang trồng cây sơn tra, cây dổi xanh theo kế hoạch trồng rừng năm 2022 của xã. Đặc biệt đến nay, trên địa bàn xã có 90% hộ dân sử dụng máy cày ruộng, máy cắt lúa, máy tuốt lúa bằng động cơ, trong đó có cả hộ nghèo, cận nghèo.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, cấp ủy đảng và chính quyền xã Măng Cành còn phân công cấp ủy, cán bộ phụ trách thôn phối hợp với bí thư chi bộ, trưởng thôn, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ thường xuyên tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh quan tâm đến việc học tập của con em. Ngoài việc đến trường học tập, về nhà các em biết tự học, bổ túc kiến thức tại nhà. Nhờ vậy, hiện có nhiều phụ huynh quan tâm rất tốt đến việc học tập của con em, đặc biệt đã có 80 hộ gia đình làm góc học tập cho con em tại nhà.         

Quang Định

Chuyên mục khác