Để Tết Trung thu thật ý nghĩa

13/09/2019 06:14

“Cắc… Tùng… Cheng…”, tiếng trống lân của các em nhỏ ở góc đường vang lên từng hồi báo hiệu Tết Trung thu đã đến. Từ đầu tháng 8 âm lịch, không khí Tết Trung thu đã tràn ngập các nẻo đường trên địa bàn thành phố Kon Tum. Các cửa hàng bày bán la liệt các loại trống, đèn máy, đèn ông sao… Những nhóm bạn trẻ hăng say tập luyện múa lân, tạo nên không khí mùa Trung thu thật rộn ràng…

Trong không khí rộn ràng của Trung thu, bạn tôi bất ngờ than vãn: “Trung thu thì vui thật đấy, nhưng những năm gần đây, Tết Trung thu đã có nhiều thứ  “biến tướng”. Ví như kiểu gì cũng lại có những đoàn xe “đi bão”. Ban đầu một số người tụ họp thành từng nhóm nhỏ, rồi kết nối đông dần, rú ga, nẹt bô inh ỏi, nhiều khi luồn lách đánh võng đủ kiểu trên khắp các con phố bắt đầu từ buổi tối, có khi kéo dài đến 1-2h sáng… Nguy cơ về tai nạn giao thông là một nhẽ, song còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt của nhiều người. Ví dụ như tôi đây, phải bắt đầu công việc vào sáng sớm thì đúng là cả một cực hình…”.

Có lẽ vì điều đó mà vào những đêm Tết Trung thu, đã có không ít người luôn đề cao cảnh giác “thôi, ở nhà cho lành, ra đường đông đúc, xe cộ, không khéo lại tai bay vạ gió”.

Cùng với các “nhóm bão”, thì những con lân “rởm” cũng là một trong những vấn nạn trong mùa Trung thu. Lân “rởm” ở đây không có nghĩa để chỉ về chất lượng của những con lân, mà là từ được mọi người ám chỉ một dạng múa lân “biến tướng” để xin tiền.

Tổ chức Chương trình "Vui Tết Trung thu 2019" cho các em thiếu nhi thôn Plei Sar, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum). Ảnh: ĐT 

 

Cứ vào mỗi dịp Tết Trung thu, những con lân “rởm” là thứ mà ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp. Những đoàn lân này mang tiếng là múa, nhưng thực chất là “xông vào ăn vạ”, để xin tiền ở bất cứ ngôi nhà nào chúng có cơ hội vào. Có thể là các cửa hàng kinh doanh, quán ăn, quán giải khát, thậm chí là nhà dân… Hễ cứ có cơ hội là các nhóm ào vô múa máy loạn xạ, bất kể gia chủ có đồng ý hay không; rồi mượn tiếng trống lân để gây sức ép cho gia chủ đến khi nào chịu “xì” tiền ra mới dời đi.

Cô Nguyễn Thị Vân (tổ 17, phường Quang Trung) ngán ngẩm: Nhà tôi mở tiệm tạp hóa để buôn bán, nhưng cứ những ngày này lại phải đóng cửa tiệm vì sợ lân “rởm” vô phá. Chẳng cần sự cho phép của tôi, những đám lân này thường lao vào múa máy loạn hết cả quán, làm rơi đổ hàng hóa, khách đến mua hàng cũng chả còn chỗ để chen chân. Để tiếp tục kinh doanh, tôi buộc phải cho tiền để thì đám lân này mới chịu dời đi. Cơ mà cũng không ăn thua, bởi những đám lân này rất nhiều, cứ hết nhóm này đến nhóm khác. Một đêm mà tiếp khoảng từ 3 - 4 đám thì gần như chẳng kinh doanh được gì. Cứ mỗi lần những đám lân này “ghé thăm” nhà cửa thường bẩn và nhớp nháp, thậm chí có khi còn bị mất trộm hàng hóa…

Và còn rất nhiều cửa hàng làm ăn kinh doanh cũng rơi vào tình cảnh “tiến thoái, lưỡng nan” như cô Vân mỗi khi Tết Trung thu đến, vì nếu đóng cửa quán thì không có thu nhập, còn nếu mở quán thì lân “rởm” lại đến phá.

Một nhóm lân "vô tư" lấn chiếm lòng đường. Ảnh: TT 

 

Theo quan niệm truyền thống, lân là con vật nằm trong tứ linh: long, lân, quy, phụng. Lân đến nhà ai, gia chủ sẽ gặp nhiều tài lộc, vận may và phú quý. Chính vì vậy mà vào mỗi dịp Tết Trung thu, mọi người thường mời lân đến nhà như một cách để xua đi vận rủi, gửi gắm niềm tin vào tương lai. Tuy nhiên, những hành động “xin đểu” của một số nhóm lân, mượn dịp Trung thu để làm điều không tốt đã làm mất đi những hình ảnh đẹp từ truyền thống vốn có của những con lân.

Một vấn nạn khác nữa vào mỗi dịp Trung thu đến đó là tình trạng xả rác bừa bãi tại các tuyến phố. Hàng năm, cứ vào mỗi đêm rằm Trung thu, những đám rước đèn rồng rắn nối đuôi nhau trên phố, những con lân náo nhiệt thu hút đông đảo mọi người. Thế nhưng, mỗi khi “tàn cuộc” nhìn lại trên những con phố là những đống rác hổ lốn tràn ngập khắp mọi nơi. Nơi nào tụ tập càng đông người thì nơi đó rác càng nhiều. Có lẽ trong cuộc vui, ai cũng với suy nghĩ “một mình mình xả rác thì thấm vào đâu”, vậy nên một bộ phận không nhỏ những người tham gia chơi Trung thu đều tiện tay “bạ đâu xả rác đó”.

Tôi nhớ vào Trung thu năm ngoái, sau khi đêm rằm đã dần tàn, tôi quyết định đánh xe vòng quanh thành phố để lưu lại một chút gì đó về dư vị của Tết Trung thu. Đập vào mắt tôi, trên lòng đường, vỉa hè chỉ toàn rác và rác. Từ những chiếc vỏ bánh kẹo, những bìa cạc tông giấy, cho đến những “xác” của những chiếc lồng đèn Trung thu bị vứt bừa bãi… Một phố núi rộn ràng, nhộn nhịp đón Trung thu chỉ cách vài giờ trước đã trở nên bừa bãi, mất cảnh quan bởi sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người đi chơi Trung thu xả ra.

Có thể nói, chính những vấn nạn trên đã làm mất đi một phần những nét đẹp truyền thống vốn có của Tết Trung thu. Vậy nên, để có mùa Trung thu trọn vẹn, bên cạnh công tác tuyên truyền, quan tâm chỉ đạo, tổ chức tốt việc vui chơi cho thiếu nhi của các cơ quan, đoàn thể, cấp chính quyền địa phương, thì ý thức tự giác của mỗi người trong từng hành động, từng việc làm là vô cùng quan trọng. Làm sao đó để Tết Trung thu không bị “biến tướng”, không còn là những nỗi bức xúc, phiền phức của nhiều người như đã nêu ở trên.         

Tất Thành

Chuyên mục khác