Diệt lăng quăng/bọ gậy: Đừng hô khẩu hiệu

24/08/2020 13:03

Trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, việc vệ sinh môi trường thường xuyên, tiêu diệt và không để lăng quăng/bọ gậy sinh sôi, phát triển được xem là giải pháp hữu hiệu. “Không có lăng quăng/ bọ gậy - không có sốt xuất huyết” - thông điệp phòng, chống sốt xuất huyết này của ngành Y tế dường như ai cũng thuộc, nhưng việc thực hiện lại không hề dễ dàng.

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong cả nước, dịch bệnh bạch hầu cũng chưa lắng thì hiện nay, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh lại đang có những diễn biến đáng lo ngại. Theo ngành Y tế, năm nay không phải là chu kỳ của sốt xuất huyết, nhưng tính đến ngày 19/8, toàn tỉnh đã có 738 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue với 158 ổ dịch tại 8 huyện, thành phố. Đặc biệt, số lượng ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong tháng 7 và tháng 8 này với tổng cộng 586 ca bệnh (từ ngày 1/7 -19/8).

Trước tình hình sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc điều tra, giám sát và xử lý ổ dịch. Các biện pháp điều trị bệnh nhân, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành của ngành Y tế chỉ là giải pháp tình thế, mang lại hiệu quả trước mắt. Còn về lâu dài thì diệt lăng quăng/bọ gậy mới được coi là giải pháp bền vững và hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết. Mà giải pháp này đòi hỏi sự chung tay và nêu cao ý thức của người dân. Chính vì thế, ngành Y tế luôn đưa ra khuyến cáo “không có lăng quăng/bọ gậy – không có sốt xuất huyết”.

Tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy trong cộng đồng, một biện pháp đơn giản, dễ thực hiện nhằm không cho lăng quăng/bọ gậy phát triển thành muỗi trưởng thành để virut phát tán thành dịch bệnh. Hằng ngày, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu treo khắp nơi cũng liên tục nhắc nhở người dân, cộng đồng đẩy mạnh triển khai biện pháp này. Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực tế xem ra vẫn còn là một khoảng cách khá xa.

Người dân dọn vệ sinh môi trường để phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: T.H

 

Việc các ca mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh, ngoài yếu tố khách quan là do thời tiết nắng mưa đan xen, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển thì nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ sốt xuất huyết bùng phát thành dịch là do yếu tố chủ quan của người dân khi các biện pháp phòng chống chưa được thực hiện có hiệu quả. Phương châm “không có lăng quăng/bọ gậy – không có sốt xuất huyết” dường như vẫn chỉ là khẩu hiệu suông, thậm chí nhiều địa phương vẫn “khoán trắng” công tác phòng, chống sốt xuất huyết cho ngành Y tế.

Không chỉ người dân thờ ơ với việc phòng chống sốt xuất huyết, chính quyền, đoàn thể nhiều nơi cũng chỉ coi đây như một phong trào, phát động chiến dịch dọn vệ sinh môi trường một cách hình thức. Có những địa phương huy động đủ ban ngành, đoàn thể tham gia chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường, thế nhưng, các đại biểu này chỉ đến dự lễ ra quân rồi về, không trực tiếp đến từng nhà, từng thôn, làng để tuyên truyền, hướng dẫn bà con phòng chống sốt xuất huyết, làm vệ sinh môi trường. Thế nên mới có tình trạng, địa phương báo cáo rằng liên tục ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy từ 1 - 2 lần /tuần, nhưng khi đoàn kiểm tra đến tận nơi thì thấy cây cối vẫn um tùm, mương máng vẫn ứ đọng đầy nước thải, rác thải vẫn ngập tràn.

Rồi tình trạng ra quân dọn vệ sinh môi trường theo kiểu “được chăng hay chớ”. Khi nào có dịch thì làm, không có thì thôi; khi nào phát động thì thực hiện còn sau đó lại “vẫn đâu đóng đó”; mạnh nơi nào nơi đấy làm mà thiếu tình đồng bộ, liên tục. Thậm chí, nhiều hộ gia đình chỉ chú ý dọn dẹp vệ sinh trong nhà mình, nhưng lại không quan tâm đến môi trường xung quanh. Họ coi đó là trách nhiệm của tổ xung kích hay lực lượng và ngành chức năng…

Công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết chỉ thực sự hiệu quả khi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm của người dân. Thông điệp “không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết” sẽ không thể mang lại kết quả nếu những chiến dịch vẫn cứ tiếp tục triển khai rầm rộ rồi bỏ đó, sốt xuất huyết không thể được ngăn chặn nếu chỉ treo băng rôn, khẩu hiệu và “hô hào suông”…

Thùy Hương

Chuyên mục khác