Đi qua những vùng đất lịch sử

11/02/2024 07:01

Ai từng đi qua những vùng đất lịch sử của Kon Tum - những vùng đất, những di tích ghi dấu chiến công kiên cường, ghi dấu tinh thần quả cảm của bao nhiêu chiến sĩ - đều tự dặn lòng mình nhẹ bước. Nhẹ bước, để lắng nghe rõ hơn những cơn gió rầm rì kể chuyện xưa, để gửi vào đất trời muôn vạn tấm lòng tri ân, thương nhớ.

Đã gần nửa thế kỷ bom ngừng nổ, đạn ngừng rơi, nhưng trên những di tích lịch sử ghi dấu tinh thần quả cảm, trên những vùng đất lịch sử ghi dấu những chiến công oanh liệt của Kon Tum vẫn luôn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vẫn ôm trọn những ước mơ dang dở của người chiến sĩ cách mạng mấy chục năm trước đang được lớp lớp thế hệ đi sau viết tiếp thành bài ca độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Từ Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến Đăk Tô – Tân Cảnh, Chư Tan Kra... trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ là cả một quá trình gian khổ hy sinh chiến đấu và chiến thắng, là pho sử bằng máu, mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười, tiếng hát, niềm tự hào với những chiến công hiển hách của những người cộng sản, những chiến sĩ, những người dân Kon Tum kiên trung, suốt bao năm đói cơm lạt muối, cháo bẹ măng tre, nuôi giấu cán bộ, dời làng, đánh giặc cứu nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm Ngục Đăk Glei. Ảnh: NP

 

Về với những vùng đất, những di tích lịch sử càng nhớ ghi, yêu quý lịch sử quê hương Kon Tum, lịch sử của đất nước. Lịch sử lúc đó không chỉ nằm trên trang giấy, qua những câu chuyện kể mà một phần lịch sử Kon Tum, một phần lịch sử của đất nước hiển hiện rõ nét, thấm đẫm trên từng gốc cây, ngọn cỏ xanh non, trên những vùng đất màu nâu thẫm như ấp ôm trong đó máu thịt của bao nhiêu người chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, trên những hiện vật dẫu rằng ít ỏi đang được thế hệ sau trân quý, nâng niu gìn giữ.

Không trân quý, biết ơn sao được khi ở Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Kon Tum, những người cộng sản với tinh thần quả cảm, quyết biến nhà tù đế quốc thành trường học, đã thành lập chi bộ Đảng cộng sản - Chi bộ binh - đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của Kon Tum. So với các địa phương trong khu vực, Kon Tum sớm có tổ chức Đảng. Điều này cho thấy ý lớn, chí lớn của Đảng, của Bác đã gặp ý chí cách mạng, ý chí đoàn kết của những người cộng sản, của người dân Kon Tum (sau Chi bộ binh là Chi bộ đường phố được thành lập) đã thắp lên ngọn lửa cách mạng ở vùng đất thời đó vốn nổi tiếng là “rừng thiêng, nước độc”.

Mỗi lần về thăm nơi đây, ai nấy đều đứng lặng trước cụm tượng đài Bất khuất, trước những tư liệu, hiện vật ít ỏi còn được lưu giữ vốn gắn với một phần lịch sử quê hương Kon Tum, với một phần lịch sử đất nước. Những người chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp bắt giữ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trải qua bao tháng ngày vượt chặng đường xa đến Kon Tum không chỉ bằng đôi chân mà còn bằng cả lòng căm thù giặc sâu sắc, bằng cả ý chí, bằng cả quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Ngục Kon Tum. Ảnh: NP

 

Cũng là chốn lao tù xưa, những ai về huyện Đăk Glei đều đến thăm Ngục Đăk Glei – Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đó, thực dân Pháp đã giam cầm trên 100 tù chính trị nhằm mục đích cách li những người cộng sản với phong trào cách mạng các tỉnh đồng bằng đã thấm đẫm những tháng ngày đau thương, nước mắt, nhưng rất oanh liệt, hào hùng được khắc họa qua những câu thơ trong bài “Tiếng hát đi đày” của Tố Hữu: “Đường lên đỉnh núi Đắc Lay/Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim/Gà đâu gáy động im lìm/Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây/Đồn xa héo hắt cờ bay/ Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng”.

Ngày nay, dọc theo con đường đèo uốn lượn nằm vắt vẻo trên những sườn núi, Ngục Đăk Glei thấp thoáng hiện lên giữa núi rừng hùng vĩ.  Đứng trên Ngục Đăk Glei nhìn về xa xa, dưới những chân núi là những thôn, làng yên bình, no ấm. Nơi đó, những con người Kon Tum yêu nước, yêu cách mạng đã chẳng nề hà hiểm nguy chở che, giúp đỡ những người cộng sản (nhà thơ Tố Hữu và ông Huỳnh Ngọc Đệ) vượt ngục thành công vào tháng 3/1942. Người xưa đã khuất, nhưng lớp cháu con nơi đây vẫn ghi lòng tạc dạ quãng thời gian gian khó, quãng thời gian nuôi giấu, chở che những người cộng sản.

Từ Ngục Đăk Glei ngược theo con đường Hồ Chí Minh trải nhựa phẳng lì, vốn xưa kia thấm đẫm bao mồ hôi và máu của những người chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở Ngục Kon Tum ngày ngày đi vác đá, chặt cây mở đường là đến Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Sân bay Phượng Hoàng, những chiếc xe tăng, cụm tượng đài, dấu tích hố bom Mỹ - Ngụy thả xuống trong Chiến dịch Xuân – Hè 1972 như kể lại quyết tâm của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Kon Tum tập trung cho trận tuyến mấy chục năm trước. Mấy chục năm trôi qua, chừng ấy thời gian đã xoa dịu bao nỗi đau mất mát, con người vùng đất Đăk Tô – Tân Cảnh kiên trung tiếp bước truyền thống cha anh thi đua học tập, lao động. Màu xanh của cây, của cỏ phủ xanh những đồi núi trọc vì bom đạn ngời lên dưới ánh nắng trưa, cái nắng như rực lửa khiến cho mỗi người liên tưởng tới khí thế “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương” năm nào.

Vùng đất Đăk Tô - Tân Cảnh ngày càng khởi sắc. Ảnh: NP

 

Ngược về Chư Tan Kra ở huyện Sa Thầy, Di tích lịch sử cấp tỉnh Điểm cao 995 - Chư Tan Kra là biểu tượng của tinh thần anh dũng, kiên cường của đất và người Kon Tum. Trong cuốn Lịch sử Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư Tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí”. Những chàng trai Hà Nội năm nào vượt cả ngàn cây số đã nằm lại trên Chư Tan Kra, nằm lại trong lòng những người dân Kon Tum đời đời tri ân, kính quý. Con người làm nên lịch sử, lịch sử bồi tạc hồn đất. Những nấm mộ chưa xác định tên, khu mộ chung nằm lặng giữa núi rừng Chư Tan Kra. Đứng trên điểm cao nhìn về phía xa, thấp thoáng trong bạt ngàn màu xanh của cây cao su là những thôn, làng đang ngày càng đổi mới. Ngắm nhìn cây cỏ lên xanh, sự sống trào dâng ở nơi này mà nhớ tới những tháng ngày đau thương, bao nhiêu mưa bom, bão đạn hòng càn quét, tiêu diệt.

Lịch sử đã chọn những vùng đất trên dãy Ngọc Linh để trao gửi trách nhiệm nặng nề. Chiến tranh đã biến những con người chân chất ở các thôn làng dọc theo dòng Đăk Bla trở thành những chiến sĩ anh dũng. Chiến tranh cũng khiến những chàng trai băng đèo lội suối vượt cả nghìn cây số trong mưa bom bão đạn và nằm lại trên đất Kon Tum. Qua tháng, qua năm, chiến công và những năm tháng cũ chẳng thể nào phai. Lớp lớp thế hệ hôm nay luôn hướng về những di tích, những vùng đất ghi dấu khúc tráng ca đau thương nhưng anh dũng, cùng nhau nhắc nhớ sự hy sinh, cùng nhau nhắc nhớ trách nhiệm tiếp nối.

Cách những di tích, những vùng đất từng thấm đẫm bao đau thương không xa là biêng biếc xanh những cao su, cà phê, là làng mạc kề phố xá, là văng vẳng tiếng đọc bài ê a con trẻ, là sự sống tự do, ấm no, hạnh phúc trào dâng. Kon Tum đã trở thành nơi hội tụ biết bao tình cảm, biết bao quyết tâm của người dân mọi miền đất nước để hiện thực hóa ước mơ còn dang dở của những con người anh dũng, kiên trung, những con người đã mang chính cuộc đời mình viết nên huyền thoại cho “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”./.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác