Đọc sách và lệch chuẩn

21/04/2019 17:04

Ngay trong những ngày hướng tới Ngày Sách Việt Nam năm nay, dư âm của những câu chuyện kém vui, lệch chuẩn đạo đức xã hội vẫn còn đâu đó. Không ít người cho rằng, hệ giá trị văn hóa và nhân cách con người đang chịu nhiều tác động, có phần tiêu cực và phần nào có mối quan hệ bắc cầu với thực trạng văn hóa đọc cũng đang giảm sút hiện nay.

Hàng loạt các vụ việc đã xảy ra, nếu chỉ nghe (không xem tận mắt những video clip, những hình ảnh thật) sẽ rất khó tin là sự thật. Nào là Dương Minh Tuyền với biệt danh “thánh chửi”, Ngô Bá Khá với biệt danh “Khá Bảnh” nổi lên trên mạng xã hội, được không ít bạn trẻ đến tận nhà xin chữ ký, chụp ảnh và đón tiếp như một “người hùng”. Nào là những vụ học sinh bị chính bạn bè của mình đánh đập, lột đồ trước sự chứng kiến, cổ vũ, quay phim để tung lên mạng xã hội của những người bạn khác ngay trong lớp học. Nào là các bài thuyết giảng, các clip “buôn thần bán thánh” của Phạm Thị Yến (phật tử Chùa Ba Vàng) được đông đảo người dân tin, nghe theo. Nào là chuyện Phúc XO trước khi bị bắt luôn xây dựng cho bản thân mình hình ảnh hào nhoáng, vàng đeo khắp người khiến không ít người thích thú, ao ước trong một thời gian dài…

Tại sao nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ có thể mù quáng tin, nghe theo và nồng nhiệt cổ xúy cho những hành động phản cảm, thậm chí là vi phạm pháp luật?

Tại sao nhiều người có thể dễ dàng nhầm lẫn về giá trị, dễ dàng tin, thậm chí tôn sùng vào những điều hư ảo đến mức phù phiếm như vậy?

Không thể võ đoán, quy chụp nhưng có lẽ cũng phần nào xuất phát từ việc ít đọc sách, thậm chí là không chịu đọc sách – một cách học văn hóa ứng xử trong xã hội, như cái gốc trang bị nhân cách.  

Cuộc sống ồn ào, gấp gáp và có phần thực dụng khiến các từ sang chảnh, giàu có lên ngôi và được ngưỡng mộ. Người ta vẫn khoe với nhau và ngưỡng mộ nhau về những chiếc điện thoại Vertu, iphone X, áo quần hàng hiệu, mỹ phẩm đắt tiền, xe ô tô đời mới… chứ chẳng mấy ai khoe sách, ngưỡng mộ nhau vì sở hữu nhiều sách và khả năng đọc sách.

Giới độc giả được coi tràn đầy tiềm năng – thế hệ trẻ, dường như ít mặn mà với sách. Trẻ nào mê sách được các bạn đùa vui là “cổ vật”. “Cổ vật” hay “hàng hiếm” đến mức có trẻ đã chia sẻ rằng, trong câu chuyện vui với bạn bè không nên đề cập một cuốn sách hay, một nhân vật mình yêu mến vì sẽ ít nhận được hưởng ứng và dễ trở nên lạc lõng.

Hình ảnh dễ bắt gặp ở các hàng quán, điểm công cộng là ai ai cũng cắm cúi với chiếc smartphone.  Phải lên “phây” đã. Và một người có thể sẵn sàng bỏ ra hàng tiếng đồng hồ cho “phây” nhưng lại không có thời gian để đọc một cuốn sách. 

Nhưng, từ “phây”, giới trẻ - dễ bị nổi loạn - cùng lúc tiếp cận nhiều hệ tư tưởng và giá trị sống khác nhau. Các em bị tác động mạnh mẽ đến tâm lý, dễ bị lôi cuốn vào các giá trị ảo, sống ảo trong đời thực, “vẽ” cho mình một cuộc sống hoàn toàn khác với bên ngoài. Các em dành nhiều thời gian “tút” một tấm ảnh cho thật đẹp để câu… like, chăm chút cho từng câu status (trạng thái) để thu hút người bình luận… nên ít có thời gian để đọc một cuốn sách là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, không gian, môi trường đọc sách cũng là điều trăn trở. Ở trường, học sinh chăm chăm học hết kiến thức trong sách giáo khoa, giáo trình mà ít được khuyến khích thói quen đọc sách hay hướng dẫn cách lựa chọn sách, cách đọc sách hiệu quả. Hết giờ học chính khóa, các em hết theo lớp học thêm này, đến lớp học thêm khác, về đến nhà chỉ muốn thư giãn, giải trí... Đã thế, các bậc phụ huynh, thậm chí cả những người vốn rất say mê đọc sách nhưng vì bận rộn công việc tự nhận “cơm áo không đùa với khách thơ” cũng chẳng mấy khi mua sách, đọc sách nên không tạo được môi trường, thói quen đọc sách cho con cái.

Khi nhiều người, đặc biệt lớp trẻ lười đọc sách, ngại đọc sách và phai nhạt tình yêu với sách thì lệch chuẩn, nhầm lẫn giá trị là hệ quả tất yếu!

Có một sự khác biệt giữa những người đọc sách và không đọc sách. Sách đề cao cái đẹp, nhân văn trong tâm hồn. Sách có trí khôn, có kinh nghiệm và cả đạo lý. Đọc sách giúp người ta bớt đi tuyệt vọng, buồn phiền, tăng thêm yêu thương khoan thứ. Đọc sách luôn đáng quý, như người xưa từng răn dạy: “Dưỡng tử giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc”, nghĩa là nuôi con phải biết dạy con đọc sách, vì trong sách có vàng ngọc.

Ngày hội đọc sách ở Trường Tiểu học Hùng Vương, thị trấn Sa Thầy. Ảnh: TN

 

Những người đọc sách luôn có cảm nhận tinh tế, thấm đẫm văn hóa. Và tất yếu, từ đọc sách, chúng ta, đặc biệt là lớp trẻ - những độc giả của hiện tại và nhân vật của tương lai - sẽ học được cách phân biệt đúng, sai, phân biệt được cái xấu, cái tốt, miễn nhiễm với những hành vi lệch chuẩn.

 Liễu Hạnh

 

Chuyên mục khác