Đổi thay ở Kon Plông

04/09/2023 06:14

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, kinh tế-xã hội của huyện Kon Plông đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, các xã vùng sâu trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay khởi sắc.

Năm 1991, huyện Kon Plông thiếu thốn trăm bề, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, sản xuất chưa phát triển, chủ yếu là tự cung, tự cấp, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn.

Ông A Chiêu, 80 tuổi (thôn Cô Chắc, xã Măng Bút) kể lại: “Hồi đó, dân làng mình sống khổ lắm, ăn không đủ no, áo không đủ mặc. Hầu như nhà nào cũng thiếu gạo ăn từ 3-4 tháng, nhiều lúc gia đình hết gạo, phải nấu củ mì ăn thay cơm”.

“Không chỉ có vậy, đường xá đi lại rất khó khăn. Người già mù chữ, con trẻ ít có đứa được đi học. Người bệnh ít có thuốc để chữa trị. Điện chưa có, phải thắp sáng bằng bếp lửa hoặc đèn dầu. Đời sống cơ cực lắm!” - ông Chiêu bộc bạch.

Đường giao thông và điện lưới quốc gia giúp cho xã Ngọc Tem phát triển và đổi thay từng ngày. Ảnh: Q.Đ

 

Ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2002/NĐ-CP chia tách huyện Kon Plông thành 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy. Huyện Kon Plông chính thức được thành lập lại nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, đây có thể nói là “cột mốc lịch sử” để Kon Plông “tăng tốc phát triển”.

Qua 32 năm nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đến nay “diện mạo” của huyện Kon Plông có nhiều khởi sắc, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.

Bà Y Liên, 56 tuổi (thôn Vi Kơ Lơng, xã Hiếu) phấn khởi cho biết: “Đời sống vật chất và tinh thần của người dân hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Nhà nào cũng sắm được xe máy, ti vi, đủ ăn, đủ mặc, con cháu được học tập”.

Chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của các xã vùng sâu huyện Kon Plông, ông Đặng Quang Hà- Chủ tịch UBND huyện cho hay: Đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, đặc biệt là các tuyến đường giao thông trọng yếu như Quốc lộ 24, Tỉnh lộ 676, đường Trường Sơn Đông. Bên cạnh đó, nhiều công trình trọng điểm, công trình dân sinh được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đi được 2 mùa và trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá mạnh. Hệ thống cửa hàng thương mại có mặt ở hầu hết các xã, thôn. Mạng lưới phân phối hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán, tiêu dùng của nhân dân địa phương.

Làng Vi Kơ Lơng, xã Hiếu đã đổi thay đáng kể. Ảnh: QĐ

 

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội ở các xã vùng sâu có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất dạy và học được đầu tư đồng bộ; toàn huyện có 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, hiện có 13 trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Cơ sở vật chất y tế, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường. Đến nay có 9/9 xã, thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 9/9 trạm y tế xã có bác sĩ; 76/76 thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế, bảo đảm thực hiện tốt khám và chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,1%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 28,4%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. Thời gian qua, huyện đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được triển khai quyết liệt; tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm dưới 27,2%; trong đó xã Ngọc Tem giảm còn dưới 13%.

Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là đối với người có công với cách mạng, người nghèo vùng đồng bào DTTS. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,5%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đất ở đạt 100%; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS có đất sản xuất đạt 99,8%.   

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” triển khai có hiệu quả. Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư  xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; tỷ lệ xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt 77,8%; tỷ lệ thôn, làng, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa 82%. Các hoạt động văn hóa được huyện tổ chức thường xuyên, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS.         

Quang Định

Chuyên mục khác