Đổi thay ở Đăk Glei

01/11/2016 09:26

Những người có nhiều thời gian gắn bó với huyện Đăk Glei đều có chung nhận xét rằng, trải qua 41 năm xây dựng và phát triển (1/11/1975-1/11/2016), huyện Đăk Glei đã thay đổi khá nhiều, đặc biệt là ở các xã vùng sâu.

Tâm sự với chúng tôi, ông Sô Lây Tăng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, hồi mới giải phóng, còn chung tỉnh Gia Lai – Kon Tum, mỗi lần cử anh em đi công tác Đăk Glei là một lần khó. Từ Pleiku lên Đăk Glei khoảng 170km nhưng nhiều lúc phải mất 2-3 ngày mới tới nơi. Đường đi đã khó, lên đó công tác mấy ngày thì anh em bị sốt rét, phải chữa trị cả tuần mới khỏi. Vì vậy, nhắc đến chuyện đi công tác Đăk Glei thì ai cũng tỏ ra ngán ngẩm, sợ sệt.

Còn ông Đinh Thế Dơ – nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei là người gắn bó lâu năm với vùng đất đầy gian khó này kể với tôi rằng, khi mới thành lập huyện, các đồng chí lãnh đạo huyện thường xuyên phải đi công tác ở các xã. Thường là từ 5-7 ngày/chuyến công tác, để xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; tuyên truyền, vận động bà con tăng gia sản xuất để giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ. Vừa mới thoát khỏi chiến tranh nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, gian khổ...

Làm việc ở Kon Tum từ những năm đầu thập niên 1990, tôi cũng đã nhiều lần chứng kiến sự khổ ải mỗi lần đi công tác ở huyện Đăk Glei. Đường từ thị xã Kon Tum lên trung tâm huyện đã khó, đường từ huyện đi các xã lại càng khó khăn hơn. Mùa nắng thì bụi mịt mù, mùa mưa thì đường lầy lội. Chuyện anh em cùng nhau đẩy xe ô tô “vượt cạn” trên đường đi hay chống đói bằng mỳ tôm giữa đường xảy ra thường xuyên như cơm bữa.

Sau ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum (1991), Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện khó khăn, trong đó có Đăk Glei. Các tuyến đường Đăk Môn – Đăk Long, Đăk Man – Đăk Blô, Đăk Pét – Đăk Nhoong, đường từ xã Đăk Man đi các xã Đăk Choong - Mường Hoong - Ngọc Linh - Xốp, tuyến đường vành đai đi qua các xã biên giới Đăk Long – Đăk Nhoong – Đăk Blô được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa các vùng với nhau, làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Đường vào xã Xốp hôm nay. Ảnh: Quang Định

 

Cùng với đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho người dân như: điện thắp sáng, hệ thống hồ, đập và kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà rông, khu sinh hoạt văn hóa – thể thao... cũng được đầu tư xây dựng tại các xã khó khăn.

Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, tỉnh và huyện còn quan tâm đầu tư, hỗ trợ các xã vùng sâu phát triển sản xuất, giảm nghèo, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân xã Đăk Choong. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Thông qua các chương trình, dự án (135, 132, 133,167, 755, cao su tiểu điền, cà phê xứ lạnh, nguồn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, hỗ trợ cây và con giống cho hộ nghèo...), người dân đã được tiếp thêm sức mạnh, cố gắng lao động sản xuất, làm ra nhiều loại nông sản hàng hóa, phục vụ đời sống kinh tế gia đình và nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

41 năm qua, nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của huyện Đăk Glei đã thật sự khởi sắc. Đường từ trung tâm huyện lỵ đi các xã hầu hết đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Trụ sở làm việc của xã, trường học, trạm y tế, nhà rông, khu sinh hoạt văn hóa – thể thao được xây dựng khang trang. Điện lưới quốc gia kéo đến tận các thôn, làng, đến từng nhà dân. Hệ thống thông tin liên lạc, điện thoại, phát thanh và truyền hình phủ sóng trên 85% số thôn, làng và khu dân cư.

Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và ngày càng nâng cao. Theo báo cáo của UBND huyện, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của người dân 10 xã vùng sâu (trừ thị trấn Đăk Glei và xã Đăk Pét) ước đạt trên 20 triệu đồng (tính chung toàn huyện là 22,5 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đạt trên 98%; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 70%...

Hôm nay, nếu ai có dịp đi về các xã Đăk Môn, Đăk Kroong, Đăk Long, Đăk Nhoong, Đăk Man, Đăk Blô, Đăk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp đều dễ nhận thấy màu xanh của ruộng lúa, vườn cao su, cà phê, bời lời, cây ăn quả... xen lẫn với những ngôi nhà xây khang trang, sạch sẽ. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc hiện hữu trong từng gia đình, từng ngôi nhà…

Quang Định

Chuyên mục khác