15/02/2018 10:59
1. Với chị Thủy – công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Kon Tum thì ngày cuối năm là khoảng thời gian bận rộn nhất.
Đây là thời điểm mà nhu cầu sinh hoạt, mua sắm, ăn uống tăng cao cộng với tâm lý nhà cửa phải sạch sẽ, vứt bỏ những gì bẩn, cũ để đón năm mới cho hanh thông nên rác cứ thế mà bề bộn khắp hang cùng ngõ hẻm.
Không thể chần chừ, trì hoãn, ngay từ sáng, chị đi quét dọn ở các tuyến đường. Đến 16h chiều, chị tiến hành thu gom rác của các hộ gia đình ở 7 tuyến đường thuộc tổ dân phố 3, phường Trường Chinh, TP Kon Tum.
Bóng dáng chị nhỏ bé, tay thoăn thoắt bê những bì rác, đổ vào thùng. Loay quay mới vài nhà, thùng rác đã đầy, chị lại hì hụi kéo thùng rác về điểm tập kết ở đầu đường Tô Vĩnh Diện. Rồi, chị lại quay tiếp lượt khác. Chân tay chẳng kịp nghỉ ngơi nên dù cho trời se lạnh nhưng tấm lưng áo công nhân với dải phản quang vẫn ướt đẫm mồ hôi.
Chị bảo, ngày cuối năm phải nhanh tay nhanh chân mới kịp. Nếu như những ngày thường, chị đi cả đoạn dài mới đầy thùng rác thì tầm rằm tháng Chạp cho đến cuối năm thì qua mỗi ngày lượng rác càng tăng, chỉ khoảng chục nhà đã đầy thùng. Lượng rác tăng gấp đôi, không nhanh tay nhanh chân thì không thể kịp.
|
Xong việc lấy rác ở mấy tuyến đường cố định, chị chạy vội về nhà ăn bữa cơm cuối năm với chồng con, rồi vội vàng về các điểm: Trung tâm thương mại, chợ hoa (đường Trần Phú nối dài – đoạn nối giữa đường Trường Chinh và Duy Tân) để tiếp tục quét dọn cho đến sáng mùng Một Tết.
Bao nhiêu năm làm công nhân môi trường đô thị là bấy nhiêu năm chị đón giao thừa ngoài đường bên cây chổi và thùng rác. Chị và các đồng nghiệp ai cũng vậy, hối hả quét dọn các tuyến đường cố định, rồi tập trung về các điểm đã quy định quét dọn để tất cả mọi nẻo đường thành phố Kon Tum được sạch đẹp, tinh tươm đầu năm. Mọi việc ở nhà, chồng con chị tự lo liệu.
Chị chân chất mà tâm sự rằng, vất vả thật nhưng chị luôn cố gắng làm lụng để lo cho các con ăn học đàng hoàng. Với lại, ngày cuối năm mình có vất vả một chút nhưng sớm hôm sau nhìn phố xá sạch, đẹp cũng thấy vui vui. Chỉ mong sao, mọi người ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung để những người công nhân như chị đỡ vất vả và đường phố Kon Tum cũng thêm sạch, thêm đẹp.
2. Những ngày cuối năm của chị Tâm – chủ cơ sở cà phê Da Vàng trên đường Trần Phú lúc nào cũng bận bịu. Bận rang, bận xay cà phê để bán cho khách quen ở Kon Tum, khách mua sỉ và cả khách mua về quê làm quà Tết.
Chị Tâm kể rằng, có ngày chị bán được cả tạ cà phê bột cho khách. Thời gian gần đây, người dân Kon Tum chuộng cà phê sạch, nên chị rang, xay trực tiếp cho khách thấy. Giá từ 120-140 nghìn đồng/kg, nhà chị lại bán lâu năm nên khách mua khá đông.
Nào riêng chị Tâm của cà phê Da Vàng, những hàng nông sản bán tiêu, bán măng, chuối khô, chuối sấy dọc tuyến đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Kon Tum) những ngày cuối năm cứ nườm nượp khách vào ra.
Măng, tiêu… được đóng gói có nhãn mác bày lên kệ ngăn nắp. Người mua về quê có khi cả vài chục cân măng, cân tiêu. Chủ hàng nông sản bà Nhàn kể rằng, cứ đến mùa măng, cơ sở chuẩn bị khoảng 50 tấn măng để bán dần, nhưng bán được nhiều nhất vẫn là những ngày tết.
Cũng phải, “đất lành chim đậu” - Kon Tum trở thành nơi hội đủ các vùng miền trên cả nước về đây lập nghiệp. Ngày tết đoàn viên, những con người ở từng vùng miền ấy đã về quê hương mang theo những đặc sản của quê hương thứ hai làm món quà xuân ý nghĩa cho bà con, cho xóm làng. Nên sáng 30 Tết, những cơ sở bán cà phê, bán măng, bán những thứ đặc sản Kon Tum vẫn khách vào khách ra mua làm quà.
Các chủ hàng bảo, ngày cuối của năm vẫn cứ mải lo bán buôn cũng mệt lắm. Nhưng mệt chút mà vui vì có thêm thu nhập, vừa góp thêm vào hành trang năm mới của nhiều người chút quà mang đậm hương vị Kon Tum.
Vậy là, trên những chuyến xe, những cân măng khô, những bì tiêu rừng, những gói cà phê… đã trở thành món quà tết chứa chan ân tình của vùng núi rừng khi người Kon Tum đến các vùng đất khác.
|
Người được tặng quà vui vì ngày xuân được thưởng thức đặc sản. Còn người tặng, ẩn chứa trong những món quà đó còn là niềm tự hào về quê hương thứ hai dấu yêu.
3. Ngày 30 Tết, Viễn ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum cùng em trai vẫn ngồi bán hoa ngay trước nhà. Cả hai anh em đon đả mời chào, tư vấn, giới thiệu và cả vô chậu hoa cho khách.
Xởi lởi, nhanh nhẹn, Viễn vừa làm vừa chuyện trò. Nhà Viễn làm nghề trồng hoa bao nhiêu năm nay. Khoảnh đất sau nhà từ bãi bồi sông Đăk Bla hơn 1 sào được mấy mẹ con Viễn cuốc xới, vun vén trồng đủ loại hoa. Trong năm, nhà Viễn trồng hoa cúc bán ngày rằm, mùng một; giáp tết thì trồng hoa cúc, đồng tiền, vạn thọ… vô chậu.
Từ khoảnh đất ấy đã nuôi sống cả gia đình, nuôi 2 anh em Viễn ăn học. Nhưng rồi, ba Viễn bị bệnh nặng và mất đã 2 năm nay. Cả gia đình Viễn chơi vơi. Viễn đang học đại học ngành du lịch phải nghỉ học về đi làm phụ giúp mẹ. Cũng may, Viễn có được việc làm ở một cửa hàng điện máy ở Quảng Ngãi.
Quen với gian khó, Viễn không nề hà bất cứ công việc gì, nên từ chỗ là nhân viên bán hàng nay đã được lên làm quản lý. Lương mỗi tháng được chục triệu đồng, Viễn phụ giúp mẹ nuôi em ăn học.
Những ngày cuối năm, Viễn xin nghỉ sớm về Kon Tum để được đoàn viên cùng gia đình, đỡ đần mẹ đôi chút.
Nghe Viễn kể chuyện, nghe Viễn nói về những dự định trong năm mới, tôi chợt nghĩ, có lẽ không chỉ riêng Viễn - những khó khăn, phiền muộn sẽ đi qua theo năm cũ… Bởi, khi chúng ta cùng nỗ lực để vươn lên, khi chúng ta biết dành yêu thương cho gia đình, dành sự sẻ chia cho những người xung quanh thì hẳn rằng quanh năm Mậu Tuất tới sẽ luôn có tết trong lòng.
Bài, ảnh: Nguyên Phúc