Đổi mới giáo dục toàn diện, đi vào thực chất

21/10/2024 13:19

Là tỉnh có hơn 54% dân số là đồng bào DTTS, Kon Tum xác định phát triển giáo dục có vai trò, vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của địa phương. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Những đổi mới dưới mái trường

Buổi họp phụ huynh đầu năm học mới 2024-2025 của Trường THCS Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng (thành phố Kon Tum) khác với mọi năm. Các bậc phụ huynh đã không khỏi ngạc nhiên và xúc động khi nhận được bức thư do chính con mình tự tay nắn nót viết để gửi đến cha mẹ.

Ngạc nhiên và hồi hộp, là cảm xúc chung của các bậc phụ huynh khi mở bức thư của con được gấp cẩn thận trong chiếc bì thư được thiết kế xinh xắn. Nhiều phụ huynh không giấu được cảm xúc, rơm rớm những giọt nước mắt khi đọc những dòng chữ nắn nót, gửi bao tâm tình, bao yêu thương và bao điều muốn nói.

Không chỉ nhận được thư của các con, ngay tại buổi họp phụ huynh, các ông bố, bà mẹ cũng đã viết thư cho các con và đặt lại trên bàn, đúng vị trí của con ngồi học như một cách cùng trao gửi yêu thương.

Phụ huynh Trường Trung học cơ sở Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng chăm chú, xúc động khi đọc thư của con em mình. Ảnh: SN

 

Thầy Phạm Đức Phước- Hiệu trưởng Trường THCS Thực hành sư phạm Lý Tự Trọng chia sẻ, với sự phát triển của công nghệ, mọi việc đều có thể dễ dàng trao đổi qua các tin nhắn, cuộc gọi nên chuyện con cái viết thư cho bố mẹ, bố mẹ viết thư cho con cái ngày càng ít, thậm chí là hiếm hoi. Việc các em học sinh viết thư cho cha mẹ là món quà ý nghĩa, nói lên được tâm tư, tình cảm với bố mẹ, những “người thầy đầu tiên” của các em.

“Buổi họp phụ huynh đầu năm không phải để nói về các khoản thu hay là chuyện góp quỹ phụ huynh, mà đó là buổi gắn kết yêu thương, thấu hiểu của phụ huynh, của học sinh và nhà trường”- thầy Phạm Đức Phước nhấn mạnh.

Bước vào năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Ngụy Như Kon Tum (thành phố Kon Tum) ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chú trọng bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên vừa dạy giỏi, vừa thương yêu học sinh, vừa tâm huyết với nghề; quan tâm đổi mới, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy.

Cô Lê Thị Hồng Liên- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Ngụy Như Kon Tum, chia sẻ, trong năm học này trường tiếp tục phát huy tốt hơn nữa tất cả các hoạt động, tăng cường giáo dục tốt kĩ năng sống cho học sinh, đồng thời thực hiện mục tiêu dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống, tiếp tục đẩy mạnh triển khai dạy học STEM. Qua đó, hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho từng học sinh.

Năm học 2024-2025, huyện biên giới Đăk Glei có 30 trường với 524 lớp và hơn 14.600 học sinh. Trước khi bước vào năm học mới, các cán bộ, giáo viên đã xuống từng thôn, đi từng nhà để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của học sinh. Qua đó, đưa ra hướng tuyên truyền, vận động phù hợp để phụ huynh quan tâm, chuẩn bị đầy đủ về sách vở, đồ dùng học tập hơn cho các em có điều kiện đến trường.

Tại thành phố Kon Tum, ngành Giáo dục ưu tiên vận động các mạnh thường quân để trao tặng bộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho các em học sinh người DTTS có hoàn cảnh khó khăn.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum Thái Khắc Hòa chia sẻ, ngành đã chỉ đạo các trường rà soát từng học sinh của từng cấp học, sàng lọc những trường hợp hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, chủ động trong công tác vận động, quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn của từng đơn vị, tặng học bổng, tặng quà cho học sinh với số tiền gần 700 triệu đồng.

Khó có thể kể hết những đổi mới đang diễn ra tại các trường học. Những điều này cho thấy, chính quyền, nhà trường và gia đình đang nỗ lực, bảo đảm các em được sống và học tập trong những điều kiện tốt nhất

Để giáo dục đi vào thực chất

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm học 2024-2025 ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh  huy động hơn 170.000 học sinh ra lớp, tăng hơn 3.000 học sinh so với năm học 2023-2024. Trong đó cấp mầm non có 40.058 trẻ em, cấp tiểu học có 65.092 học sinh, cấp trung học cơ sở có 47.460 học sinh, cấp trung học phổ thông có 17.504 học sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc cho biết, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là đồng bào DTTS, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Ngụy Như Kon Tum hân hoan chào đón năm học mới. Ảnh: S.N

 

Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó có đầu tư trường, lớp học, các công trình phụ trợ bảo đảm lộ trình thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Để bảo đảm chất lượng dạy học đi vào thực chất, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho giáo viên, giáo viên chủ động, sẵn sàng thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đồng thời yêu cầu, các đơn vị giáo dục chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.  

Song Ngân

Chuyên mục khác