Để trẻ mầm non vùng cao hứng thú đến trường

10/02/2022 13:14

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các cô giáo Trường Mầm non xã Mường Hoong đã sáng tạo, đưa ra nhiều mô hình hay để các bé xem cô giáo như mẹ hiền, xem trường học như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Như mọi ngày, em Y Luyến (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học xã Mường Hoong) cõng em trai A Thuyên (4 tuổi) rảo bước trên con đường làng còn bảng lảng sương sớm. Vì bố mẹ đều đi làm rẫy nên hàng ngày chị gái Y Luyến đưa em đến Trường Mầm non xã Mường Hoong, trước khi đến trường học của mình.

Y Luyến tâm sự, bố mẹ đều đi làm từ sáng sớm, nên em đưa A Thuyên đến trường để các cô dạy dỗ, chăm sóc. Em A Thuyên cũng rất thích đi học, đến trường, em được nô đùa cùng bạn bè, được các cô dạy múa hát, chơi các trò chơi vui nhộn.  

Không chỉ riêng A Thuyên, các em nhỏ ở độ tuổi mầm non nơi Mường Hoong rất thích đến trường. Để thu hút các em, giáo viên nơi đây chú trọng trang trí trường bằng hình ảnh gần gũi đầy màu sắc. Từ những bức tường bạc màu, lem luốc, các giáo viên khéo tay vẽ lên những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, hay hình ảnh liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19, tận dụng những viên đá, sỏi rồi phủ đầy màu sắc, tạo thành các hình ảnh bắt mắt.

Các cô giáo sáng tạo nhiều hoạt động, trang trí trường lớp để các em vui chơi học tập. Ảnh: V.T

 

Cô Y Mảnh - giáo viên dạy lớp 4, 5 tuổi tâm sự: Trẻ vùng cao thường rất tự ti, rụt rè, ngại giao tiếp với người lạ. Do đó, giáo viên chú trọng giáo dục trẻ thông qua tranh ảnh, hoạt động tập thể. Hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do đó, nhà trường đã vẽ tranh về các y bác sĩ, bộ đội… tham gia chống dịch lên tường để tuyên truyền đến phụ huynh và các em về sự vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Từ đó góp phần hình thành và nâng cao ý thức chấp hành tốt các quy định, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để điểm tô thêm cho ngôi trường, cán bộ, giáo viên cùng nhau vẽ thêm những hình ảnh về văn hóa các dân tộc, những câu tục ngữ, ca dao … Qua đó, giúp trẻ có thêm trải nghiệm, sáng tạo trong giờ ra chơi và các tiết học vận động ngoài trời.

Một trong những hoạt động thu hút trẻ là “Góc địa phương”. Tại đây, các cô giáo trưng bày những đồ dùng gần gũi với người nông dân, như: các dụng cụ làm nông, gùi, giỏ… đan bằng mây, nứa, nhằm giúp trẻ biết và hiểu được giá trị, chức năng của từng đồ vật và văn hoá truyền thống dân tộc mình.

Bên cạnh đó, nhà trường còn triển khai “Góc kỹ năng” để giúp trẻ rèn tính tự lập. Các cô giáo đã tổ chức nhiều hoạt động để trẻ được hoá thân thành nhiều nhân vật khác nhau, như mẹ, cô giáo, học sinh, nông dân… để các bé hiểu thêm về các công việc, sự vất vả của mỗi nghề khác nhau.

Tại “Góc kỹ năng”, các cô giáo hướng dẫn các em các kỹ năng trong cuộc sống, như vệ sinh cá nhân, buộc tóc, buộc dây mũ…

Cô Đỗ Thị Hồng Nở - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Mường Hoong cho biết, trường có 12 điểm trường được đặt tại 10 thôn trên địa bàn xã. Các điểm trường còn khá đơn sơ, trong đó, điểm trường thôn Đăk Bối và Ngọc Lâm là xa và khó khăn nhất.

Trẻ mầm non nơi đây đều là người DTTS. Bố mẹ các em bận rộn việc ruộng, rẫy, ít quan tâm đến việc học của con mình. Đa số các em đều tự đi bộ đến trường, không có phụ huynh đưa đón, việc học tập chủ yếu phó thác cho thầy cô. Chính vì vậy, giáo viên phải thường xuyên quan tâm, động viên để phụ huynh tạo điều kiện cho con em ra lớp. Qua thời gian kiên trì vận động, đến nay đa số trẻ em ở các thôn làng đều đến trường đúng độ tuổi và đảm bảo tỷ lệ chuyên cần.

Bên cạnh đó, do phụ huynh học sinh còn rất nhiều khó khăn nên nhà trường không vận động đóng góp tiền, đa số chỉ ủng hộ ngày công, các vật dụng có sẵn tại địa phương.

Vì lòng yêu nghề, yêu thương học sinh nên chúng tôi từng ngày miệt mài, cố gắng bù đắp cho các em học sinh vùng cao, để các em không phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn- cô Đỗ Thị Hồng Nở tâm sự.        

Văn Tùng

Chuyên mục khác