Đổi mới công tác giám sát và tiếp xúc cử tri

16/02/2018 09:36

​Năm 2017 là năm đánh dấu nhiều đổi mới trong công tác giám sát, tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh. Các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh cùng tiến hành tiếp xúc cử tri chung; Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh gộp các chuyên đề giám sát vào một đợt, tiến hành cùng một thời điểm ở một địa phương...

Tích hợp các chuyên đề vào một đợt giám sát

Trong năm 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát 2 chuyên đề: thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 và thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí A Pớt trao đổi với các cử tri địa phương. Ảnh: Q.Đ

 

Đoàn cũng đã thực hiện 2 đợt khảo sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở 1 xã, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn huyện Đăk Tô và khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trồng rừng, giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2016 trên địa bàn tỉnh.

Cũng trong năm 2017, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 đợt giám sát với 10 chuyên đề, riêng Thường trực HĐND tỉnh có 4 chuyên đề giám sát. Đồng chí Kring Ba - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho hay: Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát, giảm thiểu các cuộc làm việc với cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định tích hợp các chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh vào một đợt để giám sát cùng một địa phương, cùng một thời điểm.

Đồng tình với việc đổi mới trong công tác giám sát, bà Mai Thoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho rằng, việc tích hợp các chuyên đề giám sát đã tạo thuận lợi cho chính quyền cấp cơ sở; đặc biệt là giảm thời gian, kinh phí tổ chức các cuộc làm việc với Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh. Qua đó, lãnh đạo các cấp ở cơ sở có thời gian thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, quốc phòng ở địa phương.

Đồng chí Kring Ba trao đổi với cử tri huyện Kon Rẫy. Ảnh: Q.Đ

 

Theo đồng chí Kring Ba, trong quá trình giám sát tổng hợp các chuyên đề, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh phát huy tốt trách nhiệm, tìm hiểu kỹ vấn đề, đặt câu hỏi để làm rõ những nội dung giám sát. Qua giám sát, đã nắm bắt được thực tế những thuận lợi, khó khăn của các cơ quan, địa phương; từ đó, kiến nghị với các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho các địa phương để thực hiện có hiệu quả hơn đối với từng lĩnh vực được giám sát; đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Bên cạnh đó, khi phát hiện có vấn đề dư luận quan tâm, Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các Ban của HĐND tỉnh tổ chức giám sát, khảo sát trực tiếp để có kiến nghị, thông tin đầy đủ đến cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết kịp thời.

Về tận khu dân cư tiếp xúc cử tri

Đối với công tác tiếp xúc cử tri, trong năm 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam, Thường trực HĐND và UBND tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 3, thứ 4 tại 40 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp; động viên cử tri chấp hành pháp luật, nghị quyết của Quốc hội; thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh; tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và kiến nghị của cử tri với Trung ương, với tỉnh.

Cũng trong năm 2017, HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, thứ 5.

Đồng chí A Pớt tặng quà thanh niên tình nguyện tham gia Chiến dịch mùa hè xanh. Ảnh: Q.Đ

 

Các tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng chương trình tiếp xúc cử tri theo hướng chia tổ đại biểu HĐND tỉnh thành các nhóm đại biểu tiến hành tiếp xúc cử tri tại các thôn, làng nhằm thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri được nhiều, đầy đủ và kịp thời hơn; đồng thời, phân công cho đại biểu của tổ chủ động tìm hiểu, trao đổi với cử tri để nắm tình hình thực tế kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 3, thứ 4 của chính quyền, ngành chức năng các cấp, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để theo dõi, giám sát, lựa chọn những vấn đề đang được cử tri và nhân dân quan tâm để đăng ký chất vấn tại các kỳ họp.

Ông Nguyễn Văn Thanh (một cử tri ở tổ dân phố 3, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) cho rằng, việc các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng là một điểm mới so với các năm trước (tổ chức tại UBND các xã, phường, thị trấn nên chỉ có cán bộ xã, đại diện của thôn, tổ dân phố dự mà người dân chưa được mời tham dự). Hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa bàn khu dân cư được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ; bởi vì các đại biểu sẽ được lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, được nhân dân phản ánh những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội. Từ đó, các đại biểu có cách nhìn đúng, đầy đủ, hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế - xã hội, việc thực thi các chính sách, pháp luật, giúp cho các đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đáng chú ý là từ sau kỳ họp thứ 5 trở đi, đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh thực hiện kết hợp trong các đợt tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND tỉnh là cán bộ chủ chốt của tỉnh ngoài việc tiếp xúc cử tri tại địa bàn ứng cử, còn tiếp xúc cử tri tại một số địa bàn khác trong toàn tỉnh nhằm tăng cường công tác nắm tình hình ở cơ sở; đại biểu HĐND tỉnh báo cáo hoạt động định kỳ của mình với cử tri ở địa bàn ứng cử.

Đồng chí A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Tại các buổi tiếp xúc với cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị UBND các cấp, các sở, ngành liên quan của tỉnh tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; đồng thời thông báo, giải thích cho cử tri biết những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời. Đối với những vấn đề chưa trả lời trực tiếp cho cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp, phản ánh lên Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền, theo đúng quy định của pháp luật.

Quang Định

Chuyên mục khác