Dịch Báo ảnh khó hay dễ?

26/06/2022 06:01

Tôi còn nhớ cách đây 20 năm (nói tròn) là năm bắt đầu tôi vinh dự được giao cho công việc dịch Báo ảnh Kon Tum. Lúc đó thật sự tôi không nghĩ và đúng hơn là không dám nghĩ đến là mình có thể làm được công việc dịch thuật mà tôi cho là khá khó khăn. Với tôi lúc đó cho rằng dịch báo ảnh còn khó hơn dịch sử thi Ba Na và sử thi Xơ Đăng.
Ấn phẩm Báo ảnh Kon Tum. Ảnh: XB

 

Những ngôn từ trong sử thi Ba Na, Xơ Đăng thỉnh thoảng nghệ nhân thường hay sử dụng một số từ cổ, ban đầu cũng có bỡ ngỡ nên mới hỏi lại nghệ nhân để được giải thích. Rồi những bản dịch lần sau, có phần suôn sẻ hơn. Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”. Hơn nữa, các từ sử dụng trong hát kể sử thi thường là những ngôn từ dân gian, sát với cuộc sống hằng ngày, và bất kỳ người dân nào cũng có thể hiểu ngay được. Còn những câu từ trong báo chí, theo tôi là khá khó, bởi có không ít thường sử dụng các từ hiện đại hoặc từ Hán Việt, lắm lúc rất khó hiểu. Có đôi lần tra trong từ điển không có từ đó, tôi đành mạnh dạn hỏi lại người đã gửi bản dịch để được giải thích rành mạch rồi mới đặt bút dịch.

Những tháng ngày đầu làm công việc biên dịch, thú thật tôi đã gặp phải không ít khó khăn, và có một phần áp lực về thời gian. Trước hết tôi nghĩ: Khi hoàn thành xong bản dịch, tôi phải có trách nhiệm với nó. Nói cách khác, khi đã nhận một công việc nào, cần làm cho tốt. Nghĩa là phải dịch cho đúng, cho sát nghĩa, dễ hiểu. Đồng thời dịch càng nhanh càng tốt.

Bởi lý do đó, tôi mới nảy ra ý tưởng: Lập một cuốn sổ ghi chép các từ ngữ khó dành riêng cho việc Dịch Báo ảnh gồm 3 cột Tiếng Việt - Tiếng Ba Na - Tiếng Xơ Đăng. Chính nhờ cuốn sổ Từ ngữ dịch Báo ảnh đó đã giúp tôi rút ngắn thời gian hơn khi bắt tay vào công việc dịch thuật. Trong lúc dịch, tôi luôn suy nghĩ trong đầu cần phải giảm thiểu các từ vay mượn hoặc phiên âm.

Nói thế không có nghĩa là mỗi từ nào trong tiếng Việt đều có thể dịch dễ dàng ra tiếng Ba Na, Xơ Đăng được. Dĩ nhiên có một số từ, thậm chí có rất nhiều từ ta đã không thể dịch được. Trong trường hợp này đành phải mượn thôi. Có một trường hợp đặc biệt như các từ sau: Đảng, đoàn, đội, tổ, nhóm, hội… Khi dịch ra tiếng Ba Na đều có nghĩa là Khul, hoặc tiếng Xơ Đăng gọi là Khu. Vì vậy khi dịch đành phải vay mượn. Tuy nhiên có một số từ sau đây vẫn có thể dịch được, vậy mà vẫn cứ mượn vay thật là “khó chịu” quá, ví dụ: Cách mạng, công an, bộ đội… Theo chúng tôi, Cách mạng dịch tiếng Ba Na là Hơlih plâng; công an: Sơnêp atum hoặc Bơngai wei sơnêp; bộ đội: Mu linh. Với tiếng Xơ Đăng “Cách mạng”: Pơhleh nếu; công an: Mơngế wé hơniap; bộ đội: Mao leng… Thậm chí có người dịch từ công an: kông ang… dễ bị ngộ nhận vì kông là núi, mà ang là sáng… cảm thấy ngộ nghĩnh quá. Ở đây tôi không dám phê phán ai, chỉ muốn có vài lời trao đổi, để những lần sau bản dịch của chúng ta tốt hơn.

Ngoài ra, ở dây tôi muốn nói thêm điều này. Với các địa danh làng xã, chúng tôi mong muốn viết đúng. Vì có viết đúng thì cái làng mới có đầy đủ ý nghĩa. Ví dụ làng Kon Hra Chót ở phường Thống Nhất thành phố Kon Tum. Lẽ ra nên viết là: Kon Hra Chôt (Chôt trong tiếng Ba Na là trở lại; Kon Hra: làng cây sung). Người già Kon Hra kể lại, ngày xưa đã có một thời làng Kon Hra di dời làng qua bên kia sông, sinh sống và làm ăn. Sau vài năm chẳng phát đạt gì hơn nên rủ nhau trở về làng cũ, tức làng bây giờ. Từ đó, người ta gọi là làng Kon Hra là Kon Hra Chôt (Kon Hra trở về). Từ “chót” trong tiếng Ba Na là vô nghĩa.

Trước đây trên đường đi xã Ngọc Réo, nơi ngã ba rẽ vào làng Yang Roong treo một tấm bảng to đề hàng chữ Làng Răng Doanh, khiến ai nhìn cũng phải bật cười. Sau nhiều lần tôi phản ánh tại các cuộc họp, người ta mới tháo gỡ nó ra. Trong tiếng Việt chỉ cần sai một dấu đã có một ý nghĩa khác huống chi là sai chữ. Trong từ ngữ Ba Na cũng không ngoại lệ, rất cần sự thận trọng trong khi viết, càng viết chính xác càng tốt.

Trên đây là vài điều mà chúng tôi cần trao đổi về công việc dịch thuật báo ảnh cũng như một vài vấn đề nhỏ khác.

Nói tóm lại, công việc dịch Báo ảnh ban đầu phải khẳng định là không dễ dàng một chút nào, bởi vậy nên đã tốn kém khá nhiều thời gian tra cứu tìm hiểu một số từ khó.

Nếu thiếu kiên trì có lẽ tôi đã không trụ nổi đến bây giờ. Quả là “cái khó ló cái khôn”. Không chịu bỏ cuộc, cần phải vượt qua khó khăn và bằng mọi cách biến khó khăn thành thuận lợi. Ngoài học bạn bè, qua sách vở, còn lập cho mình một cuốn sổ Từ ngữ gồm 3 thứ tiếng Việt - Ba Na - Xơ Đăng đã giúp tôi vượt bao khó khăn và công việc phiên dịch của tôi ngày càng tốt hơn.  

Theo Đề án phát triển Báo Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng kỳ phát hành Báo ảnh từ 3 kỳ lên 4 kỳ/tháng và 5 thứ tiếng. Ảnh XB

 

A Jar

Chuyên mục khác