Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

18/11/2022 13:08

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi sâu vào từng nếp nhà. Phát huy tinh thần trách nhiệm, mỗi người dân đồng lòng, góp sức, chung tay xây dựng thôn, làng ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hội trường tổ dân phố 8, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) rộng rãi, thoáng mát. Các sân bóng chuyền, bóng đá, khu vệ sinh được dọn dẹp sạch sẽ. Phía trước, dụng cụ thể dục, thể thao được bố trí gọn gàng, tạo điều kiện để người dân tham gia các hoạt động thể dục, nâng cao sức khỏe.

Giở quyển sổ ghi đầy đủ các hoạt động đóng góp của bà con nhân dân trong tổ, bà Trần Thị Oanh – Bí thư  Chi bộ tổ dân phố 8 phấn khởi cho biết, tổ dân phố khang trang, đẹp như ngày hôm nay chính nhờ vào sự đoàn kết, góp sức xây dựng của bà con. 

“Từ năm 2020 đến nay, bà con đã đóng góp xây dựng đường bê tông đi vào khu nghĩa trang, xây dựng khu vệ sinh tại hội trường tổ dân phố. Ngoài ra, một vài cá nhân trong tổ, đơn cử như anh Phạm Thanh Hoàn sẵn sàng hỗ trợ 610 triệu đồng giúp tổ dân phố xây dựng 2 tuyến đường bê tông, xây sân hội trường và đầu tư bộ dụng cụ thể dục công cộng. Đến nay, các tuyến đường trong tổ cơ bản đã được bê tông hóa. Khu dân cư ngày càng sạch đẹp, văn minh” – bà Oanh cho hay.

Tổ dân phố 8 khang trang, sạch đẹp. Ảnh: HT

 

Bên cạnh đó, để xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, người dân trong tổ tích cực dọn vệ sinh, trồng, chăm sóc các con đường hoa. Từ các con hẻm đến đường chính, hoa đậu, chiều tím… trồng hai bên đường được chăm sóc xanh tươi, mang lại không khí trong lành.

Bà Hoàng Thị Bé – người dân xóm 3 (tổ dân phố 8) phấn khởi cho biết: Được phát động, người dân tự chăm sóc hoa phía trước nhà mình ở. Do đó, hoa phát triển và rất đẹp. Người từ xa vào xóm, vào tổ, ai cũng trầm trồ khen ngợi con đường hoa đẹp, mát. Bà con rất vui và phấn khởi.

Đa số người dân trong tổ đều làm nông: cà phê, cao su. Mấy năm trở lại đây, trong tổ hiếm có trường hợp bị mất cà phê. 11 xóm trong tổ đều thành lập 11 tổ tự quản để nắm bắt tình hình, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, tổ còn thành lập 1 tổ dân phòng với 10 thành viên.

“Tất cả các thành viên trong các tổ tự quản, tổ dân phòng đều phát huy tinh thần trách nhiệm, đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhờ đó, an ninh trong tổ rất đảm bảo, ít xảy ra tình trạng trộm cắp vặt” – ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố 8 nhấn mạnh.

Tương tự, ở làng Kon Brắp Du, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi sâu vào từng nếp nhà.

Trưởng thôn Phạm Văn Đừng (dân tộc Hrê) nói rằng, nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, năng nổ trong việc làng mà làng đã được huyện chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

“Đến nay, làng thực hiện cơ bản đảm bảo 10 tiêu chí. Bà con đang cố gắng chung sức để cuối năm về đích” – thôn trưởng Phạm Văn Đừng chia sẻ.

Để xây dựng làng sạch đẹp, bà con trong mỗi khu dân cư ở làng đều tổ chức tổng dọn vệ sinh mỗi tháng 1 lần. Ngoài ra, bà con đều tích cực tham gia sửa chữa nhà rông, trồng cây xanh, sửa chữa cầu treo, thay cờ cổng chào...  Đặc biệt, vào mùa mưa, mỗi người một tay, nhà nhà tham gia nạo vét, sửa chữa, phát dọn kênh mương, nạo vét đập đầu mối nước sinh hoạt.

Người dân làng Kon Brắp Du chăm sóc, bảo vệ nhà rông của làng. Ảnh: HT

 

“Phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, đợt ảnh hưởng mưa bão vừa qua, 50 người dân đã tham gia giúp đỡ 4 hộ gia đình trong thôn sửa chữa và làm mới nhà ở. Bà con trong thôn cũng tích cực hiến đất, hoa màu để làm đường vào khu sản xuất, đường nội thôn. Nhìn chung, bà con yêu thương, chia sẻ và luôn giúp đỡ nhau trong đời sống hàng ngày”- chị Y Lêng, Trưởng ban công tác Mặt trận Kon Brắp Du cho hay. 

Không ỷ lại, trông chờ, những năm qua, qua các buổi họp, bà con trong làng tự động viên nhau áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả trong lao động. Ngoài chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc trồng trọt, chăn nuôi, người dân trong làng còn xây dựng 6 tổ đổi công trợ giúp nhau phát triển kinh tế.

Trưởng thôn Phạm Văn Đừng phấn khởi cho biết, việc vần công đổi công vừa giúp người dân phát huy tinh thần đoàn kết, vừa giúp người dân tiết kiệm được chi phí sản xuất. Đặc biệt, trong những vụ mùa: cà phê, gặt lúa, thu hoạch mì... nhiều nơi thiếu nhân công, nhưng ở làng, bà con vẫn đủ công để thực hiện, giúp nhau trồng, thu hoạch đúng mùa vụ.

Hỗ trợ nhau trong sản xuất, đến nay trong làng giảm còn 24 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. “Hiện nay, bà con đã mạnh dạn tham gia các mô hình liên kết sản xuất: trồng rau sạch, cải tạo vườn tạp, trồng mắc ca xen cà phê... Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ nghèo cùng tham gia các mô hình để có thêm cơ hội thoát nghèo” – anh Đừng cho hay.

Tùy vào tình hình thực tế, mỗi khu dân cư sẽ có cách triển khai thực hiện khác nhau. Tuy vậy, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đi vào thực tiễn. Qua đó, đã huy động được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng khu dân cư, địa phương ngày càng phát triển.  

Hoài Tiến

Chuyên mục khác