Đổi mới giáo dục toàn diện và thực chất

23/09/2024 13:05

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành GD&ĐT cần được tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy hành trình đổi mới một cách toàn diện và thực chất.

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS (chiếm tỷ lệ hơn 54%), phát triển giáo dục  có vai trò, vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của địa phương.

Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp GD&ĐT, động viên nhân dân tham gia học tập.

Đặc biệt là từ sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đổi mới GDPT.

Trong những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ảnh: S.C

 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Chương trình 67-CTr/TU ngày 29/4/2020  thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 23/8/2016 về việc “Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai đoạn 2016- 2020”.

HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển GD&ĐT nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS nói riêng; đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới.

Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là sự cố gắng không ngừng của các thế hệ học sinh, GD&ĐT Kon Tum có những bước phát triển quan trọng.

Mạng lưới trường lớp từ cấp học mầm non, phổ thông đến chuyên nghiệp được củng cố, mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo của con em các DTTS trên địa bàn. 

Đến hết năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 349 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 133 trường mầm non, 82 trường tiểu học, 61 trường TH&THCS, 47 trường THCS, 25 trường THPT. Ngoài ra còn có 102 trung tâm học tập cộng đồng và 16 trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục ngoài công lập đang hoạt động.

Tỉnh ta đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học được chú trọng đầu tư. Ảnh: SC

 

Giáo dục phổ thông đổi mới theo chuyển hướng tích cực, từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao.

Năm học 2024-2025, tỉnh ta có hơn 170.000 học sinh ra lớp, tăng hơn 3.000 học sinh so với năm học 2023-2024. Trong đó, cấp mầm non có 40.058 trẻ em, cấp tiểu học có 65.092 học sinh, cấp THCS có 47.460 học sinh, cấp THPT có 17.504 học sinh.

Các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. Giáo dục nghề nghiệp đã phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì lĩnh vực GD&ĐT của tỉnh vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, vẫn còn tình trạng thiếu phòng học, nhiều phòng học đã xuống cấp, phải học nhờ, học tạm; thiếu nhà thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ; các chính sách đãi ngộ chưa đủ sức thu hút giáo viên lên công tác tại các địa bàn khó khăn.

Thực tế trên cho thấy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực GD&ĐT, từ mục tiêu giáo dục đến cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, phương pháp dạy và học.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị cần quán triệt tinh thần Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.

Quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; ưu tiên bố trí nguồn lực cho giáo dục trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội trong phát triển sự nghiệp GD&ĐT.

Ngành Giáo dục cần thúc đẩy đổi mới về mục tiêu giáo dục theo hướng chú trọng thực học, chống bệnh thành tích trong giáo dục. Đi cùng đó là đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng tăng cường cả tri thức, kỹ năng và phẩm chất của người học.

Ứng dụng mạnh mẽ các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, tăng cường tính tích cực, chủ động của người học; thúc đẩy tự học, tự nghiên cứu.

Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục gắn với thực hiện nghiêm kiểm định chất lượng giáo dục.

Sông Côn

Chuyên mục khác