Điểm tựa lòng dân ở Sa Loong - Bài 2: Sa Loong ngày mới

18/09/2023 06:07

Sau trận mưa dài ngày, chúng tôi đón ánh nắng nơi xã vùng biên Sa Loong. Những ngôi nhà mái Thái nhấp nhô xanh đỏ, những vườn cây công nghiệp trải dài khắp triền đồi, bà con nơi đây tất bật ngược xuôi chuyện rẫy vườn. Đời sống người dân Sa Loong ngày càng ổn định và phát triển. Bởi ngoài cấp ủy, chính quyền địa phương, nơi đây có sự sâu sát, quan tâm của những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế.

Giữ yên giấc ngủ dân làng

Sau vụ việc nhóm đối tượng dùng vũ khí tấn công trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk xảy ra vào rạng sáng 11/6/2023, bà con xã Sa Loong có phần lo lắng, bởi nhiều năm về trước, cuộc sống dân làng nơi đây từng bị xáo trộn vì tà đạo Hà Mòn.

Bà Y Tin – Bí thư Chi bộ thôn Giăng Lố II cho biết: Hơn chục năm về trước, ở thôn Giăng Lố II có 18 hộ dân lầm đường đi theo tà đạo Hà Mòn, tụ tập tụng kinh cầu nguyện để mong được sung sướng, không phải lao động vẫn có tiền, ốm đau không chữa trị cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ. Tà đạo Hà Mòn như luồng gió độc chia rẽ tình cảm vợ chồng, anh em, làng xóm, làm cho văn hóa truyền thống bị mai một, ruộng rẫy bị bỏ hoang, cuộc sống bần cùng, đói nghèo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp.

Đồn Biên phòng Sa Loong phân công đảng viên tham gia sinh hoạt tại 6 chi bộ thôn trên địa bàn xã Sa Loong để sâu sát đời sống người dân. Ảnh: VT

 

Thời điểm đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phải ngày đêm phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong và các lực lượng khác đến tận ngõ, gõ tận cửa từng gia đình vận động, tuyên truyền người dân. Đến ban ngày không gặp thì đến ban đêm, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Sa Loong miệt mài, kiên trì chỉ rõ những luận điệu lừa bịp, vô căn cứ, sai trái của tà đạo Hà Mòn. Mưa dầm thấm lâu, những người dân theo tà đạo đã thức tỉnh, trở lại cuộc sống thường ngày trong sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự sâu sát, tận tình giúp đỡ của bộ đội Đồn Biên phòng Sa Loong.

Và cũng chính sự sâu sát, tận tình ấy nên khi tỉnh Đăk Lăk xuất hiện vụ việc gây mất an ninh trật tự, dù người dân có phần lo lắng nhưng nhanh chóng được trấn an bởi những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng ngày đêm chắc tay súng để người dân có được giấc ngủ trọn vẹn.

Bà Y Tin nhớ lại, cách đây không lâu nhận được tin báo từ quần chúng có nhóm người lạ đến địa bàn vào lúc 11 giờ đêm, không chần chừ bà liền gọi điện thoại cho Thiếu tá Đinh Minh Đức cùng Trung úy Lê Văn Hồng là 2 cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Sa Loong sinh hoạt tại Chi bộ thôn Giăng Lố II.

Trời mưa đêm rả rích, trong tích tắc Thiếu tá Đức cùng Trung úy Hồng và lực lượng Công an đã có mặt tại địa điểm mà người lạ đang trú, khẩn trương xác minh lai lịch. Qua tìm hiểu, được biết nhóm người kia là người thân của một gia đình trong thôn, sinh sống tại địa phương khác đến chơi và ở lại qua đêm.

Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Loong cho biết: Đồn Biên phòng Sa Loong đã phân công 10 đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại 6 chi bộ thôn trên địa bàn xã Sa Loong để thường xuyên sâu sát, nắm bắt tình hình an ninh trật tự địa phương và vùng biên. Từ đó, mối quan hệ giữa đồn Biên phòng và người dân thêm thắt chặt, người dân trở thành “mắt xích” quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự nơi vùng biên.

Hằng năm, Đồn Biên phòng Sa Loong phối hợp với lực lượng công an, dân quân tổ chức 4 đợt với hơn 750 lượt người dân trên địa bàn xã tham gia tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên. Người dân đã thường xuyên cung cấp các nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự biên giới, tài nguyên môi trường để Bộ đội Biên phòng nắm bắt, phối hợp với các đơn vị khác xử lý, giải quyết.

Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Sa Loong còn vận động được 18 hộ/6 thôn ký kết, nhận quản lý 17,8km đường biên và 2 cột mốc chính, 11 cột mốc phụ. 6 thôn đã thành lập 6 tổ tự quản bảo vệ an ninh trật tự đồng thời đăng ký cam kết không tham gia các hoạt động vượt biên trái phép, không buôn lậu, không vận chuyển, mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, không theo, không tuyên truyền đạo trái pháp luật… Từ đó góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, tình hình an ninh trật tự nơi vùng biên Sa Loong luôn được giữ vững.

Dân vận khéo giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nhìn ruộng lúa nước xanh mướt, hứa hẹn một mùa vụ bội thu, ông A Liên (63 tuổi, thôn Giăng Lố I) vẫn luôn biết ơn những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong đã tận tâm giúp ông thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng lúa để phát triển kinh tế.

Ông A Liên tâm sự: Theo cách canh tác lạc hậu của ông bà, nhiều năm trước tôi vẫn duy trì trồng lúa theo phương thức chọc tỉa. Nhà tôi có 4 sào, trồng lúa chọc tỉa nếu chăm sóc tốt lắm thì được khoảng 15 bao. Năm 2021, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã đến thôn làm công tác dân vận, “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc lúa nước.

Những ngày đầu thực hiện cách trồng mới, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã đến trực tiếp ruộng lúa, không ngần ngại xắn ống quần, tay áo trực tiếp hướng dẫn cách trồng. Các chiến sĩ điều khiển máy cày bừa, cùng người dân gieo mạ, bón phân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong hướng dẫn gia đình ông A Liên trồng, chăm sóc lúa nước. Ảnh: V.T

 

Vụ lúa nước đầu tiên vươn lên xanh mướt trong niềm hy vọng của gia đình ông A Liên, trước sự trầm trồ của dân làng. Kết thúc mùa vụ, gia đình ông A Liên thu được 40 bao lúa, gấp gần 3 lần so với trước đây.

Ông A Liên thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng lúa đem lại hiệu quả cao giúp nhiều bà con DTTS thôn Giăng Lố I cũng từ bỏ cách trồng lúa chọc tỉa sang trồng lúa nước. Hơn 40 hộ dân đã trồng lúa nước 2 vụ với hơn 20ha. Bà con giờ đây đã nâng cao thu nhập từ việc trồng lúa hơn trước rất nhiều.

Ngoài việc giúp bà con thay đổi trong trồng lúa, cán bộ, đảng viên Đồn Biên phòng Sa Loong còn giúp người dân thay đổi trong chăn nuôi. Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Loong cho biết: Trước kia, bà con DTTS nơi đây có thói quen chăn nuôi thả rông, nên hiệu quả không cao. Chính vì thể, để thay đổi thói quen của bà con, Đồn đã lựa chọn 2 hộ nghèo cần cù, chịu khó ở 2 thôn khác nhau để hỗ trợ heo giống làm mô hình điểm. Đồn đã hỗ trợ các hộ được lựa chọn heo giống, vật liệu; đồng thời hướng dẫn cách làm chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc.

Là một trong hai hộ được nhận hỗ trợ, chị Y Ba (thôn Đăk Vang) cho biết: Sau khi được Đồn Biên phòng hỗ trợ heo, gia đình tôi còn được hỗ trợ gạch, cát, xi măng… và được hướng dẫn cách làm chuồng, nuôi heo đúng cách. Từ 2 con heo giống ban đầu, chúng đã sinh sản rất nhiều, gia đình tôi có bán vài con, hiện tại còn 6 con. Nhiều hàng xóm thấy nhà tôi làm chuồng nuôi heo cũng học tập làm theo, giờ đây bà con không còn nuôi thả rông như trước.

Như lời chị Y Ba, hiện tại ở xã Sa Loong, hơn 90% số hộ chăn nuôi heo, bò đã làm chuồng trại. Bà con đã biết tận dụng phân chuồng bón cho cây trồng, đồng thời biết trồng cỏ voi cho trâu, bò ăn vào những ngày bận rộn hay mưa, rét.

Không chỉ giúp bà con thay đổi trong trồng trọt, chăn nuôi, trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong đã phối hợp với UBND xã, Trạm Y tế xã Sa Loong tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.300 lượt người bệnh với tổng giá trị hơn 47 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người có uy tín trên địa bàn với số tiền gần 35 triệu đồng; phối hợp với địa phương tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh tại 6 thôn, hỗ trợ tiền mặt và quà trị giá trên 50 triệu đồng; đóng góp hơn 1.800 ngày công cùng với người dân địa phương sửa chữa và làm mới hơn 5 “nhà tình nghĩa”, đào đắp, nạo vét hơn 7,5 km hệ thống kênh mương tưới tiêu, làm mới hơn 10 km đường giao thông liên thôn, phòng và chữa cháy hàng chục héc ta rừng.

Ông Nguyễn Thành Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong khẳng định: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong đã đóng góp rất nhiều trong việc đẩy lùi, xóa bỏ tà đạo Hà Mòn; thay đổi tập quán lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân. Từ đó góp sức cùng chính quyền địa phương đưa xã Sa Loong về đích nông thôn mới vào năm 2022.

Vùng biên Sa Loong hôm nay rộn rã âm thanh nhịp sống mới. Để có được nhịp sống ấy là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tận tụy của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong giúp đỡ người dân vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.              

Văn Tùng

Chuyên mục khác