Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ

14/10/2016 05:59

Để nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng, Trường Chính trị đặc biệt quan tâm cải thiện về phương pháp giảng dạy, coi trọng đối thoại giữa người dạy và người học; thường xuyên yêu cầu học viên phải nỗ lực tự học và chú trọng vào bài giảng.

Trò chuyện với phóng viên Báo Kon Tum nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường, Tiến sĩ Đặng Luận - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum chia sẻ: Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, viên chức nhà trường không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Những bước phát triển đáng tự hào...

Trong Phòng Truyền thống của nhà trường, Bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng Trường phát triển toàn diện” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum trao tặng tập thể cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Kon Tum nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường được treo trang trọng cùng nhiều phần thưởng cao quý của Chính phủ, Chủ tịch nước, các cấp trao tặng, như Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2011”, Huân chương Lao động hạng III…

Giới thiệu những danh hiệu, phần thưởng cao quý ấy, Tiến sĩ Đặng Luận tự hào: Đây vừa là bằng chứng ghi nhận những nỗ lực của tập thể nhà trường, nhưng cũng đồng thời là động lực để mỗi cán bộ, viên chức nhà trường hôm nay và mai sau nhìn vào đó tiếp tục phấn đấu vươn lên tiếp nối truyền thống...

Sau khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại, trên cơ sở chia tách Trường Đảng tỉnh Gia Lai - Kon Tum, ngày 14/10/1991, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kon Tum ban hành Quyết định thành lập Trường Đảng tỉnh Kon Tum.

Năm 1994, thực hiện Quyết định của Trung ương và của Tỉnh ủy, Trường Đảng tỉnh Kon Tum đổi tên thành Trường Chính trị tỉnh Kon Tum.

Những ngày đầu mới thành lập, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, từng bước xây dựng tổ chức bộ máy, chuẩn bị cho việc triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Tiến sĩ Đặng Luận - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum trao đổi nghiệp vụ với cán bộ, giảng viên nhà trường. Ảnh:T.Q

 

Theo Tiến sĩ Đặng Luận, thành tích đáng tự hào nhất mà nhà trường đã đạt được đó là nỗ lực hoàn thiện việc sắp xếp, cơ cấu bộ máy nhà trường. Thời gian đầu, nhà trường chỉ có 2 liên khoa và 1 phòng chức năng nhưng đến nay đã thành lập được 7 khoa, phòng, cơ bản đảm bảo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước phục vụ đào tạo chương trình chuyên viên, chuyên viên chính...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, viên chức cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Nếu như ngày đầu thành lập, tổng số cán bộ, giảng viên nhà trường chỉ vỏn vẹn 10 người thì đến nay đã tăng lên 38 người, trong đó có 25 giảng viên (1 giảng viên cao cấp, 7 giảng viên chính, 17 giảng viên). Trình độ cán bộ, viên chức được nâng lên: 2 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 18 đại học, 1 cao đẳng, 1 trung cấp (chuyên môn); về chính trị có 19 cao cấp, cử nhân và 2 trung cấp.

Từ chỗ đáp ứng nhu cầu học tập, số lượng và chất lượng học viên cũng từng bước được nâng lên: giai đoạn 1991-1995, đào tạo, bồi dưỡng được 974 học viên; giai đoạn 1996 - 2000, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng 72 lớp với 5.169 học viên; giai đoạn 2001 - 2005, đào tạo, bồi dưỡng 5.429 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; giai đoạn 2006-2010, đào tạo, bồi dưỡng 44 lớp với 5.525 học viên; giai đoạn 2011-2015, đào tạo, bồi dưỡng 64 lớp với 5.295 học viên.

Đa số học viên được đào tạo, bồi dưỡng đã vận dụng hiệu quả kiến thức được trang bị vào giải quyết nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày một phát triển.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy

Tiến sĩ Đặng Luận cho biết, mục tiêu quan trọng hàng đầu luôn được nhà trường xác định là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập nhằm góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, am hiểu sâu kiến thức về lý luận chính trị - hành chính và chuyên môn, nắm vững kỹ năng lãnh đạo, quản lý, có tư duy đổi mới với tầm nhìn rộng và có khả năng đoàn kết tập hợp lực lượng nhằm tổ chức thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của địa phương trên từng địa bàn.

Thực hiện mục tiêu đề ra và căn cứ khung nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường và đội ngũ giảng viên đã bám sát hướng dẫn, quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Đồng thời, ở từng nội dung chương trình, đội ngũ giảng viên truyền tải đến học viên một cách có hệ thống về tri thức lý luận và thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Mặt khác, trong quá trình đó còn coi trọng nhiệm vụ rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và hình thành phong cách cán bộ lãnh đạo, quản lý cho học viên.

Để nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng, Trường Chính trị đặc biệt quan tâm cải thiện về phương pháp giảng dạy, coi trọng đối thoại giữa người dạy và người học; thường xuyên yêu cầu học viên phải nỗ lực tự học và chú trọng vào bài giảng.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đặc biệt quan tâm cải thiện phương pháp giảng dạy. Ảnh: T.Q

 

Đội ngũ giảng viên của nhà trường từng bước áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực gắn với phương pháp truyền thống; sử dụng, phối hợp linh hoạt các phương pháp thuyết trình, phát vấn, xử lý tình huống… nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Việc tổ chức thao giảng, dự giờ được nhà trường quan tâm đúng mức.

Về quản lý đào tạo và bồi dưỡng, căn cứ điều kiện hoạt động đặc thù, nhà trường đã cụ thể hóa các quy chế, quy định của Trung ương, Học viện, của Tỉnh ủy thành các quy chế, quy định, hướng dẫn cụ thể góp phần quản lý chặt chẽ và khoa học về quá trình dạy và học.

Việc tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên được đổi mới từng bước theo hướng qua bài thi, kiểm tra phải đánh giá được kiến thức lý luận và thực tiễn của học viên, sự liên hệ, vận dụng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

Điển hình là, việc tổ chức hình thức viết tiểu luận cuối khóa của chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính đã giúp cho học viên biết phân tích, đánh giá, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, tổng kết thực tiễn và đề xuất các giải pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể thực tiễn đặt ra ở ngay cơ quan, địa phương, đơn vị.

Cùng với việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của trường được triển khai thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu cho các lớp bồi dưỡng; tổ chức Hội thảo về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; tham gia ý kiến đánh giá Chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị-Hành chính do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành năm 2009 và năm 2014; thành lập Hội đồng tư vấn nâng cao chất lượng dạy-học của trường…

Đặc biệt, năm 2015, trường có 4 đề tài khoa học cấp cơ sở do các Khoa thực hiện.

Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn giúp cho đội ngũ cán bộ, viên chức của trường tích lũy thêm nhiều kiến thức lý luận và thực tiễn; từ đó vận dụng có hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, rèn luyện và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhìn nhận và đánh giá những kết quả đạt được, Tiến sĩ Đặng Luận cho rằng: Trong điều kiện cơ sở vật chất của trường còn khó khăn, kinh phí hoạt động có hạn, giảng viên giảng dạy ở một số chuyên ngành còn thiếu thì kết quả đào tạo, bồi dưỡng đã đạt được là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà trường và tinh thần khắc phục khó khăn, ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện của học viên, nhất là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Với tôn chỉ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh ngày càng vững mạnh, có đủ sức, đủ tầm, đủ năng lực và uy tín lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; trong thời gian tới, Ban giám hiệu, tập thể cán bộ, giảng viên quyết tâm xây dựng Trường Chính trị tỉnh Kon Tum phát triển toàn diện theo hướng chuẩn hóa, đa dạng hóa và hiện đại hóa- Tiến sĩ Đặng Luận cho biết.

Giải pháp được Ban giám hiệu nhà trường xác định tập trung trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh việc tổ chức hội thảo khoa học, hoạt động nghiên cứu khoa học để tìm kiếm giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập; tăng cường phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III đào tạo Cao cấp Lý luận Chính trị - Hành chính và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở các lớp đại học chuyên ngành theo yêu cầu đào tạo cán bộ của địa phương.

Tú Quyên

Chuyên mục khác