Đem Tết cổ truyền đến học sinh DTTS vùng cao

13/01/2023 13:17

Một cái Tết Nguyên đán lại về. Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh vùng cao, vừa qua Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) đã phối hợp với Công an huyện Tu Mơ Rông tổ chức Ngày hội "Bánh chưng xanh". Ngày hội nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh nơi đây hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Hôm nay, Y Hiệp (lớp 5A4) dậy sớm hơn mọi ngày để rủ các bạn đến trường. Cô bé háo hức không phải vì ngày mai được nghỉ học đón Tết mà vui mừng vì hôm nay trường mình có hội.

Từ cổng trường, không khí Tết đã rộn ràng bởi những khúc nhạc xuân do nhà trường mở loa. Sân trường hôm nay rực rỡ hơn nhờ đôi tay khéo léo của các thầy cô giáo đã trang trí những cành hoa mai, hoa đào cũng những chiếc lồng đèn đung đưa trong gió. Những câu đối, ca dao tục ngữ được các cô tỉ mỉ vẽ treo thẳng hàng tại các lối ra vào.

Trong sân trường, nhiều bạn học sinh còn đến sớm hơn Y Hiệp, đang tung tăng nô đùa, có vài bạn siêng năng phụ giúp thầy cô quét dọn, chuẩn bị lá dong, gạo nếp. Không riêng học sinh, nhiều phụ huynh cũng có mặt ở trường từ sớm, người chẻ lạt, người đóng khuôn, người treo phông bạt tất cả đều tất bật chuẩn bị cho Ngày hội.

 
Ngày hội "Bánh chưng xanh" giúp các em học sinh DTTS hiểu hơn về phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Ảnh: VT

 

Y Hiệp nhanh chóng hòa mình vào Ngày hội. Cô bé nhanh nhẹn chen vào đám bạn đang chia nhau lau lá dong, rồi sau đó lại cắt, gấp chiếc lá theo sự hướng dẫn từ giáo viên.

Khi phần lá, sợi lạt cơ bản đủ, còn thịt đã được cắt nhỏ tẩm ướp gia vị thì cũng là lúc Ngày hội bắt đầu. Mỗi lớp là 1 nhóm, các lớp bắt đầu chia nhau nguyên liệu, cùng nhau gói bánh dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, các chiến sĩ công an cùng phụ huynh học sinh.

Y Hiệp háo hức khi lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc khuôn làm bánh. Cô nhìn theo những người “thợ” trong nhóm mình rồi bắt chước làm theo. Chiếc bánh đầu tiên được hiệp gói không được bắt mắt với nhiều lỗ thủng, dây lạt buộc lộn xộn không chắc chắn. Cô bé cùng mọi người trong nhóm phì cười khi nhìn thấy thành quả đáng yêu kia. Y Hiệp không bỏ cuộc, cô bé vẫn hào hứng tiếp tục thực hiện gói chiếc bánh thứ 2.

Lúc ngày, chị Y Phét (33 tuổi, thôn Ty Tu) đến hướng dẫn cho Y Hiệp để cô bé có thể làm ra những chiếc bánh chưng như mong đợi. Chị Y Phét tâm sự: Trước đây tôi từng học gói bánh chưng xanh tại Ngày hội bánh chưng xanh được tổ chức tại xã, đây là lần đâu tiên tôi được dự Ngày hội này ở trường. Tôi có đứa con trai học lớp 5 tại trường này. Thằng bé háo hức mấy hôm nay để mong đến ngày này vì cháu muốn tự tay làm bánh chưng, cùng các bạn thầy cô vui chơi đón Tết.

Sau nhiều giờ đồng hồ vui vẻ hì hục gói bánh, Y Hiệp cũng tự tay gói được 2 chiếc bánh ưng ý. Nhóm lớp em gói được gần 30 chiếc bánh chưng. Y Hiệp chia sẻ: Nhờ nhà trường tổ chức Ngày hội mà em đã biết cách gói bánh chưng, biết thêm nhiều nét đẹp trong ngày Tết truyền thống của dân tộc.

Kết thúc buổi gói bánh, toàn trường gói được gần 500 chiếc bánh, đảm bảo đủ tặng cho mỗi em một chiếc bánh chưng về nhà đón Tết. Cùng với đó, Công an huyện Tu Mơ Rông còn trao tặng thêm 11 suất quà Tết cho các em có hoàn cảnh khó khăn trong trường, với tổng giá trị các phần quà là 4 triệu đồng.

 
Các em học sinh phấn khởi khi tham gia Ngày hội "Bánh chưng xanh". Ảnh: VT

 

Cũng là một trong hoạt động của Ngày hội, Cuộc thi “Vẽ tranh trên đá” đã được các em học sinh và giáo viên hào hứng tham gia. Mỗi khối học sẽ vẽ một bức tranh được trang trí từ đá tự nhiên, phối hợp nhiều màu sắc để tạo cho bức tranh thêm rực rỡ. Nội dung của những bức tranh chủ yếu xoay quanh chủ đề bảo vệ rừng tự nhiên, tình cảm gia đình, những điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông.

Là một thành viên của Ban tổ chức Cuộc thi, anh Nguyễn Ngọc Sơn - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an huyện Tu Mơ Rông cho biết: Ngày hội bánh chưng xanh là một hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực với các em học sinh DTTS, giúp các em hiểu hơn những nét đẹp ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Hơn nữa, trong Ngày hội còn tổ chức Cuộc thi “Vẽ tranh trên đá” đã thu hút rất nhiều em học sinh khéo tay tham gia, giúp các em tự tin hơn, đoàn kết hơn. Mong rằng, trong thời gian tới, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông sẽ có nhiều trường với nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp các em nâng cao kiến thức, tạo hứng thú trong việc học tập.

Văn Tùng

Chuyên mục khác