Đói nghèo, trẻ em phải lao động sớm?

13/06/2018 13:05

​Đầu tháng 6 vừa qua, trong chuyến công tác về các xã vùng sâu, vùng xa, chúng tôi đã bắt gặp hình ảnh trẻ em lao động sớm trên những cánh đồng vụ mùa, nối dài từ các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông… Ở mỗi khoảng ruộng, chân rẫy đi qua, các em nhỏ đầu trần, chân đất vẫn hồn nhiên dùng đôi tay khẳng khiu, ì ạch khuân bao cây giống chuẩn bị gieo trồng; nơi khác có em cuốc đất, cày xới đồng ruộng cùng người lớn, giữa trưa hè nóng như đổ lửa.

Vô tư để trẻ em lao động sớm

Buổi sớm đầu tháng 6, trên con đường vào thôn 3, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) vắng bóng người ở nhà. Hầu hết bà con tập trung cho sản xuất vụ mùa. Cả nhà em Y Vân cũng thế, bố mẹ và em đã đi rẫy từ 6 giờ sáng.

Y Vân cho biết: Em đang chờ bố mẹ chở hom mì giống đổ ra rẫy để trồng cho kịp vụ sản xuất. Gia đình em có 3 người con, trừ anh trai năm nay đang học lớp 12 ôn thi tốt nghiệp được miễn đi rẫy. Em gái 2 tuổi gửi nhờ ông bà nội.  Riêng em (lớp 7) rảnh rỗi  đi cùng bố mẹ ra đây. Hồi hè lớp 5, em không khuân nổi một bao 50 kg hom mì giống, bố em đã đổ cây giống vào chiếc gùi người lớn. Sau đó, em gùi nó (hom mì giống) chuyển vào cho mẹ dăm xuống đất trồng. Sau này làm miết, em cũng quen,            

“Đừng chụp ảnh con mình, trẻ nhỏ ở làng còn nhiều đứa đi giúp việc sản xuất cho gia đình lắm. Bên kia kìa, mấy anh chị qua đó lấy hình đi…”, chị Y Lớ - mẹ của Vân cười gượng với khi chúng tôi có ý định chụp hình Y Vân đang lao động. Chị Lớ nói, vợ chồng đưa Vân đi lao động vì thiếu nhân công, chứ không hề biết em đang ở độ tuổi thiếu nhi lao động sớm là vi phạm pháp luật về sử dụng lao động trẻ em và vi phạm quyền trẻ em.

A Tiến ở xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) đi làm ruộng với bố và các em trong dịp nghỉ hè. Ảnh: M.T

 

Vào thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô), bên cạnh A Tiến đang phụ giúp bố làm cỏ, cuốc đất chuẩn bị gieo trồng lúa trên khoảng đất chừng 3 sào, có thêm 2 em trai nhỏ 2 và 8 tuổi ngồi bên lối đi bờ ruộng. Anh A Thiện - cha của A Tiến vẫn hồn nhiên nói: “Nghỉ hè mà, mấy đứa nhỏ không đi học, tôi để 3 đứa ở nhà không yên tâm nên đưa đi cùng. Ra đến ruộng, A Tiến phụ việc được lắm, từ sáng đến giờ (3h chiều – PV)  hai cha con dọn gần sạch cỏ ở ruộng của nhà. Sáng mai, 2 cha con sẽ cày đất cho tơi xốp chuẩn bị trồng cây lúa mới”.      

Anh Thiện chia sẻ, bản thân không biết Luật Trẻ em là gì, càng không biết việc đưa con trai học lớp 7 đi lao động sớm cả ngày như người lớn là vi phạm quyền trẻ em. Anh chỉ phân trần, gia đình vẫn còn nghèo, thuê lao động 150-200 ngàn đồng/ngày quá đắt so với tổng thu nhập của gia đình, nên vợ chồng kêu con trai giúp công việc sản xuất khi rảnh rỗi.

Đến trường hợp nhà A Trơn ở xã Đăk Tơ Kan (huyện Tu Mơ Rông) có 5 người con đang ở tuổi đi học phổ thông, thì 3 đứa 12-16 tuổi đã nghỉ học sớm ở nhà đi rẫy nhiều năm qua. A Trơn nói: Vợ chồng mình có 5 đứa con, nhưng nhà nghèo mọi người trong gia đình đều phải làm cùng nhau mới tiền đủ cho cái ăn, cái mặc.

Tuyên truyền, bảo vệ trẻ em còn hạn chế

Bên cạnh lý lẽ của các ông bố, bà mẹ viện dẫn đói nghèo, họ còn cho biết ít tiếp cận các thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trong đó, đặc biệt là Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 05/4/2016, có nội dung về quyền trẻ em được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động.

Ông Hoàng Xuân Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan cho biết, xã có 635 hộ (3.647 khẩu, trong đó trẻ em 1.500 em), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 59%. Trên địa bàn, nhiều bậc cha mẹ ở các thôn vin vào cớ nghèo, tận dụng sức lao động của trẻ em để tăng thu nhập cho gia đình. Nguy cơ trẻ em và người chưa thành niên tham gia lao động nhiều ở độ tuổi 15 đến 17, có gia đình sử dụng lao động trẻ em 10-14 tuổi.

Ông Thắng còn nhận xét, thông thường cha mẹ đưa các con đi làm sớm đều không biết hành động này là lạm dụng sức lao động của trẻ em. Gần như 100% gia đình các em chưa nhận thức được hành động trên là biểu hiện vi phạm Luật Trẻ em.  Sau khi cán bộ địa phương, giáo viên thấy học sinh vắng mặt không đi học, đến nhà tuyên truyền chính sách pháp luật cho phụ huynh, thì họ mới bắt đầu biết, tiếp nhận thông tin này.

“Đã vậy, mỗi khi bà con tập trung tham gia nghe phổ biến pháp luật, chỉ nêu câu hỏi quan tâm như việc làm, hỗ trợ chính sách hộ nghèo. Những quy định pháp luật khác như dành cho trẻ em thực hiện đăng ký hộ khẩu, về đất đai, an toàn giao thông… bà con ít chú tâm nghe, hoặc bỏ về khi cán bộ đang tuyên truyền” - ông Thắng nói. 

Còn ông Hoàng Nguyễn Hồng Hòa - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đăk Tô cho biết, hàng năm, đơn vị phối hợp, thực hiện lồng ghép với Phòng Tư pháp, các tổ chức đoàn thể địa phương thực hiện 4-5 đợt tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên, đối tượng tuyên truyền mới đến cán bộ và các chức danh khác ở cấp xã, tổ dân phố, thôn (làng).

Theo ông Hòa, để bảo vệ và chăm sóc tốt nhất cho trẻ em, hạn chế thấp nhất thực tế các em tham gia lao động sớm ở gia đình, thì công tác này không chỉ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngược lại phải của các cấp, các ngành và cả gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm đến các em, vì trách nhiệm đối với thế hệ tương lai.

Mai Trâm

Chuyên mục khác