Đến với Kon Tum

09/01/2023 05:59

Gần 20 năm đã qua kể từ ngày di sản phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) vẫn chưa hết đau đáu về kho báu lâu đời của đồng bào các DTTS Tây Nguyên mà mình từng tham gia, góp phần “giải mã”.

Thời gian vẫn qua đi với bao điều dường như không còn nữa, nhưng Bùi Trọng Hiền làm sao có thể quên kỷ niệm những ngày ở làng Mô Pành, xã Đăk Tờ  Kan, huyện Đăk Tô (nay là huyện Tu Mơ Rông), nơi mà trong lần đầu tiên, khi vừa chân ướt chân ráo đến Kon Tum, anh đã nóng lòng tìm tới. Đó là tháng 5/2004, được “chọn mặt gửi vàng” và dồn cả trí tâm, nhiệt huyết cho công trình “dài hơi” lập hồ sơ về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trình UNESCO xem xét công nhận di sản phi vật thể, kiệt tác truyền khẩu.

Thời gian này, tình hình sản xuất - sinh hoạt của đồng bào còn không ít khó khăn, thiếu thốn, nhưng được sống lại với cồng chiêng - xoang, với lễ hội và văn hóa dân gian thì bà con ở đây vẫn như cá về với suối, gió trở lại rừng. Cũng như những thôn làng của người Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho... của các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng) Hiền từng đi qua, khu dân cư của người Xơ Đăng đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp với chàng trai “yêu dân tộc, yêu con người, tâm huyết với nghề”, như  lời Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh ghi nhận.

Cùng ăn, cùng ở với dân làng và được lôi cuốn, hấp dẫn bởi nét đẹp truyền thống vừa mộc mạc, gần gũi, vừa mới mẻ, độc đáo, Hiền như trở lại thời “huyền sử”. Tất cả mọi thanh âm cồng chiêng được mê mải lắng nghe, cẩn thận thu thanh chính là cơ sở cho việc ký âm, phân tích, ghi nhận, tập hợp để hoàn thành bản tổng phổ về cái hay nét đẹp của cồng chiêng Tây Nguyên.

Trao đổi cùng NSƯT A Thăk. Ảnh: TN

 

Được UNESCO giao trọng trách đánh giá, thẩm định hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và kiệt tác truyền khẩu, cố Giáo sư Trần Văn Khê từng chia sẻ: Chưa đọc phần của Hiền, giáo sư  thấy hay nhưng chưa thấm để mạnh dạn khen ngợi. Từ những nhận xét của Hiền  đã soi sáng cho giáo sư về cái độc đáo của cồng chiêng. Được như vậy, nhờ chính sáng tạo đầy ý nghĩa trong việc ký âm được bản tổng phổ âm nhạc cồng chiêng đồ sộ của “tác giả công trình”.

Lần đầu “chạm mặt” cồng chiêng Tây Nguyên cũng chính là cơ duyên để  Bùi Trọng Hiền đến với Kon Tum, gắn bó cùng đồng bào các dân tộc tại chỗ  trong các vai trò khác nhau: Từ người nghiên cứu, tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân gian, người “cầm cân nảy mực” trong các liên hoan, hội thi, đến trực tiếp đánh giá, phản biện tại các hội thảo về cồng chiêng. Tất cả đều góp phần làm nên sự nhận chân cần thiết cho các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và cồng chiêng nói riêng cần bảo tồn, phát huy trong đời sống thực tế.

Chỉ riêng xêri phim truyền hình “Nẻo về nguồn cội” của VTV mà Bùi Trọng Hiền tham gia làm cố vấn chuyên môn, dấu ấn để lại chính là sự độc đáo từ Tết lúa mới, nét đẹp dân ca của người Xơ Đăng, nét đẹp kiến trúc nhà rông của đồng bào các DTTS Tây Nguyên, sự kỳ diệu của đàn đá vùng Bắc Tây Nguyên...

Và chính tâm sức dành cho cồng chiêng của đồng bào các DTTS Kon Tum cũng đã góp phần để cuốn sách “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên” - cuốn sách “thấm đẫm hồ hôi và nước mắt trong mấy mươi năm qua” - như lời “tự bạch” của Hiền - ra đời đầu năm 2022 (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc). Anh xúc cảm: “Xin dành tặng cuốn sách này cho đồng bào Tây Nguyên, những người con của dãy Trường Sơn, đã chuyển giao cho tôi kho tàng kiến thức vô giá cùng với những âm thanh huyền diệu, như tiếng vọng của đại ngàn hùng vĩ”.

Trở về từ Hội thi cồng chiêng xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 11/2022, “Người giải mã cồng chiêng” năm nào mang theo lắm niềm vui, song cũng không nguôi trăn trở: “Một cuộc liên hoan đầy ý nghĩa, có giá trị lớn dưới góc nhìn kiểm kê thực trạng cồng chiêng ở Kon Tum. Còn rất nhiều, rất nhiều việc phải làm mới mong bảo tồn được di sản vô giá của đại ngàn Trường Sơn - Tây Nguyên”.

Nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng trong tiến trình phát triển vừa là điều kiện, vừa là cơ hội để di sản này xứng đáng với tầm vóc của nó. Thời gian đi qua cùng bao biến đổi của cuộc sống khiến “bảo tồn” cồng chiêng nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung luôn được xem là yếu tố đầu tiên, là cái gốc cần được quan tâm, chú ý.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, thật đáng mừng khi hiện nay, nhiều nghệ nhân cao tuổi còn say sưa, nhiệt huyết với cồng chiêng. Lớp thanh niên, nhi đồng cũng gần gũi, yêu thích âm nhạc truyền thống. Tuy vậy, thực tế  không khỏi lo ngại, khi biểu hiện tùy tiện, dễ dãi trong việc lưu giữ và trao truyền nét văn hóa cổ xưa đáng quý vẫn tồn tại đâu đó, trong chính “chiếc nôi” khu dân cư. Sự dễ dãi, tùy tiện với bảo tồn đôi khi làm mất đi cái hồn cồng chiêng của chính dân tộc mình và chấp nhận sự “xâm thực” cồng chiêng từ dân tộc khác mà không hề hay biết.

Để có sự minh bạch và công bằng trong bảo tồn cồng chiêng, thì tâm huyết, nhiệt tình thôi chưa đủ. Vậy nên, càng tin tưởng, kỳ vọng vào những trăn trở, ấp ủ với cồng chiêng Tây Nguyên của nhà nghiên cứu cả đời gắn bó với âm nhạc cổ truyền sẽ tiếp tục có được câu trả lời trên chính mảnh đất Kon Tum. /.          

Thanh Như

Chuyên mục khác