Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Góp ý Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

27/10/2021 06:36

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV họp đợt 1 từ ngày 20-30/10/2021, theo phương thức trực tuyến từ đầu cầu truyền hình tại Nhà Quốc hội đến điểm cầu của 62 đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước. Trong quá trình diễn ra Kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có những ý kiến góp ý quan trọng, thể hiện ý chí và nguyện vọng của cử tri tỉnh đến với Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội U Huấn - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm có 222 danh mục; trong đó, các nội dung cơ bản đã được đồng chí hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề về chủ quyền biển, đảo, biên giới, cắm mốc được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Vì vậy, đồng chí đề nghị, nên có các chỉ tiêu về số lượng đảo (kể cả đảo chìm và đảo nổi), số lượng mốc giới được cắm để cử tri biết. Bởi chỉ tiêu thống kê, ngoài phục vụ các nhiệm vụ chung của đất nước, còn có nhiệm vụ rất quan trọng là phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của các bộ, ngành, địa phương, của lãnh đạo, do đó, cần có những số liệu cụ thể để trong quá trình công tác lãnh đạo, chỉ đạo có sự thống nhất.

Về Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia trong nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mục 98, mã số 0807 về diện tích rừng trồng mới tập trung. Trong khi đó, nhóm bảo vệ môi trường tại mục 2001 và mục 2002 cũng có liên quan tới vấn đề rừng. Vì vậy, đồng chí U Huấn đề nghị, nếu được chuyển nhóm của mã số 0807 về diện tích rừng trồng mới tập trung vào nhóm bảo vệ môi trường là hợp lý. Bởi vì, giữa diện tích rừng hiện có và phát sinh trồng rừng mới, hoặc thiệt hại về rừng là cơ sở để xác định được tỷ lệ độ che phủ rừng thuộc nhóm bảo vệ môi trường. Ví dụ, năm 2021, diện tích rừng hiện có cả nước khoảng mấy triệu hecta và tương ứng với nó là tỷ lệ độ che phủ rừng khoảng bao nhiêu phần trăm, thì tới năm 2022, chúng ta trồng mới được khoảng 1 triệu hecta rừng nữa, thì tổng diện tích rừng hiện có sẽ nâng lên, theo đó, tỷ lệ độ che phủ rừng sẽ tăng lên bao nhiêu. Như vậy, chỉ tiêu này nên ở chung một nhóm thì sẽ phù hợp hơn.

Các ĐBQH tỉnh tham dự Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: T.V.P

 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước-Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Qua nghiên cứu nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đồng chí thống nhất với việc cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi những quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự để bảo đảm cho việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTP và giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Đồng thời, thống nhất với bố cục nội dung cơ bản của dự thảo Luật với 7 điều, đó là sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khác có liên quan, hiệu lực thi hành. Tại Khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh, tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã, lực lượng Công an cả nước, cơ bản đã bố trí xong 100 % số xã có công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Do đó, đối với việc đảm bảo được lực lượng Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh công an xã thì đã đủ điều kiện chuẩn hóa Công an xã là Công an chính quy, nên việc bổ sung những nội dung đối với Công an xã để quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho lực lượng này là rất cần thiết.

Đối với các điều khác của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước góp ý, đối với các quy định liên quan đến bổ sung cơ sở pháp lý để giải quyết vụ án, vụ việc ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh, thì thực hiện đúng các quy định này trong thực tế, tránh lợi dụng việc quy định để thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng trong quá trình ban hành văn bản cần quy định chi tiết, cần xây dựng hệ thống điều kiện, quy trình, thủ tục áp dụng chặt chẽ, phù hợp hơn để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sai phạm trong áp dụng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước còn góp ý đối với Điều 12 của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013. Cụ thể, trong Điều 12 này có quy định các hành vi bị cấm, bao gồm: Lợi dụng thiên tai và hoạt động phòng chống thiên tai, gây phương hại đến độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc phòng, an ninh và lợi ích khác của quốc gia, gây mất trật tự xã hội, xâm hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng và thực hiện các hoạt động trái pháp luật khác, nhưng chưa được cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, đây là cơ sở để cơ quan chức năng vận dụng trong quá trình ban hành quy định chi tiết thực hiện đối với nội dung sửa đổi này. Ngoài ra, tại Điều 8 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, thì những hành vi bị nghiêm cấm chưa có quy định về hành vi lợi dụng bệnh truyền nhiễm và hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm gây phương hại đến độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia khác. Vì vậy, đây cũng một vấn đề cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu để đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi trên trong thời gian tới.

Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi bổ sung thêm về chỉ tiêu tỷ lệ người DTTS tham gia vào quản lý giáo dục không chỉ riêng nữ giới mà kể cả nam giới.   

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác