Điểm tựa lòng dân ở Sa Loong - Bài 1: “Nắn tròn” con chữ cho đồng bào DTTS nơi vùng biên

17/09/2023 13:07

“Trước khi qua bài 42 - Lúa nếp lúa tẻ, chúng ta cùng ôn lại bài 41. Tất cả đọc theo tôi” - giọng nói trầm ấm của “thầy giáo” quân hàm xanh, Thiếu tá Phạm Huy Thắng vang ra từ lớp học xóa mù chữ do UBND xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) triển khai tại thôn Đăk Vang. “Học sinh” là những người mẹ, người bà không biết chữ hoặc từng học nhưng đã quên.

Khi người lính làm “thầy giáo”

5 giờ chiều, sau khi hoàn thành nhiệm vụ công việc chuyên môn, Thiếu tá Phạm Huy Thắng – cán bộ tăng cường xã của Đồn Biên phòng Sa Loong tranh thủ tập thể dục, nấu ăn để chuẩn bị vào làng… “gieo chữ”.

Lớp học xóa mù chữ được UBND xã Sa Loong triển khai tại thôn Đăk Vang từ tháng 4 – 12/2023, nhằm thực hiện kế hoạch của UBND huyện Ngọc Hồi về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 – 2025.

Để lớp học xóa mù chữ được thực hiện có hiệu quả, UBND xã Sa Loong đã phối hợp với Đồn Biên phòng Sa Loong bố trí phân công 5 cán bộ phụ trách đội vận động quần chúng của Đồn cùng với Trung tâm Học tập cộng đồng và Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xã giảng dạy tại lớp. Thiếu tá Phạm Huy Thắng là 1 trong 5 thầy giáo quân hàm xanh trực tiếp đứng lớp.

Những thầy giáo mang quân hàm xanh tận tình dạy chữ. Ảnh: V.T

 

Theo lịch giảng dạy, hôm nay Thiếu tá Thắng đứng lớp cùng Đại úy Nguyễn Văn Phước – Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sa Loong. Ăn cơm xong, uống vội ngụm chè xanh, anh Thắng đèo tôi, còn anh Phước theo sau đến lớp học cho kịp giờ.

Trên đường đi, Thiếu tá Phạm Huy Thắng kể: Gọi là lớp học nhưng thực chất là tận dụng lại phòng học trường mầm non cũ, cán bộ, chiến sĩ trong Đồn phối hợp với UBND xã xin bàn học cũ từ các trường trên địa bàn, cùng chung tay quét dọn tạo thành phòng học khang trang.

Khi phòng học sẵn sàng, các chiến sĩ Biên phòng tiếp tục phối hợp với địa phương đến tận ngõ, gõ tận cửa các gia đình, tiến hành rà soát những người dân chưa biết chữ và vận động được 29 người độ tuổi từ 37 – 69 tuổi tham gia lớp học.

Những ngày đầu đứng lớp, nét ngượng ngùng hiện rõ trên nét mặt những “thầy giáo” chỉ quen cầm súng, quen đi tuần tra biên giới, giờ đây tay cầm phấn tận tình dạy chữ cho những người đáng tuổi chị, tuổi mẹ mình. Để học viên cởi mở, hứng thú với việc học, các “thầy giáo” phải luôn gần gũi, cầm tay nắn chữ, ca hát để không khí lớp học luôn vui vẻ, hòa đồng.

Thiếu tá Phạm Huy Thắng tâm sự: Xã mở lớp xóa mù chữ chúng tôi rất vui mừng vì đây là cơ hội để các chị, các mẹ từng trải qua cuộc sống khốn khó nên không được đi học tiếp cận với con chữ. Chúng tôi được giao nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn là dạy chữ cho những “học sinh” mà đôi tay chỉ quen cầm cuốc.

Học chữ ở tuổi… làm mẹ, làm bà

Không trống, không chuông, không có bất cứ một thông báo nào nhưng chưa đến 7 giờ tối, lớp học đã đông đủ, rộn ràng tiếng nói cười. “Không phải nghe có phóng viên đến mà họ đi học sớm và đông đủ thế đâu, mà gần 5 tháng qua, trừ những ngày mưa lớn, lớp học đều gần như kín chỗ” -  Thiếu tá Thắng cho hay.

Là học viên lớn tuổi nhất lớp, bà Y Đối (69 tuổi) hằng ngày đều đặn cùng đứa cháu nội vừa học hết lớp 1 miệt mài đến lớp. Bà kể: Chiều nào cũng vậy, sau khi lo xong cơm nước cho mấy đứa con, đứa cháu ở nhà, tôi lại đến lớp học để tìm con chữ.

Ngày xưa cuộc sống nghèo khó, quanh năm chỉ quanh quẩn với núi rừng, nên dù rất khao khát được đến trường, nhưng theo thời gian, khoảng cách giữa con chữ và bà Y Đối càng xa hơn. Đến tận bây giờ, khi có cơ hội được học, bà không ngần ngại về tuổi tác vẫn cần mẫn đến lớp học từng đêm.

“Học chữ khó hơn cuốc đất, nhưng được các thầy tận tình chỉ dẫn, cầm tay nắn chữ, cùng với sự hỗ trợ của cháu nội, tôi đã viết được bảng chữ cái. Có điều mắt tôi hơi mờ, mỗi khi thầy viết những câu dài, tôi phải nhờ đứa cháu viết vào vở sau đó tôi học viết theo” – bà Y Đối chia sẻ.

Bà Y Đối hằng ngày cùng cháu nội miệt mài đến lớp. Ảnh: VT

 

Cũng mắt kém như bà Y Đối, ngày nào đến lớp, bà Y Bấc cũng mang theo chiếc đèn pin, phần soi cho dễ thấy đường đi, phần để chiếu sáng nhìn cho rõ con chữ khi tập viết. Cùng phải thôi, trải qua hơn 50 mùa rẫy, nếp nhăn xuất hiện nhiều, đôi mắt cùng mờ dần theo nắng sương, bàn tay chai sạn chỉ quen cầm cuốc giờ đây bỡ ngỡ viết những nét chữ nguệch ngoạc.

Bà Y Đối tâm sự: Biết tin xã mở lớp dạy chữ, tôi mừng lắm, nhưng cũng hơi ngại. Sau đó, nghe thông báo các chú bộ đội làm thầy giáo, tôi đăng ký học ngay bởi các chú gần gũi, tận tình với bà con lắm. Sau nhiều tháng học, tôi đã thuộc được bảng chữ cái, viết được những nét chữ tròn trịa, ngay hàng thẳng lối trên từng ô vở.

Thiếu tá Phạm Huy Thắng cho biết: Các học viên đi học sẽ được hỗ trợ sách, vở, bút viết, phấn, bảng. Sau khi hoàn thành khóa học mỗi học viên sẽ được hỗ trợ 500 nghìn đồng. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng là động lực, động viên bà con cố gắng tham gia lớp học đầy đủ để biết đọc, biết viết. Làm gương cho những học viên khác sẽ tham gia học chữ tại các lớp học về sau.

“Nắn tròn” con chữ cho học sinh vùng biên

Không chỉ “đóng vai” thầy giáo quân hàm xanh, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong còn là người “cha nuôi” của những em học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn.

Được hôm xong việc sớm, những “người cha” quân hàm xanh rủ nhau lên thăm “con nuôi” Y Ngọc Hân ở thôn Đăk Vang. Y Ngọc Hân mồ côi mẹ từ nhỏ, bố mắc bệnh thần kinh nên chỉ biết nương tựa vào bà nội già yếu.

Thấy các chú bộ đội đến chơi, Y Ngọc Hân vội ra mở cửa. Cô bé không ngần ngại chạy đến ôm rồi mời các chú vào nhà uống nước. Tôi ngồi nghe “cha con” họ tâm sự, thân mật, gần gũi mà ngỡ đây là tình cha con ruột thịt.

Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Loong cho biết: Qua rà soát, nắm bắt được hoàn cảnh của Y Ngọc Hân, Đồn Biên phòng Sa Loong đã nhận em làm con nuôi theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” vào năm 2019. Làm con nuôi của các chú bộ đội, Y Ngọc Hân được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng cùng dụng cụ học tập, xe đạp để thuận tiện đến trường.

Từ ngày trở thành “con nuôi” của các chú bộ đội, Y Ngọc Hân có cuộc sống đầy đủ hơn. Cô bé tự tin đến trường, tập trung cho việc học nên thành tích học tập cải thiện hơn trước rất nhiều. Ngoài Y Ngọc Hân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong còn giúp đỡ 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác theo mô hình “Nâng bước em đến trường”, mỗi tháng hỗ trợ các em 500 nghìn đồng và sẽ hỗ trợ trong 9 tháng đi học.

Không những đồng hành, hỗ trợ các em trong việc học tập, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong còn phối hợp với chính quyền địa phương, Ban giám hiệu các nhà trường tuyên truyền các phụ huynh quan tâm việc học của con em, đồng thời vận động các em học sinh không được bỏ học giữa chừng. Từ năm 2018 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong đã phối hợp vận động hơn 165 em bỏ học quay lại trường, tiếp tục hành trình theo đuổi con chữ.

Có thể thấy, cùng với nhiệm vụ chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong còn làm tốt vai trò của một “nguời thầy”, sẵn sàng đứng trên bục giảng gieo chữ. Họ gần gũi, nhiệt tình “nắn tròn” con chữ cho đồng bào DTTS nơi vùng biên Sa Loong, để người dân nơi đây ai cũng được học, được biết đến con chữ.

Văn Tùng            

Chuyên mục khác