02/09/2019 13:01
Trong khối di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đó là: “Đường Kách mệnh”; “Nhật ký trong tù”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” và “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Khi được đọc, được nghe, được tiếp cận với bản Di chúc của Bác, người dân Việt Nam, ai ai cũng xúc động. Là người làm công tác Đảng nhiều năm, chúng tôi càng thấm thía, càng nhận thức sâu sắc hơn về bản Di chúc bất hủ, chứa đựng đầy ắp tình cảm của Bác đối với Tổ quốc, với nhân dân.
Toàn bản Di chúc 1.000 từ được cân nhắc từng câu, từng chữ. Trong hơn 3 dòng ngắn gọn, cô đọng để dành nói về Đảng cầm quyền, Bác dùng tới 4 chữ “thật, thật sự” bởi vai trò và tầm quan trọng của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những điều Bác nói về Đảng tập trung vào 3 vấn đề lớn gồm: Đoàn kết; tự phê bình và phê bình; sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đây là 3 vấn đề quan trọng bậc nhất quyết định sự tồn vong của Đảng.
Đối với vấn đề đoàn kết trong Đảng, Hồ Chí Minh căn dặn: Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng phải thể hiện bằng tư tưởng và hành động; trong Đảng không thể có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh.
|
Bác suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bác lo cái lo của dân, đau nỗi đau của dân. Quan điểm của Bác về vấn đề nhân dân rất rõ ràng: Đảng muốn mạnh, muốn vững phải dựa vào nhân dân. Sau này, những nguyên tắc, những quan điểm của Đảng đã cụ thể hóa quan điểm của Bác: Phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Vừa qua, một số quy định của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân với Đảng và xác định Đảng phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Từ cuối năm 2006 đến nay, chúng ta thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngay sau khi Chỉ thị ra đời, toàn Đảng, toàn dân đã triển khai chủ trương này với nhiều chuyên đề khác nhau qua từng năm. Học và làm theo Bác đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành phong trào cách mạng lớn bao trùm ở tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong cả nước. Năm 2019, chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” càng cho thấy Đảng ta luôn không ngừng tăng cường việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, nhằm tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, củng cố hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Ngày 25/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, điều này càng cho thấy Đảng ta đang quyết tâm đẩy mạnh nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng theo Di chúc của Người. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tại Hội nghị lần này: “Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 9, khóa XII, ngày 26/12/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, mỗi người cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Cho đến ngày nay, lời điếu mà đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong lễ truy điệu Bác ngày 9/9/1969 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vẫn hào sảng, thiết tha: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác/ Lên những tầng cao, thẳng cánh bay”.
Kỷ niệm 50 năm, tròn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Bác là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân nhận thức sâu sắc hơn giá trị “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công ước nguyện của Người để làm cho Đảng ta thật sự vững mạnh, Tổ quốc độc lập, tự do, dân ta ấm no, hạnh phúc: “Đời sẽ tươi hơn, xây dựng mới/ Đàng hoàng tươi đẹp sáng trời Đông/ Tuổi xanh vững bước lên phơi phới/ Đi tới, như lòng Bác ước mong” (Theo chân Bác - Tố Hữu).
Nguyễn Văn Chiến