29/01/2017 19:56
Sáng mùng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Cẩm ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) đã dậy thật sớm để đi chợ. Món hàng đầu tiên bà Cẩm lựa mua là gói muối, đến nhánh cau và vài chiếc lá trầu được quẹt vôi sẵn.
Bà Cẩm chia sẻ: Theo phong tục xưa, người lớn tuổi hay nhắc con cháu đi chợ đầu xuân mua muối, còn cuối năm mua vôi đều có ý cả. Đầu năm mua muối, các cụ bảo nó là thứ chống xú uế, xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn trong gia đình, cầu mong kinh tế thuận buồm, xuôi gió cho năm mới. Cuối năm có tiền mua vôi quét nhà xóa đi những điều không hay trong năm cũ và miếng trầu quả cau được têm sẵn để đãi khách, ước mong được nhiều bạn bè tốt lành đến thăm. Những điều dặn dò này vẫn được tôi giữ gìn và làm theo đến hôm nay. Đó là phong tục, là văn hóa người Việt Nam đấy, không bao giờ quên được, dù tôi sống giữa phố Kon Tum.
|
Loanh quanh câu chuyện đi chợ ngày Tết, chị Hoàng Thị Lành – một tiểu thương buôn bán nhỏ ở huyện Kon Rẫy về thành phố Kon Tum thăm người thân. Hôm mùng 2 đi chợ tết chuẩn bị về nhà, chị Lành cũng mua “mở hàng” quả đu đủ tròn trĩnh, sắc màu bên ngoài quả một màu xanh đậm và không có một tì vết nào.
Mặc dù quả đu đủ nặng chưa đến 2kg được bán với giá 60 ngàn đồng, quả dừa non 30 ngàn đồng, quả xoài 3 lạng giá 40 ngàn đồng… tất cả đều đắt hơn ngày thường đến nửa số tiền, nhưng chị Lành vẫn vui vẻ trả tiền không một lời mặc cả. Chị tươi cười: Kệ mà em, đầu năm mình mua lộc phải nhanh nhảu, không đôi co. Như thế, việc buôn bán, làm ăn mới thong dong, mau mắn và thuận buồm xuôi gió cả năm.
|
Chị Thanh - người bán hàng rau quả quanh năm ở chợ nhỏ phường Duy Tân thì tranh thủ những ngày chợ năm mới, cả gia đình phụ giúp chia nhỏ từng bịch muối 1/2kg thành nhiều gói nhỏ bằng nắm tay trẻ con và sắm thêm chiếc mâm tròn bày biện trầu cau, vôi sống, hộp quẹt diêm để chiều khách mua lộc xuân. Chị khoe, 5h30 đến cuối buổi sáng mùng 2 tết, mâm hàng be bé của chị đã thu hút gần trăm người mua, chủ yếu là các chị em. Tiền gốc và lãi thu về từ hàng hóa của chị Thanh gần 1 triệu đồng. Chị chia sẻ, đấy cũng là sự mau mắn buôn bán những ngày năm mới của bản thân.
Ngoài các hàng quán bán muối, lửa, hoa quả tươi tốt đầu năm - nhiều cửa hàng bạc, đá quý ở nhiều nơi cũng mở cửa hàng khai trương đón chào khách hàng đến mua. Đa phần khách là các mẹ, các chị quanh năm là “tay hòm chìa khóa” của gia đình, họ làm việc này với niềm tin, hy vọng vào một năm mới thêm điềm lành, sự ấm êm, rước nhiều sự may mắn, tài lộc về nhà. Và những hành động ý nghĩa này mãi là ước vọng, phong tục tốt đẹp của làng quê tiếp tục được chính những người phụ nữ này gìn giữ giữa cuộc sống phố thị hiện đại hôm nay.
Bài và ảnh: Mai Trâm