Đổi thay ở miền biên giới Ia H’Drai

01/05/2023 13:27

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; sự năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành của chính quyền; sự thống nhất, đồng lòng, phối hợp của hệ thống chính trị; sự chịu thương chịu khó của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn, quân và dân huyện Ia H’Drai đã cùng đoàn kết bắt tay xây dựng quê hương để có vóc dáng như ngày hôm nay.

Tôi về Ia H’Drai vào một ngày cuối tháng Tư và thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng đất nơi biên cương này.

Sự ngỡ ngàng của tôi cũng là một lẽ tất yếu. Bởi khi mới được thành lập (tháng 3/2015), với điểm xuất phát thấp, vùng biên giới huyện Ia H’Drai lúc đó chỉ là rừng cao su, khí hậu khắc nghiệt, hệ thống giao thông ngày mưa thì lầy lội, nắng nóng thì bụi mù trời; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thách thức, an ninh trật tự phức tạp.

Sự khởi đầu đầy gian nan ấy đã không làm nhụt ý chí các đồng chí lãnh đạo huyện, không làm nản lòng, chùn bước chân của những người đi xây dựng quê hương mới. Những người đã tình nguyện yêu thương, tình nguyện gắn bó với mảnh đất biên cương phía Tây của tỉnh đã từng ngày nỗ lực, đoàn kết nhất trí, đồng lòng góp sức dựng xây quê hương Ia H’Drai vượt qua gian khó, từng bước phát triển mọi mặt để dần hình thành dáng vóc một đô thị hiện đại ở miền biên cương đầy nắng, gió.

Trung tâm thương mại huyện Ia H’Drai đang được đầu tư xây dựng và sắp đưa vào sử dụng. Ảnh: D.Đ.N

 

Trong 8 năm qua, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương và của tỉnh; kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng; dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành của chính quyền, sự thống nhất, đồng lòng, phối hợp của cả hệ thống chính trị, sự chịu thương chịu khó của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn huyện đã cùng đoàn kết bắt tay xây dựng quê hương để có vóc dáng như ngày hôm nay.

Có thể thấy rằng, từ một vùng độc canh cây cao su với hơn 24.000ha cao su, đời sống nhân dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào cây cao su, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2015 chỉ đạt hơn 400 tỷ đồng, qua 8 năm xây dựng và phát triển, đến nay, sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Giá trị sản xuất năm 2022 đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 220% so với năm 2015; đã thành lập 16 hợp tác xã hoạt động kinh doanh đa ngành nghề.

Thu ngân sách địa phương năm 2022 đạt hơn 137 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người khoảng 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ sử dụng điện lưới quốc gia của người dân đạt 99%; tỷ lệ giảm nghèo bình quân 7-10%/năm. Cơ sở hạ tầng được ưu tiên đầu tư, hệ thống giao thông liên vùng (Quốc lộ 14C) được nhựa hóa, nối thông huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai); đường giao thông nội vùng được bê tông và cứng hóa đến 21/21 thôn, cụm dân cư; hạ tầng khu hành chính huyện và các trung tâm xã được đầu tư xây dựng khang trang, quy hoạch đồng bộ; các trường học từ bậc mầm non đến bậc trung học phổ thông được quan tâm đầu tư (hiện đang đầu tư thêm các trường, các bậc học tại Khu trung tâm hành chính huyện); hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, bệnh viện đa khoa khu vực đang xây dựng. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, huyện có 1/3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Ia Dom).

Trong sản xuất nông nghiệp, người dân mạnh dạn đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế để nuôi, trồng như nuôi bò, dê, cá chình bông, cá lăng; trồng các loại cây như sầu riêng, chuối, cà phê, mít, bưởi, cam và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Người dân huyện Ia H'Drai phát triển chăn nuôi. Ảnh: DĐN

 

Cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện cũng chú trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội thông qua việc xây dựng, củng cố quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Mối quan hệ hợp tác với các huyện Đun Mia và Tà Veng, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia luôn được tăng cường, củng cố, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai bên.

Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng. Tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đến nay, toàn Đảng bộ có 29 tổ chức cơ sở đảng, với 682 đảng viên, không còn thôn, làng chưa có tổ chức cơ sở đảng.

Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, phát triển; khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của huyện, tập trung thực hiện các đột phá về phát triển nông nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân; giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, quyết tâm xây dựng huyện Ia H’Drai ổn định, phát triển nhanh, bền vững và đạt chuẩn nông mới vào cuối nhiệm kỳ.    

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác