14/09/2020 06:01
Nhiều lần đi qua cầu Kon Braih thuộc xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy xung quanh chân cầu này có rất nhiều xe ô tô chở đất từ đâu đến đổ vào đây khối lượng đất lớn, làm thay đổi hiện trạng đất, phá vỡ quy hoạch trung tâm huyện lỵ, mất tính thẩm mỹ và có nguy cơ đất tràn xuống bờ sông trong mùa mưa.
Qua tìm hiểu, anh N.V.M - một người dân địa phương xã Đăk Ruồng - cho biết: “Người ta đổ đất xung quanh chân cầu này đã gần 2 năm nay rồi, mỗi bữa mỗi ít, nên giờ nó to thành đống lên đến cả ngàn mét khối. Chúng tôi là người dân nên không biết luật rõ lắm, nhưng làm như thế này thì mất mỹ quan của trung tâm huyện quá. Hơn nữa, do chưa kè chắn, nên mấy bữa nay trời mưa đất chảy xuống lòng sông nhiều lắm, làm đỏ ngầu và đục một đoạn ven bờ sông”.
Còn anh T.V.T (xã Đăk Ruồng) sinh sống dọc Quốc lộ 24 đoạn đi qua trung tâm huyện Kon Rẫy rất bức xúc: “Mỗi khi nhìn những chiếc xe ô tô chở đầy đất đổ xung quanh chân cầu Kon Braih làm phá vỡ hiện trạng đất trung tâm huyện lỵ, chúng tôi rất lo ngại. Ở đâu xa thì không nói, còn ở đây nằm một bên Quốc lộ 24, cách UBND huyện và UBND xã Đăk Ruồng chưa đầy 500m mà xe đổ đất ngày đêm ầm ầm như thế, nhưng không có cơ quan chức năng nào đến làm việc, can ngăn”.
|
Tiếp nhận ý kiến của cử tri từ phóng viên, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Việc người dân đổ đất xung quanh chân cầu Kon Braih là sai quy định của pháp luật. Trong đó, hộ bà Phạm Thị Tuyến (trú tại xã Đăk Ruồng) đã có hành vi đổ đất thải, san lấp mặt bằng với khối lượng khoảng 980 m3 gần cầu Kon Braih được các ngành chức năng của huyện phát hiện, xử lý.
UBND huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo, tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, của xã để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, khai thác khoáng sản trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm ngay từ đầu đối với tổ chức, cá nhân thực hiện dự án chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, khoáng sản đã đi vào khai thác.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra, các ngành chức năng của huyện Kon Rẫy đã phát hiện và xử lý 6 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản trên địa bàn xã Đăk Ruồng, chủ yếu là khu vực gần cầu Kon Braih, với tổng số tiền xử phạt 14 triệu đồng. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý sử dụng đất, khoáng sản có hiệu quả; không để xảy ra tình trạng sử dụng đất, khai thác khoáng sản trái phép tái diễn, góp phần đưa công tác quản lý về đất đai, khoáng sản trên địa bàn huyện từng bước đi vào nề nếp, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai và Luật Khoáng sản, ông Nguyễn Văn Thủy cho rằng: UBND huyện vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như việc khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó thuộc trường hợp không phải đề nghị cấp giấy phép, không phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh và không thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn huyện, qua hoạt động thi công, san gạt mặt bằng xây nhà trong diện tích đất ở của cá nhân, hộ gia đình có phát sinh nguồn vật liệu dư thừa, nếu không quản lý, cung cấp phục vụ cho các công trình, dự án khác sẽ lãng phí. Trong lúc đó, Luật Khoáng sản không quy định trường hợp sản phẩm dư thừa thì giải quyết như thế nào, nên khó khăn trong công tác quản lý trên địa bàn.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản, đất đai, trong thời gian tới, UBND huyện Kon Rẫy kiến nghị cấp có thẩm quyền giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, để thực hiện tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt; UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực giáp ranh giữa các xã, các huyện; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, rà soát lại kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện, đưa diện tích quy hoạch các mỏ khoáng sản vào trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để thực hiện thủ tục cho thuê đất, giao đất cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Vĩnh Hà