Điều ước trong Ngày hạnh phúc

21/03/2022 06:14

Nếu có một điều ước, cháu mong ba thay đổi, mẹ không phải khóc mỗi ngày vì bị ba mắng chửi nữa- một cô bé đã nói với tôi như vậy trong Ngày hạnh phúc.

Nơi tôi ở là một xóm nhỏ, với vài chục nóc nhà. Cư dân trong xóm có công chức, công an, bộ đội, giáo viên, buôn bán, nhưng chủ yếu là nông dân.

Khi tôi dọn về xóm, ngay tối đầu tiên đã chứng kiến một vụ bạo lực gia đình. Không biết vì lý do gì, mà anh chồng mắng chửi vợ con rất ghê gớm. Trong khi chị vợ chỉ ngồi khóc.

Lần chửi mắng này kéo dài gần hết buổi chiều. Tôi rất ngạc nhiên, và bất bình khi những gia đình khác tỏ ra dửng dưng trước cảnh ấy.

Nhưng rất nhanh sau đó, tôi hiểu ra, và không thể trách họ. Khi tôi, vì không chịu nổi, đã sang nhà can ngăn, thì hứng chịu những câu chửi thô lỗ, tục tằn của anh chồng. Chị vợ thì năn nỉ tôi rời đi bằng được.

“Đó là chuyện cơm bữa. Ban đầu mọi người cũng có can ngăn, nhưng rồi thôi, vì không ai muốn “rước vạ vào thân”- một hàng xóm cho tôi hay.

Lâu dần thì tôi hiểu rõ hoàn cảnh nhà chị hơn. Chị L. suốt ngày đầu tắt mặt tối đi làm, lo cho con cái, trong khi anh chồng hay la cà, nhậu nhẹt. Cứ uống say về là mắng chửi vợ con; nhiều hôm không cho ăn, không cho ngủ, thức ăn đem đổ hết, quần áo đem vứt đi, thậm chí đuổi ra khỏi nhà.

Tôi đề xuất báo chính quyền xử lý. Mấy chị lắc đầu: Anh ta không đánh vợ con, như vậy là không phải bạo lực gia đình. Chị vợ cũng không phản ánh, tố cáo gì, căn cứ vào đâu để xử lý?

Trong suy nghĩ của hầu hết người dân hiền lành, chất phác xóm tôi, không dùng vũ lực thì không phải bạo lực gia đình. Dù tôi đã cố gắng giải thích rằng, có một thứ bạo lực gia đình khác, ngoài đấm đá, đánh đập, đó là bạo lực tinh thần.

Đó là dạng bạo lực sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân, kiểm soát hoạt động của nạn nhân… Nó để lại hậu quả nặng nề, kéo dài, gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân như trầm cảm và sang chấn tâm lý.

Có số ít người biết, nhưng không quan tâm, phần vì “không muốn dính vào chuyện của nhà khác”, phần vì bận bịu mưu sinh.

Con gái chị L. thì khác. Năm nay cháu học lớp 11. Và như bất cứ một trẻ vị thành niên nào, cháu sử dụng thành thạo internet, thích dùng mạng xã hội. Và cháu biết mẹ cháu bị bạo hành tinh thần.

Sáng nay, cô bé vội đi học, nhưng xe bị xẹp lốp. Tôi đề nghị chở cháu xuống trường, xe để lại tiệm, trưa về lấy. Cô bé nhận lời.

Trên xe, tôi nhắc cô bé nên dậy sớm hơn để kiểm tra mọi thứ trước khi đến trường. “Chỉ là để chủ động trước mọi tình huống thôi”- tôi cười.

Nhưng cô bé lại bật khóc: Ba cháu không bao giờ nhắc cháu như vậy. Ba gia trưởng, nóng tính và độc đoán. Tưởng khi các cháu lớn rồi, ba sẽ thay đổi, vậy mà vẫn thường mắng chửi mẹ, nói lời khó nghe, chuyện bé xé ra to, kiếm chuyện để mắng chửi. Mẹ chỉ biết khóc. Mỗi lần như vậy, hàng xóm nghe hết khiến chị em cháu rất xấu hổ.

Hôm nay là Ngày Quốc tế hạnh phúc, cháu biết vậy. Nếu có một điều ước, cháu  ước mẹ không phải khóc vì bị ba chửi nữa- cô bé nói.

Yêu thương và chia sẻ sẽ đem lại hạnh phúc. Ảnh: HL

 

Theo “sách vở”, Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 được Liên Hợp Quốc công bố tháng 6/2012, lấy ý tưởng từ Bhutan, nước được đánh giá có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi tường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

Đến nay đã có 193 nước thành viên Liên hợp quốc cam kết ủng hộ Ngày Quốc tế hạnh phúc bằng những hành động cụ thể. Và nước ta, từ ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”.

Năm nay, Ngày Quốc tế hạnh phúc có chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ” nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn truyền thống của gia đình Việt Nam; triển khai các hành động cụ thể, góp phần xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; chia sẻ, giúp đỡ nhau trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, hướng tới vì hạnh phúc và thịnh vượng chung của toàn xã hội.

Có thể, cô bé sẽ không hiểu hết những khái niệm trên, nhưng lại hiểu rất rõ chỉ hạnh phúc nếu mọi người yêu thương nhau. Cô bé kể về một người bạn có ba trông xe ở siêu thị. Nhà bạn nghèo, nhưng cô bé rất thích đến chơi, vì mọi người đều cười vui vẻ khi bên nhau.

Cháu có thể thấy, mẹ bạn ấy chưa bao giờ phải khóc vì bị ba bạn ấy chửi mắng cả. Cháu phải làm sao để ba thay đổi? Cháu muốn mẹ không phải khóc nữa- cô bé chia sẻ.

Còn chú? Nếu có một một điều ước vào ngày hôm nay, chú sẽ ước gì? Bất chợt cô bé chăm chú nhìn tôi, và hỏi.

Chú à? Đúng là một câu hỏi khó. Tôi cười xòa. Có nhiều khi, điều ước là thứ viển vông, như một phép “thắng lợi tinh thần”. Nhưng tôi không muốn như vậy. Tôi muốn điều ước nên là mục tiêu để chúng ta nỗ lực.

Chú từng ước, và luôn nguyện ước cho những ngày dài phía trước an lành, tốt đẹp nhất cho chú, và cho tất cả chúng ta. Hôm nay, nếu có một điều ước, chú ước chúng ta sẽ luôn dũng cảm mở rộng vòng tay yêu thương và sẻ chia hơn nữa. Để ít nhất, mẹ cháu không còn phải khóc vì bị chửi mắng nữa.

Có một điều tôi không thể tiết lộ với cô bé rằng, giống như đã nói ở trên, điều ước nên là mục tiêu để thực hiện. Tôi có kế hoạch vận động mọi người trong xóm chung tay giải quyết, hay đúng hơn là ngăn chặn tình trạng bạo hành ở gia đình cô.

Một mặt, chúng tôi sẽ kiên trì vận động, giải thích cho anh chồng hiểu rằng anh đang làm những việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức; thậm chí có “biện pháp mạnh”, nếu cần.

Mặt khác, động viên, giúp đỡ để chị L. và các cháu có thêm niềm tin, không cam chịu, dám đấu tranh ngăn chặn các hành vi bạo hành.

Như chính chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” của Ngày Quốc tế hạnh phúc năm nay vậy.

Hồng Lam

Chuyên mục khác