12/09/2018 13:00
Chúng tôi về huyện Ia H’Drai và được bác sĩ Nguyễn Công Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Sau lũ khoảng 10 ngày, tại thôn 2, xã Ia Dom, ngành Y tế huyện đã ghi nhận 1 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Hiện nay, Trung tâm đã điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân không có biến chứng, nhưng nhận định tình hình xảy ra dịch sốt xuất huyết Dengue trong thời gian tới sẽ rất phức tạp.
Bác sĩ Hiếu cho biết thêm: Do địa bàn huyện rộng, tiếp giáp với huyện Sa Thầy và huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) là những địa phương hiện đang lưu hành bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue mạnh, trong lúc đó, dân cư trên địa bàn di biến động và làm rừng ngủ rẫy nhiều, nên nguy cơ lây truyền bệnh cao. Trước tình hình đó, Trung tâm đã cử cán bộ y tế tăng cường công tác giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại các thôn, xã trên địa bàn.
|
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 6 đợt phun thuốc diệt muỗi nhằm chủ động phòng chống dịch và khử trùng nguồn nước, vệ sinh môi trường ô nhiễm do mưa lũ. Đồng thời, tổ xung kích tại các thôn, các cơ quan, ban, ngành của huyện và xã thường xuyên ra quân dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy được 74 buổi với 1.725 lượt người tham gia. Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS của Trung tâm cùng trạm y tế các xã đã tổ chức được 24 buổi tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn với 1.539 người tham gia…
Tại huyện Tu Mơ Rông - một trong những huyện bị mưa lũ kéo dài làm sạt lở nhiều đoạn đường nông thôn, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân, bác sĩ Nguyễn Thành Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay Trung tâm tiếp tục giám sát các xã điểm, các cơ sở y tế, tại cộng đồng và giám sát những nơi có ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao, đồng thời thường xuyên truyền thông trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh xã đến tận các thôn, làng và các hộ dân về cách phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch sốt xuất huyết.
Làm việc với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Lộc Vương – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 12 lượt tuyên truyền bằng xe loa tại thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi; truyền thông trực tiếp 10 buổi tại cộng đồng ở thành phố Kon Tum và các huyện: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai…
Nhờ đó, tính đến ngày 6/9, toàn tỉnh chỉ có 8/10 huyện, thành phố với 38/102 xã, phường, thị trấn có ca bệnh sốt xuất huyết Dengue và ghi nhận 93 ổ dịch với 188 ca mắc, không có ca tử vong, giảm 89 ca so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 2.293 ca so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thành phố Kon Tum 38 ổ dịch với 102 ca mắc và các huyện: Ngọc Hồi 23 ổ dịch với 39 ca mắc, Sa Thầy 11 ổ dịch với 19 ca mắc, Đăk Hà 9 ổ dịch với 15 ca mắc, Kon Rẫy 5 ổ dịch với 6 ca mắc, Đăk Tô 4 ổ dịch với 4 ca mắc, Đăk Glei 2 ổ dịch với 2 ca mắc, Ia H’Drai 1 ổ dịch với 1 ca mắc.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Lộc Vương nhận định: Tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue hiện nay trên địa bàn tỉnh rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, toàn ngành Y tế tỉnh đã chủ động phòng dịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động toàn dân ra quân phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.
Bài, ảnh: Trần Văn Phúc