“Đoạn kết” của… khẩu trang

09/06/2021 13:04

“Đoạn kết” của một chiếc khẩu trang y tế sẽ là gì? Câu trả lời tất nhiên rất đơn giản: Vứt bỏ. Nhưng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, ngay cả việc vứt bỏ nó cũng có nhiều điều đáng bàn.

Trong những ngày gần đây, người dân xóm tôi hăng hái hưởng ứng tinh thần tự nguyện chống dịch bằng thực hiện thông điệp 5K.

Quán bún của bà Hạnh đầu xóm vẫn đỏ lửa mỗi sáng, nhưng thay vì bày bàn ghế ra đón khách, bà chỉ bán đem về. “Thông cảm nhé, ít ngày nữa, khi tình hình ổn thì sẽ bán tại chỗ”- bà vừa lúi húi soạn “đồ nghề” vừa nói.

Những buổi chiều muộn, mấy bà, mấy chị không còn tụ tập dưới gốc si nhãn già đầu xóm để “tám chuyện” nữa. “Tạm dừng ít hôm cho an toàn”- họ nói vậy. Không chỉ thế, ai cũng nhắc nhở thành viên trong gia đình hạn chế đi lại, không “ra phố” nếu chỉ để “dạo chơi”. Hầu hết nhu cầu đều được mua sắm online.

Đặc biệt, từ người già đến trẻ em, mỗi khi ra khỏi nhà đều mang khẩu trang. Ngay cả vài ba cậu thanh niên ngổ ngáo ở cuối hẻm, mấy ngày đầu còn “làm ngơ”, sau cũng thấy ngại với mọi người nên tự giác đeo khẩu trang.

Khẩu trang y tế sau khi sử dụng bị vứt bừa bãi ven đường... Ảnh: HL

 

Tất nhiên, đây không phải là hiện tượng mới, vì nó đã có từ khi dịch bệnh xuất hiện. Nhưng trước đây, thỉnh thoảng còn thấy người không đeo khẩu trang chạy ra đường, và khẩu trang y tế mới được khuyến cáo sử dụng. Nhưng đến đợt dịch này, với diễn biến phức tạp, khó lường hơn, lây lan mạnh hơn, cùng với quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang, thì hầu như không còn thấy hình ảnh đó nữa.

Tuy nhiên, sau ít ngày, tôi phát hiện một tình trạng “không đẹp”: Khẩu trang y tế vứt vương vãi nhiều nơi trong xóm. Và trong túi rác của mỗi gia đình, tôi đều thấy có khẩu trang y tế.

Người người đeo khẩu trang khi ra đường thực sự là một hình ảnh đẹp, đúng chủ trương chống dịch. Đáng tiếc là chuyện gì cũng có hai mặt.

Mặt tích cực của khẩu trang y tế, không cần phải bàn cãi, như một lớp chắn khá hiệu quả đối với vi rút. Mặt trái của khẩu trang y tế là việc xử lý không đúng cách sau sử dụng, gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng và có hại cho môi trường.

Chưa có số liệu thống kê về lượng khẩu trang mỗi ngày được thải ra trên địa bàn tỉnh là bao nhiêu, nhưng chỉ nhìn ở một xóm tôi sẽ thấy. Nếu tính bình quân mỗi ngày, một gia đình thải ra ít nhất 1 chiếc khẩu trang y tế, thì với 17 gia đình, ít nhất mỗi ngày riêng xóm tôi thải ra ít nhất 17 khẩu trang. Trong hơn một tháng qua (nếu tính từ ngày 3/5, khi UBND tỉnh chỉ đạo bắt buộc đeo khẩu trang đến nay), có gần 570 chiếc khẩu trang được dùng.

Xin nhắc lại, đây là mức tạm tính ít nhất 1 khẩu trang/ngày/hộ gia đình. Trên thực tế, mức sử dụng chắc chắn là nhiều hơn.

... thậm chí treo trên cây. Ảnh: H.L

 

Nói rộng ra, từ phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum cho đến cả tỉnh với nửa triệu người, lượng khẩu trang được vứt bỏ sau khi sử dụng sẽ lớn vô cùng. Và cách xử lý khẩu trang sau sử dụng ở các nơi khác có lẽ không khác nhau nhiều. Đều là hoặc bỏ bì rác gia đình rồi đem ra thùng rác công cộng, hoặc bạ đâu bỏ đó.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo. Khẩu trang y tế dễ mua, sử dụng tiện lợi, nhưng nếu bị vứt bừa bãi sau khi sử dụng có thể gây hại sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Trước hết, khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Khuyến cáo của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trong môi trường tự nhiên, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn bởi làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Và loại nhựa này có thể đến vài trăm năm mới có thể phân hủy.

Nguy hiểm hơn, trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, những chiếc khẩu trang bị vứt bên đường hoàn toàn có thể là một nguồn lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Các loại khẩu trang y tế hiện nay không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn, nấm. Sau khi dùng một lần và bỏ đi, những khẩu trang thải này lại là nơi phát sinh nguồn bệnh, vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang, dễ phát tán trong không khí, khiến cho mọi người đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Và có một đối tượng rất dễ bị tổn hại bởi hành vi xử lý khẩu trang y tế đã sử dụng sai cách. Đó chính là những công nhân môi trường đô thị.

Lâu nay, tôi vẫn quen bỏ khẩu trang y tế đã dùng vào túi rác, chung với các loại rác hữu cơ khác, sau đó đem bỏ vào thùng rác công cộng. Và tôi đinh ninh rằng, mình đã làm đúng. Một số người không như vậy, họ vứt khẩu trang ngay dưới chân thùng rác.

...và bên thùng rác. Ảnh: H.L

 

Cho tới gần đây, tình cờ nhìn thấy chị công nhân môi trường đang loay hoay gom khẩu trang y tế vứt vương vãi vào một túi nilon riêng rồi buộc chặt lại. “Tôi rất lo lắng khi phải gom khẩu trang vứt vương vãi như thế này, nguy hiểm lắm đấy, nhưng nhiệm vụ thì vẫn phải làm”- chị phàn nàn.

Tốt nhất là cho vào bì rác rồi buộc kín lại, chị nhỉ? Tôi ướm hỏi, tay giơ bì rác nhà mình lên, ý muốn khoe. Chị thở dài: Như vậy cũng không ổn anh ơi. Vì anh bỏ chung với các loại rác hữu cơ khác, như vậy vẫn phải phân loại rác, nghĩa là còn nguy cơ phát tán dịch bệnh. Tốt nhất là phân loại và có túi đựng riêng.

Kể từ hôm đó, tôi không bỏ khẩu trang y tế đã sử dụng chung với các loại rác khác nữa, mà bỏ riêng một túi. Đồng thời vận động các gia đình trong xóm cùng thực hiện.

Khẩu trang đã dùng cho người nhiễm bệnh và lực lượng y tế được một số nước xếp vào loại rác thải y tế độc hại, phải được đốt bỏ chứ không đưa ra bãi rác.

Ở nước ta, Chính phủ đã có quy định về quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu thu gom và xử lý rác thải y tế, gồm khẩu trang. Nhưng chưa có một quy trình riêng biệt để thu gom rác thải là khẩu trang y tế qua sử dụng cùng chế tài xử lý người vi phạm. Khẩu trang vẫn đang được trộn lẫn trong các thùng rác mỗi ngày. Nguy hại hơn, một số đối tượng đã thu gom khẩu trang dùng rồi, tái chế qua loa rồi bán lại.

Đối với tỉnh ta, ngày 22/5, UBND tỉnh có văn bản số 1645/UBND-NNTN yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường phối hợp xử lý chất thải y tế phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng cũng chưa có hướng dẫn xử lý khẩu trang y tế qua sử dụng đúng cách.

Khi viết bài này, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với một số bạn trẻ. Điều đáng nói là, hầu hết đều cho rằng, chỉ cần bỏ khẩu trang y tế đã qua sử dụng vào thùng rác là ổn; rất ít bạn đề nghị phân loại, cho vào thùng đựng chất thải có nắp đậy kín nhằm góp phần đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch và bảo vệ môi trường.

Điều này cho thấy, đã đến lúc cần tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định, bên cạnh quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Đồng thời ban hành quy trình xử lý khẩu trang y tế sau sử dụng nghiêm ngặt như mọi loại rác thải y tế; rà soát, bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín tại nơi công cộng. Tuyên truyền người dân không lạm dụng khẩu trang y tế, mà có thể sử dụng khẩu trang vải trong cuộc sống thường ngày.

Có như vậy, những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng mới có “đoạn kết đúng quy trình”, thay vì bị vứt bên đường và vô tình phát tán mầm bệnh.         

Hồng Lam

Chuyên mục khác